Hiệu quả phân loại rác thải chưa cao
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm do rác thải, nhất là chất thải rắn và rác thải nhựa gia tăng. Mỗi năm ước tính có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.
Để xử lý hiệu quả bài toán rác thải, các chuyên gia môi trường cho rằng cần phân loại rác thải tại nguồn trước khi thu gom. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo quy định phân loại rác tại nguồn.
Theo đó chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân thành cac loại như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phân loại rác tại nguồn có vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm lượng rác thải ra môi trường. Đồng thời, giúp cho quá trình tái chế trở nên đơn giản và ít tốn kém. Tái chế rác là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị, còn sử dụng được từ chất thải.
Để giải quyết bài toán ô nhiễm nhựa, nút thắt đầu tiên và quan trọng chính là đảm bảo phân loại rác tại nguồn được thực hiện tốt, để nhựa dễ dàng được thu gom, tái chế, tái sử dụng.
Trong những năm quá đã có nhiều dự án, mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Tuy nhiên không duy trì được bởi nhiều lý do sau đây:
Thứ nhất, cơ quan quản lý về môi trường ở cấp trung ương và địa phương chưa có chiến lược cụ thể, đồng bộ về phân loại rác tại nguồn.
Thứ hai, các địa phương chưa triển khai đồng bộ, chuẩn hóa trang thiết bị lưu trữ, cũng như chuyển giao, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Thứ ba, kinh phí duy trì cho hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của các huyện, thành phố còn hạn chế. Vì vậy, hầu hết ở các địa phương mới chỉ dừng lại ở mô hình điểm, chưa được nhân rộng.
Thứ tư, phân loại rác chưa thành ý thức, thói quen hàng ngày của người dân.
Sẽ thu phí xử lý rác thải theo khối lượng
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong Dự thảo về quy định thu phí xử lý rác thải thì kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo 3 nguyên tắc căn bản.
Trước hết, sẽ dựa trên lượng chất thải đã được phân loại. Thứ hai, dựa theo chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Cuối cùng, chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân được quản lý như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.
Bà Lê Hoàng Lan, Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Thu phí thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sẽ dựa trên theo khối lượng từng loại rác đã phân loại thay vì tính bình quân đầu người như hiện nay. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định sẽ xử phạt vi phạm hành chính và trả kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác cao hơn”.
Có nhiều ý kiến chỉ ra rằng, hiện phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình hoặc theo đầu người trong hộ. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.
Vì vậy, để quy định thu phí rác thải theo khối lượng có thể thực hiện được thì trước tiên cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Cách làm này sẽ giúp người dân hiểu và tự giác thay đổi nhận thức đến hành vi. Từ đó, họ thực hiện giảm thiểu xả rác và chú trọng phân loại rác để tiết kiệm chi phí.
Dẫu biết, việc thu phí rác thải này sẽ góp phần hạn chế sử dụng và thải rác bừa bãi. Việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ đem lại những hiệu quả tích cực gì cho môi trường và có dễ thực thi hay không.
Theo bà Lan, việc thu phí rác thải theo khối lượng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc hạn chế xả rác ra môi trường. Nó cũng bảo đảm công bằng giữa các hộ dân, giảm bớt chi ngân sách. Tuy nhiên, để đề án này khả thi, cần phải có lộ trình, có mô hình điểm. Nhà nước vẫn cần hỗ trợ một phần chi phí thu gom, xử lý rác.
Ngoài ra, phương pháp tính theo cân nặng hay theo thể tích phải được cân nhắc thực hiện như thế nào cho phù hợp và khả thi.
Mặt khác, nên kết hợp với tăng cường giám sát cộng đồng với vai trò trung tâm là hội phụ nữ. Nếu không, tình trạng đổ rác bừa bãi vốn đã là vấn nạn, sẽ càng khó khắc phục hơn. Bởi đó chính là một trong những cách để người ta tránh phải trả tiền.
Quan trọng nhất là quá trình thực hiện thu phí phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, bịt được các lỗ hổng, tránh tình trạng tuân thủ chưa nghiêm các quy định của pháp luật hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan khẳng định, nếu khởi động từ bây giờ, Việt Nam có thể thu phí rác thải theo khối lượng trong 5 năm tới. |