Thời gian vũ trụ trong thơ chữ Hán của Đào Tấn

GD&TĐ - Đào Tấn (1845 - 1907) không những nổi danh với nghệ thuật tuồng, mà còn là một nhà thơ lớn cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, với 141 thi phẩm chữ Hán hiện tồn in trong công trình Đào Tấn thơ và từ (Vũ Ngọc Liễn biên khảo, NXB Sân khấu ấn hành năm 2003). Qua thời gian vũ trụ trong thơ chữ Hán, ta hiểu được một Đào Tấn vừa thấu lẽ biến dịch của thiên nhiên, trời đất lại vừa có cái nhìn tinh tế, chân thực trong sự biến dịch đó.

Nhà thơ Đào Tấn cảm nhận thời gian vũ trụ bằng chính con mắt của người nông dân qua hình ảnh lúa chín: Đông trù cốc dĩ tam phân thục. Nguồn: IT
Nhà thơ Đào Tấn cảm nhận thời gian vũ trụ bằng chính con mắt của người nông dân qua hình ảnh lúa chín: Đông trù cốc dĩ tam phân thục. Nguồn: IT

Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn nổi bật với nhiều hình thức thời gian: Thời gian vũ trụ, thời gian lịch sử, thời gian đời người, và thời gian sinh hoạt... Ở mỗi hình thức thời gian, bên cạnh những đặc trưng quen thuộc thường thấy trong văn học trung đại, tác giả đều có những cảm nhận riêng, gắn với biểu hiện con người cá nhân và cảm quan hiện thực.

Tồn tại trong thời gian nghệ thuật, Đào Tấn vẫn mang tư thế chủ động của một nho sĩ nhập thế, bền bỉ sống với hiện thực đau thương, tìm niềm vui giản dị trong đời thường, và không thôi đau đáu hy vọng vào tương lai. Ở đó, hình tượng tác giả vừa mang cốt cách của con người phương Đông vừa mang tư tưởng, tình cảm cá nhân, hiện đại.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đi sâu làm rõ đặc điểm thời gian vũ trụ trong thơ chữ Hán của tác giả, góp phần minh chứng cho tài năng nghệ thuật cũng như tư tưởng, tình cảm cao đẹp của ông.

Cảm giác vô thời gian được biểu hiện một cách chủ ý

Với thơ chữ Hán Đào Tấn, thời gian vũ trụ không nằm ngoài cách cảm thụ thời gian của con người trung đại. Thời gian lặp lại tuần tự một cách đơn điệu với những biểu hiện giống nhau, mang cảm giác vĩnh viễn nhưng bất biến: Thiên địa tuần hoàn vi tuế nguyệt (Trời đất xoay vần thành năm tháng - Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút), Xuân khứ xuân lai tự chuyển hoàn (Xuân đi rồi xuân đến cứ thế chuyển tiếp - Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch).

Cái nhìn thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến này là đặc trưng của thơ ca trung đại thế kỷ X - XVII, nhất là của các nho sĩ thời Hồng Đức. Qua đó còn nhằm gián tiếp khẳng định sự trường tồn, thịnh trị của các vương triều. Tuy nhiên điều đó dường như lại nằm ngoài ý đồ nghệ thuật của Đào Tấn.

Tượng nhà thơ Đào Tấn

Cũng có thể chỉ là một khoảng thời gian ngắn của vũ trụ trong hiện tại, như một buổi chiều, một đêm, hay thời điểm giao thừa… song nhà thơ lại chìm đắm trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà suy tư, chiêm nghiệm, hay hứng thú ngắm cảnh đến mức vô tình quên đi sự vận động của thời gian: Cả đêm vì nhớ con mà không ngủ được: Tri thị tư thân dạ bất miên (Ức Cẩm Cầu nhi), đêm giao thừa ngồi kiểm điểm lại việc làm của năm qua: Tuế trừ kiểm điểm lưu niên ký (Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch), hay năm hết mà một mình cứ mải miết ngắm bóng chiều trên thuyền: Độc lập thuyền đầu khán vãn huy (Tuế mộ chu hành).

Cảm giác vô thời gian đó còn được tác giả biểu hiện một cách chủ ý trong một số thi phẩm mang thiền tâm, thiền cảnh. Hình ảnh khối băng trong suốt ở bài Tự Phật được nhà thơ sử dụng như một biểu tượng cho cõi Niết bàn vô sinh vô diệt, vô thủy vô chung, nghĩa là một thế giới vô thời gian, thế giới vĩnh hằng, bất biến.

Đến bài Du Ngũ Hành sơn và Đề vách đá chùa Ông núi, tâm hồn thiền nhân đã hòa vào thiền cảnh làm thời gian hòa nhập vào không gian, cái khoảnh khắc hiện tại không được ý thức đến bỗng trở nên tĩnh lặng, hòa vào cái vĩnh viễn. Và nói như Trần Đình Sử, đó chính là “cảm quan trá hình của thời gian vũ trụ” (Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.198).

Đến với các mùa trong năm, Đào Tấn hứng thú nhất với mùa xuân. Ngoài những bài thơ lẻ tẻ nhắc đến mùa xuân, chỉ căn cứ vào nhan đề tác phẩm, tác giả có tới 16/141 bài viết trong thời điểm mùa xuân, đặc biệt là ở thời điểm ngày đầu xuân (Tuế đán thư hoài, Tuế đán ngẫu thành, Tân Sửu xuân đán thí bút, Nhâm Dần nguyên đán thí bút, Quý Mão nguyên nhật chu trung khai bút, Bính Ngọ đán thí bút (kiêm tứ nhi bối), Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút…).

Đây là thời điểm chuyển giao của đất trời, là mùa đầu tiên trong năm, mùa khởi tạo của một sức sống mới. Bởi vậy nhà thơ đón đợi mùa xuân với tất cả tâm thế, hứng thú đầy chủ động: Đãi đáo minh triêu khan vạn vựng/ Tình hòa thắng phủ vị xuân sơ (Thử đợi đến sáng mai xem muôn vật/ Có tươi sáng hơn lúc chửa vào xuân không – Trừ tịch). Vui mừng trước cảnh vật tươi mới lúc vào xuân, tác giả dường như vẫn còn hy vọng vào sự đổi thay theo chiều hướng tích cực của bản thân cũng như của giang sơn xã tắc. Đó phải chăng là biểu hiện mong manh của tư tưởng nhập thế còn sót lại ở những nho sĩ trí thức cuối mùa như Đào Tấn.

Điều đáng chú ý trong sự vận động của từng mùa, bước đi thời gian được tác giả tri giác một cách tinh tế, cụ thể qua hình sắc, âm thanh chân thực mà thoát ly những hình ảnh tượng trưng sáo mòn thường thấy trong văn học trung đại: Thủy thanh sơn sắc mã tiền thu (Qua tiếng nước và màu núi thấy mùa thu trước ngựa – Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh – nhị tuyệt), Dã phố đống vân thâm (Bến quê mùa rét mây xám ngắt – Phỏng hữu bất trị), Hồng Lam xuân sắc tối phân minh (Sắc xuân của núi Hồng sông Lam thật rõ nét – Tân Sửu xuân đán thí bút)…

Trong thi phẩm chữ Hán, nhà thơ ít nhiều dùng những hình ảnh quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, chim cuốc… nhưng không phải với tín hiệu tượng trưng chỉ mùa mà tượng trưng cho những phẩm chất của người quân tử, cho nỗi buồn trước tình cảnh đất nước. Qua đó cho thấy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước những biến đổi lớn của lịch sử, văn hóa, xã hội, văn chương đã có sự thay đổi theo hướng tiếp cận gần hơn với hiện thực, và từng bước phá vỡ tính quy phạm một cách toàn vẹn.

Ở thời gian vũ trụ, nếu Đào Tấn chú ý nhiều đến mùa xuân trong năm thì tác giả lại thường quan tâm đến thời điểm buổi chiều và buổi tối trong ngày. Những từ hoàng hôn (chiều tối), vãn huy (bóng chiều), nhật tịch (mặt trời lặn), dạ (đêm), dạ bán (nửa đêm), trung dạ (trong đêm), kim tịch (đêm nay), nhất dạ (một đêm), dạ thâm (giữa khua), dạ dạ (đêm đêm), trừ tịch (đêm giao thừa)… xuất hiện dày đặc trong thi phẩm chữ Hán của ông. Lúc bấy giờ, thời gian như bị không gian hóa, thống nhất làm một, thường như “chất xúc tác” cho tâm trạng tác giả khởi phát. Chìm đắm trong những thời khắc này, cái tôi trữ tình tác giả đọng lại là những suy tư, trăn trở, là nỗi buồn cô lẻ.

Đào Tấn có tới 16/141 bài thơ chữ Hán viết trong thời điểm mùa xuân
 Đào Tấn có tới 16/141 bài thơ chữ Hán viết trong thời điểm mùa xuân 

Thời gian vũ trụ gắn với cuộc sống của người dân

Với Đào Tấn, thời gian vũ trụ không chỉ gắn liền với những phạm trù lớn lao như sự đổi thay của đất trời, triều đại mà còn gắn với cuộc sống của người dân. Điểm gặp gỡ giữa cụ Đào với cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là họ thường bắt trúng vào những mối quan tâm nhất của con người, nhất là người nông dân ở những thay đổi của thời tiết gắn với mùa vụ.

Đào Tấn đã nhận ra điều đáng quan tâm nhất của người nông dân không gì khác là mảnh ruộng họ đang cày cấy. Và ông cũng vui buồn trên mảnh ruộng của người nông dân những khi hạn, lụt, mưa đến, mất mùa hay được mùa: Xuân hạ tồ thu thốn trạch vô/ Cao đê điền mẫu thái tiêu khô (Từ xuân, hạ đến thu vẫn chưa có giọt mưa nào/Đồng thấp, đồng cao đều khô cháy cả - Thương hạn), Mạc thán niên lai đa hạn lạo/ Tâm điền cửu hĩ báo phong thu (Chớ lo rằng năm tới trời hạn lụt nhiều/ Lâu nay hết lòng với ruộng đều báo tin được mùa - Quy canh cuộc quan điền thị Huỳnh Giản thủ chỉ Trần ông), Vạn kim hảo vũ tán nguyên điền/ Tẩy tịnh viêm trần lục nguyệt thiên (Cơn mưa lành như muôn vàng rải xuống ruộng đồng/ Rửa sạch lớp bụi nóng của tiết trời tháng Sáu - Hỷ vũ).

Điều đặc biệt là tác giả còn cảm nhận thời gian vũ trụ bằng chính con mắt của người nông dân, nhận ra thời điểm cuối thu qua hình ảnh lúa chín: Đông trù cốc dĩ tam phân thục (Đồng ruộng phía đông lúa ba phần chín - Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu). Phải là lương quan xuất thân từ làng quê, hết sức quan tâm, gần gũi với cuộc sống người nông dân, Đào Tấn mới có cái nhìn chân thực và đồng cảm đến như vậy.

Chỉ qua thời gian vũ trụ trong thơ chữ Hán, ta hiểu được một Đào Tấn vừa thấu lẽ biến dịch của thiên nhiên, trời đất lại vừa có cái nhìn tinh tế, chân thực trong sự biến dịch đó. Tác giả dù nói đến thời gian tuần hoàn, vĩnh viễn nhưng không phải gắn với cái xa xôi, viễn vông mà gắn liền với thực tại. Trong khoảng thời gian vô tận ấy, con người tác giả không mất hút vào khoảng không mà luôn hiện hữu với những ưu tư, nhất là đồng hành với cuộc sống con người.

*  *  *

Nhìn chung, trong sáng tác thơ chữ Hán, Đào Tấn đã có cảm nhận cụ thể, chân thực về thời gian trong từng thi phẩm, mà bao giờ đích đến cũng hướng về cuộc sống con người, mang tinh thần dân tộc, dân chủ. Tác giả nghiêng về quan điểm nhân sinh, bằng bút pháp tiếp cận gần hơn với hiện thực, dần thoát ly những hình ảnh vay mượn, ước lệ sáo mòn trong văn học cổ. Điều đó cho thấy, cùng với văn học viết cuối thế kỷ XIX, sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn đã dần thoát khỏi ảnh hưởng văn học Trung Quốc cũng như thi pháp văn học trung đại, tiến gần với những đặc điểm của phạm trù văn học hiện đại.

Tài liệu tham khảo:

1. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, NXB Sân khấu, Hà Nội.

2. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2006), Đào Tấn qua thư tịch, NXB Sân khấu, Hà Nội.

3. Nguyễn Phong Nam (Chủ biên, 1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, NXB Giáo dục, Hà Nội.

4. Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

5. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Yoshiharu Tsuboi (2011), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nguyễn Đình Đầu dịch), NXB Tri thức, Hà Nội.

7. Ty Văn hóa và thông tin Nghĩa Bình (1978), Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc (Kỷ yếu Hội nghị khoa học).

Chỉ qua thời gian vũ trụ trong thơ chữ Hán, ta hiểu được một Đào Tấn vừa thấu lẽ biến dịch của thiên nhiên, trời đất lại vừa có cái nhìn tinh tế, chân thực trong sự biến dịch đó. Tác giả dù nói đến thời gian tuần hoàn, vĩnh viễn nhưng không phải gắn với cái xa xôi, viển vông mà gắn liền với thực tại. Trong khoảng thời gian vô tận ấy, con người tác giả không mất hút vào khoảng không mà luôn hiện hữu với những ưu tư, nhất là đồng hành với cuộc sống con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.