Từ năm 2011, Việt nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Thời gian để chúng ta thích ứng với vấn đề này rất ngắn chỉ 20 năm, trong khi ở các nước khác thời gian để quá độ từ “già hóa” sang già là từ 21-115 năm.
Cơ cấu dân số già sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước cả về kinh tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe,… Theo tổng điều tra dân số (1/4/2009), tốc độ già hóa dân số liên tục tăng: Năm 2011 (7%) đến năm 2019 (7,6%).
Theo ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hiện, dân số Việt Nam gần 98 triệu dân, nước ta đang đứng thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số. Công tác dân số ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: mức sinh chênh lệch giữa các địa phương; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng; tốc độ già hóa dân số nhanh; thực trạng mang thai, phá thai ở tuổi vị thành niên cao,..
Ths Đỗ Thị Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cũng nhấn manh: Hiện tốc độ gia tăng dân số tại Việt Nam đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra; Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Song song với đó tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm; tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh chóng, các giải pháp thích ứng chưa được triển khai; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội hiện đại.