Thảo luận những chính sách mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi)

 Thảo luận những chính sách mới trong Luật Giáo dục (sửa đổi)

Mở đầu phần thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nhìn nhận: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có nhiều vấn đề lớn mang tính bao trùm. Đây là luật gốc, có liên quan đến các luật chuyên ngành như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Dự thảo luật quy định các vấn đề chung, tuy nhiên cần xem xét về thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sau khi được Quốc hội thông qua, để không phải chờ đợi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực mới triển khai áp dụng vào thực tế.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh 

Về phân hệ giáo dục, đại biểu góp ý nên theo hệ thống: mầm non; giáo dục tiểu học; giáo dục trung học; giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học. Có như vậy mới thể chế hóa được Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng. Qua đó, tạo ra hình hài của một nền giáo dục mở và tạo được tính liên thông cho mỗi cấp học.

Đại biểu Dương Minh Tuấn
Đại biểu Dương Minh Tuấn 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) ghi nhận thời gian không dài những Ban soạn thảo đã rất cố gắng, điều chỉnh kịp thời để hoàn thiện dự thảo. Đưa ra nhận định này, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị 1 nội dung, đó là: Việc thực nghiệm thí điểm phải qua Quốc hội, Thường vụ Quốc hội – phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến, phê duyệt trước khi thí điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Dự thảo luật kế thừa cấu trúc của luật hiện hành, khắc phục được bất cập, đáp ứng được yêu cầu phát triển của giáo dục trong thời đại mới.

Đại biểu góp ý, một số nội dung, từ ngữ trong dự thảo luật chưa tương thích và còn mang tính chung chung khó tổ chức thực hiện.

Về một số quy định cụ thể như nâng chuẩn giáo viên mầm non, đại biểu tán thành với đề xuất của dự thảo bởi giáo dục mầm non rất quan trọng, giáo viên là nhân tố quyết định đến chất lượng bậc học này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền 

Cũng theo đại biểu Hiền, đầu tư cho giáo dục vẫn còn nhiều bất cập. Xã hội hóa giáo dục đã huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho giáo dục tuy nhiên vẫn còn những bất cập như: tình trạng lạm thu xảy ra ở một số địa phương, vẫn còn tình trạng cào bằng xã hội hóa… Đại biểu đề nghị dự thảo cần có quy định, chế tài kiểm tra về nguồn lực xã hội hóa giáo dục và không nên cào bằng giữa các vùng miền.

Đề cập đến vấn đề triết lý giáo dục và vai trò quan trọng của triết lý giáo dục, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện, cũng cần thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn yêu cầu cho cuộc cách mạng lần này. Đại biểu chờ đợi một triết lý giáo dục đúng tầm, với cam kết chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân
Đại biểu Phạm Trọng Nhân 

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đặt vấn đề về việc làm thế nào để ra được trụ cột và triết lý giáo dục, đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu và dựa vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để thiết kế.

Đại biểu Cao Đình Thưởng
Đại biểu Cao Đình Thưởng 

Về đào tạo giáo viên, đại biểu nêu ý kiến, cần đầu tư cho máy cái đó là các trường sư phạm. Mặt khác, cần có chế độ ưu đãi cao đối với nhà giáo và lựa chọn học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Giáo dục một người thầy sẽ được một thế hệ.

Theo đại biểu, hiện nay phương pháp dạy học trong các nhà trường vẫn còn một số hạn chế, mang nặng tính hàn lâm. Do đó cần chú trọng phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh. Về Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu đề nghị cần kiểm định chặt chẽ, nội dung tinh gọn, hiện đại, hội nhập, không hàn lâm hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề cập đến những quy định về người khuyết tật tại Điều 9, 12, 62, 77, 83 và đề nghị bổ sung một khoản về ngôn ngữ cho người khuyết tật. Khoản 1 Điều 14 bổ sung quy định các điều kiện đảm bảo cho giáo dục hoà nhập; khoản 2 bổ sung thêm đối tượng là người khuyết tật.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc
 Đại biểu Nguyễn Thị Phúc

Đại biểu cũng đề nghị Nhà nước thành lập trung tâm dành cho người khuyết tật; với tỉnh và khu vực trung tâm nhiều người khuyết tật cần thành lập trường cho người khuyết tật.

Về chương trình, SGK, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể vào dự thảo Luật dung lượng nội dung địa phương biên soạn; đồng tình quy định mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa, nhưng đề nghị nghiên cứu cụ thể quy định về tiêu chí lựa chọn SGK, quy trình thẩm định…

Đại biểu Trần Thị Hiền
Đại biểu Trần Thị Hiền 

Về học phí, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị luật hóa thêm 1 số nguyên tắc xác định học phí như: phù hợp với từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp của người dân. Về kiểm định chất lượng giáo dục, đại biểu đề nghị gom lại chỉ quy định một điều về kiểm định chất lượng và không quy định tổ chức của hệ thống này trong Luật. Đại biểu Trần Thị Hiền đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát, lồng ghép, bổ sung các quy định để thúc đẩy thực chất về giáo dục hòa nhập, giáo dục cho người khuyết tật.

Đại biểu Hứa Thị Hà (đoàn Tuyên Quang) cho rằng ý tưởng chọn sách giáo khoa có tham khảo ý kiến của học sinh, phụ huynh là tốt, tuy nhiên cần nghiên cứu lại vì không phải phụ huynh nào, học sinh nào cũng có đủ thông tin, năng lực để đánh giá chương trình, sách giáo khoa.
Đại biểu Hứa Thị Hà
Đại biểu Hứa Thị Hà 
Băn khoăn về chuẩn giáo viên THCS “có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở”, đại biểu góp ý: Cần nghiên cứu và xem xét lại, trong đó có nội dung những người có bằng đại học không học ngành sư phạm nhưng có chứng chỉ sư phạm thì có thể làm giáo viên.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị: Điều 6 về nội dung giáo dục: Đề nghị bổ sung yêu cầu về nội dung giáo dục là được cập nhật kiến thức thường xuyên và kĩ năng sống. Điều 30, khoản 3: Quy định phải có ít nhất 1/2 thành viên trong hội đồng thẩm định sách giáo khoa là nhà giáo.

Đại biểu Phan Thái Bình
Đại biểu Phan Thái Bình 

Đại biểu cũng đề nghị quy định tuyển dụng, quản lý giáo viên các trường công lập thuộc thẩm quyền ngành Giáo dục; chỉ tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy vào giảng dạy; đồng ý Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho giáo dục, đảm bảo ngân sách nhà nước chi giáo dục tối thiểu 20%...

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đồng tình với nhiều nội dung trong dự án luật. Góp ý về hệ thống giáo dục quốc dân được quy định tại Điều 5, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về tính liên thông. Theo đại biểu, đào tạo cần gắn với nhu cầu, do đó đề nghị bổ sung nguyên tắc cân đối nguồn nhân lực trong dự thảo luật.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan 

Về phổ cập giáo dục, đại biểu cơ bản tán thành với quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên cần tạo điều kiện để tiếp tục mở rộng chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Về học bổng, chính sách khuyến khích học sinh, sinh viên giỏi, theo đại biểu cần cân nhắc thêm để có sự phù hợp với học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đối với chính sách cử tuyển (Điều 84), theo đại biểu, hiện nay phương thức tuyển, đối tượng tuyển chưa phù hợp. Do đó cần cân nhắc thu hẹp đối tượng cử tuyển.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) tán thành đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, đồng thời góp ý: Quy định mục tiêu giáo dục, quy định về chương trình giáo dục còn chung chung; cần thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng mục tiêu giáo dục theo hướng gắn với kiến thức cụ thể, đáp ứng yêu cầu xã hội; đổi mới tư duy và cách tiếp cận về chương trình giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo 

Về SGK, đại biểu đề nghị SGK các môn học từ THCS trở xuống kiến thức phải cơ bản, mang tính nền tảng, hệ thống, có tính ổn định tối thiểu 3-5 năm;

Ở THPT, phương pháp xây dựng truyền tải kiến thức về kinh tế xã hội cần được cập nhật liên tục cùng sự phát triển của các ngành, lĩnh vực - nên kiến thức trong SGK chỉ cần đáp ứng yêu cầu tối thiểu của môn học; kiến thức còn lại do giáo viên chủ động bổ sung…

Bộ GD&ĐT cần có trách nhiệm, vai trò chủ đạo trong biên soạn bộ SGK chuẩn trong hệ thống giáo dục quốc dân…

Đại biểu Ka H’Hoa (Đăk Nông) nêu ý kiến: Riêng đối với quy định về trình độ giáo viên mầm non: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non - thì cần tính toán đến lộ trình thực hiện và yếu tố tác động từ thực tiễn. Song song với nâng chuẩn trình độ giáo viên, cần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng đãi ngộ đối với giáo viên.

Đại biểu Ka H’Hoa
 Đại biểu Ka H’Hoa

Về chính sách cử tuyển, đại biểu cho rằng, đây là chính sách nhân văn, tạo nguồn nhân lực cho các vùng dân tộc. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua đã có những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các tiêu chí về xây dựng chỉ tiêu cử tuyển, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển, gắn với công tác quy hoạch cán bộ và nhu cầu sử dụng của địa phương; bảo đảm để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với chính sách tín dụng sư phạm đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm trước áp dụng vào thực tiễn.

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nhấn mạnh đến nội dung phân luồng trong dự thảo Luật và đề nghị bổ sung một điều về phân luồng, quy rõ trách nhiệm và giải pháp; đề nghị điều 27 có thể mở ra: người học học xong THCS không chỉ có thể học lên trung cấp mà có thể học lên cả cao đẳng.

Đại biểu Lê Quân
Đại biểu Lê Quân 
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đồng tình với dự thảo quy định về giáo dục mầm non rằng, Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến 
Theo đại biểu, trẻ em mầm non, đặc biệt là trẻ từ dưới 36 tháng tuổi cần được bảo vệ. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ “bảo vệ” để giáo viên, nhà trường, những người có trách nhiệm không chỉ chăm sóc tốt trẻ em mà còn phải bảo vệ các em được an toàn.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách phát triển giáo dục mầm non. Về chính sách nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, đây là mong muốn của xã hội để nâng cao chất lượng bậc học này. Tuy nhiên cần tính đến yếu tố thực tế, nhất là các vùng miền khó khăn sẽ khó đảm bảo, do đó cần có lộ trình hoặc có thể bồi dưỡng giáo viên theo từng chuyên đề. 

Đại biểu Lê Tuấn Tứ (Khánh Hòa) khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và trao đổi về đào tạo nhà giáo và chuẩn nhà giáo quy định trong dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị: Bỏ hình thức bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài sư phạm trở thành nhà giáo. Quy hoạch, thành lập các trường sư phạm vùng, tập trung nguồn lực sâu đào tạo giáo viên tiểu học, THCS, THPT cho các tỉnh trong vùng. Giao đào tạo giáo viên mầm non cho các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương…

Đại biểu Lê Tuấn Tứ
Đại biểu Lê Tuấn Tứ 

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng dự thảo đã quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà nước, người giám hộ đối với trẻ mầm non, song cần quy định cụ thể hơn về nội dung này.

Đại biểu Phan Viết Lượng
Đại biểu Phan Viết Lượng 

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, theo đại biểu đây là chính sách cần thiết, tạo bình đẳng và mang lại co hội học tập cho mọi người.

Ngoài ra, cần quan tâm nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo hỗ trợ giáo dục mầm non. Tuy nhiên cần tăng cường quản lý nhà nước về các khoản thu ngoài học phí, nhằm chấn chỉnh các khoản thu không hợp lý.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) có 2 ý kiến về giáo dục mầm non: Về mục tiêu giáo dục mầm non, điều 22, đề nghị bổ sung cụm từ về phát triển kĩ năng xã hội; Về chính sách học phí với trẻ mầm non (điều 97), đề nghị tiếp tục nhiên cứu chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi.

Về giáo dục phổ thông, đại biểu có 2 đề nghị: Quy định mở hơn về độ tuổi đi học của học sinh, có quy định học sớm với học sinh xuất sắc…

Đại biểu Triệu Thanh Dung
Đại biểu Triệu Thanh Dung 

Góp ý về Chương trình, SGK giáo dục phổ thông, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An) đề nghị nên quy định thống nhất cả nước.

Khoản 2, Điều 60 dự thảo luật quy định, Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học được ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách - theo đại biểu, cần luật hóa quy định định mức cụ thể ở điều khoản này.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh 

Về giáo dục mầm non, Điều 25 dự thảo Luật quy định: Nhà trẻ, lớp trẻ độc lập nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi. Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ từ ba tuổi đến sáu tuổi. Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi - Thực tế, các trường tư thục, ngoài công lập có thể áp dụng, nhưng các trường công lập vẫn chưa thực hiện được. Theo đại biểu, mấu chốt của vấn đề là cần đánh giá tác động chính sách và thực hiện các giải pháp để quy định này được thực thi.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) đề nghị: Hướng nghiệp và phân luồng học sinh cần được thể hiện xuyên suốt trong nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục trong Luật lần này; đồng thời, cần khẳng định vai trò quản lý của nhà nước với giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh  

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung vào Điều 32 dự thảo luật với nội dung là, học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, sau khi hoàn thành các nội dung chương trình học tương đương với THPT thì được công nhận, cấp bằng tương đương với THPT để đảm bảo công bằng cho người học và tạo cơ hội cho người học tiếp tục học lên cao đẳng, đại học.

Đại biểu Dương Minh Ánh
Đại biểu Dương Minh Ánh 

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, theo đại biểu Ánh, với đặc thù các trường đào tạo ngành nghệ thuật, những nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú có kinh nghiệm thực tế nên chỉ cần thêm một số chứng chỉ là có thể tham gia đào tạo. Vì thế đối với những ngành nghề có tính đặc thù nên giao cho Chính phủ quy định về chuẩn trình độ tương đương. Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại các quy định về giáo viên, giảng viên có liên quan đến các trường nghệ thuật, năng khiếu, trường có yếu tố đặc thù… để phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) bày tỏ thống nhất với những nội dung về mục tiêu giáo dục trong dự thảo Luật nhưng đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến phát triển tư duy độc lập cho người học. Quan tâm đến ý thức cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức thế giới cho học sinh. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung về thư viện trong trường phổ thông; bổ sung quy định người học trong đánh giá các hoạt động giáo dục và đánh giá người dạy…

Đại biểu Hồ Thanh Bình
Đại biểu Hồ Thanh Bình

Đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng) cơ bản nhất trí với dự thảo luật được trình trước Quốc hội tại kỳ họp này. Góp ý về quy định giáo dục hòa nhập, đại biểu đề nghị, phương thức giáo dục hòa nhập nhằm đảm bảo bình đẳng, tạo cơ hội học tập cho mọi cho trẻ em. Phương thức giáo dục không chỉ phù hợp với từng đối tượng trẻ em cụ thể mà còn đáp ứng với các vùng miền.

Đại biểu Đỗ Văn Bình
 Đại biểu Đỗ Văn Bình

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng sư phạm là phù hợp, nhưng băn khoăn về tính khả thi. Đại biểu cũng băn khoăn với quy định thay học phí sư phạm bằng tín dụng sư phạm và cho rằng, để giải quyết căn cơ việc thu hút người giỏi vào sư phạm là quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, xác định quy mô đào tạo, chất lượng đầu vào, mức lương đủ sống cho nhà giáo.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương 

Về cử tuyển, đại biểu Phương đồng tình cao việc thu hẹp đối tượng cử tuyển nhưng đề nghị giữ quy định cử tuyển sau khi ra trường được ưu tiên công tác.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) đồng tình các quy định về dự thảo luật. Góp ý vào Điều 15 của dự thảo luật, đại biểu đề xuất, nên bổ sung cụm từ xã hội hóa giáo dục.

Theo đại biểu, việc chia giai đoạn học như trong dự thảo luật là cần thiết, nhằm làm rõ mục tiêu, căn cứ cơ sở để thực hiện giáo dục. Riêng về bồi dưỡng giáo viên, đại biểu đề xuất cần phải mở rộng bồi dưỡng nhà giáo không chỉ về chuyên môn mà còn bồi dưỡng cả đạo đức, kỹ năng sư phạm.

Đại biểu Leo Thị Lịch
 Đại biểu Leo Thị Lịch

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng, chính sách nâng chuẩn cho giáo viên cấp mầm non và cấp tiểu học là khả thi, Chính phủ cần có lộ trình từng bước thực hiện chính sách này. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo luật hóa những quy định liên quan đến chế độ đãi ngộ, ưu đãi đối với nhà giáo tại điều 76 trong luật để kịp thời động viên tạo động lực, tạo không khí phấn khởi cho toàn bộ giáo viên trong ngành giáo dục; để thêm một lần khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc 

Sẽ tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến thảo luận thêm

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 28 vị đại biểu phát biểu tại hội trường, trong đó có 1 đại biểu tranh luận.

Với mong muốn nghe và tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay: Tới đây Quốc hội sẽ trao đổi với thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến thảo luận thêm của các vị đại biểu, lắng nghe thêm nhiều ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý, những người có kinh nghiệm trong quản lý giáo dục để hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, sau kỳ họp này, Chính phủ sẽ chủ động lấy ý kiến nhân dân và việc này thực hiện trong tháng 1/2019. Sau đó có báo cáo tổng hợp để báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Do đó đề nghị Ban soạn thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra để thực hiện các nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sẽ tổ chức các hội nghị, trong đó có các hội nghị đại biểu chuyên trách để góp ý thêm và hoàn thiện về dự thảo luật này trước khi trình kỳ họp thứ 7 để thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trân trọng gửi lời cảm ơn đến các vị đại biểu biểu. Với tâm huyết, trách nhiệm rất cao với đất nước, với sự nghiệp giáo dục của nước nhà, các đại biểu đã có ý kiến đóng góp rất xác đáng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã thay mặt Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra lên tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ bổ sung để hoàn thiện dự thảo Luật này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ