Cán bộ phụ trách bảo hiểm xã hội (BHXH) của trường tôi cho biết số ngày nghỉ hưởng BHXH của tôi bao gồm cả những ngày Chủ nhật và ngày nghỉ lễ giỗ Tổ. Xin được hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc, cách tính như vậy có đúng không? – Nguyễn Quốc Bảo (baoquocnguyen@gmail.com).
* Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 23 Luật BHXH, thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thời gian nghỉ tối đa tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH và điều kiện làm việc (bình thường hay nặng nhọc độc hại, nguy hiểm) nhưng không quá 70 ngày trong 1 năm. Cụ thể như sau:
Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Về thời gian được nghỉ ốm đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
Tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
Đối chiếu với quy định này thì việc công ty tính thời gian hưởng ốm đau của bạn khi điều trị bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày bao gồm cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ là đúng với quy định hiện hành.