Bắt buộc phân loại rác sinh hoạt chậm nhất trước 31/12/2024

GD&TĐ - Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), chậm nhất trước ngày 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt nếu không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định sẽ bị từ chối thu gom.

Rác thải sinh hoạt buộc phải phân loại và sử dụng bao bì đúng quy định.
Rác thải sinh hoạt buộc phải phân loại và sử dụng bao bì đúng quy định.

Ngày 24/10, trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đã báo cáo nội dung liên quan đến rác sinh hoạt. Theo ông Phan Xuân Dũng, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến về dự thảo luật phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân gồm 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Theo đó, dự thảo đã quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; mức chi trả của hộ gia đình, cá nhân cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, loại chất thải phát sinh.

Tại điều 78 của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nếu không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định.

Đơn vị thu gom vận chuyển sẽ thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.

Dự thảo luật nêu rõ: Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, tổ dân phố, ban quản lý khu dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.

Vấn đề giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được được quy định cụ thể tại điều 80 của dự thảo luật. Theo ông Phan Xuân Dũng, giá dịch vụ này phải phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá; dựa trên lượng chất thải đã được phân loại.

Bên cạnh đó, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

UBND cấp tỉnh quy định mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.

Về lộ trình thực hiện phân loại rác sinh hoạt, thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Phan Xuân Dũng cho biết chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ