Quy định chính sách đồng bộ, điều chỉnh quan hệ nhà trường, nhà giáo và người học

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Phát biểu góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) khi họp tại tổ mới đây, đại biểu Phùng Thị Thường nhận định: Về cơ bản, dự thảo Luật đã quy định khá toàn diện và sửa đổi bổ sung nhiều quy định về nhà trường, nhà giáo và người học, nhất là quy định phát triển toàn diện các hệ thống trường công lập, dân lập, tư thục; quy định phát huy dân chủ và tự chủ của các trường học; về hội đồng trường và hội đồng quản trị của nhà trường; về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng và chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; về chính sách đối với nhà giáo, học sinh và sinh viên…

Tuy nhiên, nhằm vận dụng đúng quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đại biểu đề nghị quy định các chính sách toàn diện, đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa nhà trường, nhà giáo và người học trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường - Vĩnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
 Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường - Vĩnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Như có chính sách đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; đổi mới cơ chế chính sách tài chính, tín dụng giáo dục nhằm thu hút sự tham gia đóng góp của toàn xã hội đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo…

Liên quan đến người học, đại biểu Phùng Thị Thường thống nhất với chính sách không thu học phí đối với trẻ mầm non và tiểu học; tuy nhiên miễn học phí với học sinh THCS công lập cần phải có lộ trình; cần giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách này cho cụ thể.

Về quyền hạn và nghĩa vụ của nhà trường, đại biểu Thường nhận định, việc công bố công khai mục tiêu chương trình giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng chứng chỉ của nhà trường là quan trọng để tạo sự minh bạch, nhất quán và cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình cơ sở giáo dục, giảm thiểu nạn bằng giả.

“Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc công bố công khai thông tin có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trên cổng thông tin điện tử hay website để người học, phụ huynh, giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về giáo dục. Do đó, tôi đề nghị cần xây dựng cổng thông tin dữ liệu quốc gia về giáo dục” – đại biểu Phùng Thị Thường đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu này cũng đề nghị cần nghiên cứu có quy định về nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp trong Luật để đồng bộ với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.