Đồng thời, có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa.
Dân số già vào năm 2036
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), việc dân số Việt Nam đạt 100 triệu người sẽ đưa nước ta trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Cũng theo UNFPA, thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cũng không nên tụt lại phía sau.
Dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước.
Do đó, chúng ta cần phải nhận ra rằng, 100 triệu người trong năm nay không chỉ là con số. Đó là tầm nhìn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tuy nhiên, thách thức là khi cả tỷ lệ tử vong và mức sinh đều giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình quá độ dân số. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036. Khi đó, dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân.
Ngoài ra, tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến. Mức sinh giảm và hạn chế số con, cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến.
Ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49. Con số này sẽ lên 2,5 triệu người vào năm 2059.
Duy trì mức sinh ổn định
UNFPA nêu rõ, cần nhấn mạnh con người là giải pháp, không phải vấn đề. Vấn đề không nằm ở số lượng người nhiều hơn hay ít hơn, mà là đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng hơn.
Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh, thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm. Từ đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước...
Theo Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu này được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của nước ta đối với bạn bè và đối tác quốc tế. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm có xu hướng chậm lại giai đoạn 1999 - 2009 là 1,18%/năm, giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm. Từ năm 2019 đến nay, mức tăng bình quân tương đương gần 1 triệu người/năm.
Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động gần 68 triệu người. Đó là nguồn lực hùng hậu, “cú hích” lớn. Việc phát huy hết khả năng của nguồn lực này sẽ đủ sức đẩy mạnh nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Kết quả số liệu về số con đã sinh ra sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ 15 - 49 tuổi (TFR) giai đoạn 2001 - 2019 của Việt Nam có xu hướng giảm đều qua các năm, từ 2,25 con/phụ nữ năm 2001 xuống 1,99 con/phụ nữ năm 2011; giai đoạn 2012 - 2019, đạt bằng hoặc dưới mức sinh thay thế (dao động từ 2,04 đến 2,10 con/phụ nữ).
Kết quả điều tra biến động dân số những năm gần đây cho thấy TFR vẫn trong khoảng 2,11 con. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến.
Ở Việt Nam, những năm 1990, nhóm tuổi có tỷ suất sinh cao nhất là 20 - 24. Hiện nay, phụ nữ nhóm 25 - 29 tuổi có mức sinh cao nhất. Bình quân cứ 1.000 phụ nữ trong nhóm tuổi này thì có 130 trẻ sinh sống. Tiếp đến là nhóm phụ nữ từ 20 - 24 tuổi, với 120 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ. Nhóm phụ nữ từ 30 - 34 tuổi là 84 trẻ sinh sống/1.000 phụ nữ.
Tuy nhiên, có sự chênh lệch về mức sinh giữa các vùng miền trong cả nước. Cụ thể, Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là những vùng có mức sinh cao (cao hơn mức sinh thay thế). Đa số các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có TFR thấp hơn mức sinh thay thế.
Vấn đề thách thức là phục hồi mức sinh ở các vùng có mức sinh thấp. Tình hình đã rất nghiêm trọng ở một số địa phương như: TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương, Bạc Liêu, Cần Thơ, Bến Tre. Những khu vực này có TFR dưới 1,7 con/phụ nữ.
Theo Tổng cục Dân số, hiện nay, mục tiêu giảm sinh đã cơ bản hoàn thành. Song, vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro làm giảm hoặc hủy hoại quá trình tăng trưởng dân số bền vững.
Tình trạng sinh con tuổi vị thành niên, hôn nhân cận huyết ở các dân tộc vùng cao, việc mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, vô sinh… và đặc biệt là việc sinh ít con, kết hôn muộn ở một số vùng trọng điểm kinh tế vẫn xuất hiện.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cần nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi vừa là yêu cầu. Ông Tiến cho rằng, để tận dụng thời kỳ dân số vàng thành công cần nhiều yếu tố.
Điều đó đòi hỏi những chính sách phù hợp, như nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
Tăng cường cơ hội việc làm, đặc biệt hướng tới những việc làm mang lại giá trị tăng thêm cao, tăng năng suất lao động. Đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, thanh niên.