Sau gần một tuần triển khai, nhận thức của người dân TPHCM nói riêng, nhân dân cả nước nói chung về vấn đề này như thế nào?
Tác hại khôn lường
Theo PGS.TS Lê Thị Trinh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường: “Rác thải nói chung, rác thải sinh hoạt nói riêng đang là mối đe dọa lớn đến đời sống con người, nhất là rác điện tử. Chính vì thế, việc phân loại, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường là cần thiết, được các quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam. TPHCM là địa phương tiên phong của cả nước khi đưa ra quy định bắt buộc người dân phải phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình”.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 24,5 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt; 8,1 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và khoảng 800.000 tấn chất thải nguy hại. Việt Nam được xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày người dân TPHCM thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt nhưng 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp; 14,7% tái chế nhựa; còn lại là đốt không phát điện.
Tại TPHCM:
- Đến năm 2020, mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống còn 50%, năm 2050 còn 20%.
- Hiện, mỗi năm dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải và duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước (88 tỷ đồng phân loại rác tại nguồn; 1.800 tỷ đồng xử lý rác thải).
Ông Nguyễn Huy Am, công tác tại Bệnh viện 198 đã nghỉ hưu cho biết: “Môi trường sống ô nhiễm, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ rác thải khiến con người mắc nhiều bệnh tật. Bộ Y tế đã chỉ ra rằng, nhiều loại bệnh có chiều hướng gia tăng như: Ung thư, hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, mắt, bệnh ngoài da, dị tật bẩm sinh và một số hiện tượng ngộ độc CO, SO2, chì… đều do ô nhiễm môi trường sống”.
Sau mỗi buổi chợ, người dân chưa có ý thức thu gom mà vất rác ở khắp nơi. Tại bãi rác thải tập trung hay tự phát của thành phố lớn, nơi tập kết rác của tòa chung cư đông dân luôn bốc mùi xú uế. Đặc biệt, tại vùng ngoại ô hay nông thôn, việc thu gom rác thải chưa được quan tâm, người dân vứt rác bừa bãi, thậm chí đổ xuống cả sông, ngòi. Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở nước ta chưa được thực hiện tốt nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống.
Coi trọng công tác tuyên truyền
Để bảo vệ môi trường, những năm qua một số địa phương đã kêu gọi người dân bảo vệ môi trường sống, giữ gìn cảnh quan đô thị như ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, chiến dịch thu gom rác biển, trồng thêm cây xanh, bảo vệ rừng đầu nguồn. Việc kêu gọi phân loại rác thải sinh hoạt của TPHCM không ngoài mục đích người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam) đã đặt các thùng rác ngay trong lớp học để thu gom rác điện tử.
Có thể thấy, việc thu gom, phân loại rác thải hiệu quả hay không đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. Chính vì thế, trong quyết định 44/2018 mà UBND TPHCM vừa ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo 3 nhóm rất rõ ràng như: Hữu cơ dễ phân hủy(thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không chấp hành đúng quy định sẽ được nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần, chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Cúc, Trưởng Công an phường 15, quận Bình Tân, TPHCM cho biết: “Hiện công tác phân loại rác thải chưa đạt hiệu quả bởi nhiều người dân vẫn thờ ơ với quy định của thành phố. Trước đây, dân chỉ biết đóng phí môi trường, thu góm rác là công việc của công nhân Công ty Vệ sinh môi trường. Nay quy định mới yêu cầu dân phân loại rác thải tại nhà, người dân phải thay đổi thói quen theo pháp luật, do đó cần phải có sự chỉ đạo thống nhất từ UBND thành phố xuống đến quận, huyện và phường, xã. Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở người dân, nên tổ chức họp dân phố, có thông báo cụ thể, để dân biết đây là một quy tắc pháp luật, người dân phải có ý thức chấp hành”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, người dân rất ủng hộ việc phân loại rác thải tại nhà nhưng cũng có những thắc mắc, kiến nghị như: Việc phân loại rác thải đối với gia đình ở trọ, diện tích chật chội, dân sống trong hẻm nhỏ… hơi bất tiện vì sẽ phải có tới 3 thùng hoặc túi đựng rác để ở trong nhà. Thêm vào đó, đối với các hộ dân nghèo, nếu vi phạm quyết định 44, bị phạt từ 15 – 20 triệu đồng là quá cao.