Lớp học sư phạm Tầm Vu

GD&TĐ - Theo lời kể của NGND.TS Đặng Huỳnh Mai – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ngay sau Tổng tấn công Mậu Thân 1968, 2 khoá đào tạo giáo viên cấp 2, 3 đầu tiên ở Vĩnh Long được đặt tại vùng căn cứ kháng chiến Tầm Vu (nay thuộc Huyện Bình Tân).

Một lớp học nhóm trong kháng chiến. Ảnh: Tư liệu
Một lớp học nhóm trong kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Thầy giáo kháng chiến

NGND.TS Đặng Huỳnh Mai kể tiếp, có thể xem như đây là một phân hiệu của Sư Phạm T3 chuẩn bị cho công tác tiếp quản sau Tổng tấn công Mậu Thân bởi vì người dạy là các Nhà giáo đã vượt Trưởng Sơn (nhà giáo đi B) về công tác ở Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ (T3), sau đó về Vĩnh Long để mở lớp Sư phạm này.

Khung Sư phạm ở đây rất đơn giản. Thầy giáo của trường lúc bấy giờ gồm có:

* Thầy Ba Khôi nhà giáo đi B dạy chính trị và phương pháp giảng dạy bộ môn xã hội. Ai mà học chú Ba Khôi thì không phải học bài và đặc biệt là không sợ môn “Chính trị” bởi vì thầy dạy rất hay. Có điều là lúc đó, nhóm học viên chúng tôi hoàn toàn yếu kém về việc trình bày ý kiến, nên ai cũng sợ phần thảo luận.

Chú vừa khuyến khích vừa yêu cầu và bắt buộc mỗi người ít nhiều phải phát biểu 1 câu, rồi 2, 3 câu. Có lẽ nhờ vậy phần lớn giáo viên kháng chiến phát biểu khá tốt.

Thầy Ba Khôi còn có một biệt tài là bắn súng K54. Khi thiếu thức ăn, thầy có thể dùng K54 để bắn chim mang về tăng cường chất đạm cho anh em cơ quan sau những tuần lễ chỉ có “canh toàn quốc” (chỉ có nước sôi nêm bột ngọt) hoặc rau luộc.

* Thầy Tư Kỳ là người Quảng Ngãi, sau khi tập kết ra Bắc học xong Đại học được phân công về tận đất mũi Cà Mau, rồi về Vĩnh Long làm Hiệu trưởng trường Sư phạm. Thầy là người cực kỳ nghiêm khắc trong dạy học cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Thầy dạy Phương pháp tư tưởng, hướng dẫn cách phân loại và tuyển chọn để tiếp nhận giáo viên từ chế độ Sài Gòn dạy các môn tự nhiên. Thầy luôn cho rằng, càng nghiêm khắc trong quản lý thì sau ra trường học viên chỉ có tốt hơn thôi.

Chẳng hạn, khi học viên dùng thau nhôm đựng muối thì thầy bảo: Kiến thức khoa học thường thức để đâu mà để cho muối với nhôm, kết quả là gì? Hái quả mãng cầu non và chuối xanh nấu để cải thiện bừa ăn thì chú bảo: Phá hoại sản xuất! Các Cô chú là những người phá hoại sản xuất, phải để cho quả chín, già thì mới không hại cây.

Nói là vậy nhưng khi chúng tôi mang quả chín cây về cơ quan thì thầy bảo: làm hỏng công tác dân vận, các cô chú đã xin phép bà con chưa mà dám hái? Cây trái này các cô chú tự trồng đâu mà không hỏi chủ nhà chứ!

Đi ngủ sớm thì chú bảo thanh niên thì phải có một vài hoạt động như: ca hát, kể chuyện, đọc sách một lúc rồi hãy ngủ. Thức khuya quá thì chú bảo vi phạm nguyên tắc bảo mật cơ quan và bảo vệ sức khỏe của mình và đồng đội...

Lúc đó, ai cũng còn trẻ nên thường sợ và né tránh, kêu là thầy khó, lạ lùng quá. Nhưng có lẽ chính nhờ sự nghiêm khắc, mỗi lời nhắc nhở luôn được chúng tôi ghi nhớ nên nhân dân trong vùng ai cũng khen học sinh rất tốt và hầu như người nào trưởng thành cũng luôn nhớ tới thầy.

Lúc nào cũng phải nghĩ cách sống sao cho đúng mực một người thầy. Tuy Thầy đã hi sinh nhưng ai đã từng học với Thầy cũng không bao giờ quên được những điều thầy đã dạy bảo.

Lớp học thời chiến. Ảnh: Tư liệu
Lớp học thời chiến. Ảnh: Tư liệu 

Cống hiến hết mình cho cách mạng

Cơ sở vật chất của phân hiệu sư phạm ở đây chỉ là những chòi lá núp dưới các lùm cây, gồm có chòi bếp, chòi để ở và học. Học viên ngủ trên đất trải cao su và cũng ngồi trên đất mà học.

Việc thực tập được tổ chức ngay tại lớp, khi một người dạy thì những người còn lại là học sinh. Việc thực tập như thế này, dễ làm người dạy “mất tinh thần” bởi vì học trò cũng có cùng một hiểu biết như người dạy và học trò có thể “truy” người dạy, làm cho người dạy “bí” ngay tại lớp.

Tuy nhiên với điều kiện thực tập như vậy, thì người dạy phải luôn có một sự chuẩn bị chu đáo hơn. Và một khi "khống chế" được người học thì thầy sẽ có kinh nghiệm và có đủ bản lĩnh để dạy tốt những học sinh cá biệt sau này.

Những ngày không có bom đạn thì lớp học 3 buổi, còn những hôm khác thì tranh thủ lúc im tiếng súng là học ngay và phải học thật nhiều bài hát Cách mạng. Bởi vì vào thời đó giáo viên biết nhiều bài hát cũng sẽ tự động viên mình và cũng dễ thuyết phục học sinh khi lên lớp.

Mặc dù Sư phạm thời chiến, việc dạy và học cấp tốc trong điều kiện như vậy, chúng tôi vẫn học được những điều cơ bản, thiết thực cho một nhà giáo giảng dạy theo 2 nhóm bộ môn: Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Học viên chúng tôi chỉ là những học sinh vừa rời ghế nhà trường phổ thông trung học của chế độ Sài Gòn vào vùng giải phóng để học sư phạm nhưng cảm thấy rất tự tin khi chuẩn bị bài lên lớp.

Có lần, một đồng chí Chi uỷ xã bí mật dự giờ dạy của chúng tôi và đã nhận xét: “Các thầy cô giáo ở ngoài thành vào đây dạy học cũng hay và đúng quan điểm cách mạng quá chứ”.

Những người dân sống trong vùng giải phóng thì cho rằng, giáo viên được đào tạo trong kháng chiến “Dạy hay thật!”. Không biết có phải vì lúc bấy giờ nhân dân mình ai cũng thấy thương những thanh niên rất trẻ dám từ bỏ ánh đèn đô thị về vùng giải phóng làm giáo viên hay vì khí thế của cách mạng và lý tưởng của thanh niên đã thôi thúc mọi người cống hiến hết mình cho cách mạng.

Mọi người đã đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ đầu tư lên từng trang giáo án; vì vậy sau khi tốt nghiệp Sư phạm, hành trang vào đời của mỗi thầy cô giáo đã được các nhà giáo đi B trang bị khá đầy đủ theo yêu cầu đủ để làm thầy vào lúc đó.

Tóm lại, có thể nói rằng, mỗi vấn đề trên là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của giáo dục cách mạng. Điều cốt yếu vẫn là phương pháp đào tạo giáo viên, đào tạo sát với yêu cầu thực tế, nội dung và liều lượng vừa phải, để sau khi tốt nghiệp là thầy, cô giáo đủ tự tin khi đứng trên bục giảng, đặc biệt là đủ sức tiếp quản khi Tổng tấn công Mậu Thân giành thắng lợi.

Mặc dù Tổng tấn công Mậu Thân chưa giành được thắng lợi hoàn toàn, nhưng nhờ đào tạo được 2 lớp Sư phạm này mà Vĩnh Long đã bổ sung được nguồn cán bộ cho Ban Tuyên huấn tỉnh cũng như lực lượng giáo viên cho Tiểu ban giáo dục khi vùng giải phóng được mở rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.