Thời của lúa gạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bắt đầu từ ngày 20/7 vừa qua, chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti với hiệu lực ngay lập tức.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thái Lan là quốc gia mới nhất thực thi chính sách để chớp thời cơ thuận lợi xuất khẩu lúa gạo do việc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ đưa ra trước đó.

Bắt đầu từ ngày 20/7 vừa qua, chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa đang tăng cao liên tục.

Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ giải thích lệnh cấm này là biện pháp đảm bảo thị trường trong nước có đủ gạo và làm giảm đà tăng giá của loại gạo trắng hiện nay.

Với vai trò là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới khi chiếm hơn 40% thương mại gạo trên thế giới, quyết định trên của Ấn Độ lập tức dẫn đến sự sụt giảm sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và tác động đến giá bán mặt hàng này.

Động thái này mở ra cơ hội được giá xuất khẩu cho các nước như Việt Nam và Thái Lan vì các nước nhập khẩu sẽ phải tìm nguồn cung thay thế.

Việt Nam và Thái Lan cũng ngay lập tức có các điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo để tận dụng cơ hội thuận lợi. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit ngày 8/8 tuyên bố nước này không có lý do gì để hạn chế các chuyến hàng xuất khẩu gạo của mình trong bối cảnh đang có đủ nguồn cung cho cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng nội địa. Thái Lan đang hướng tới thị trường châu Phi, nơi vốn đang tiêu thụ một lượng gạo nhập khẩu lớn từ Ấn Độ.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan là Charoen Laothamatas dự đoán giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể tăng đến 20% sau lệnh cấp xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ.

Trong cả năm 2023, Thái Lan dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, cao hơn mức 7,71 triệu tấn của năm ngoái để giữ vững vị thế nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, Thái Lan đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn nên mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Còn theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 7 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2022. Nhằm tận dụng thời cơ thuận lợi hiếm có của ngành lúa gạo, Việt Nam đang bố trí nâng diện tích trồng lúa vụ Thu Đông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha.

Tuy các nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới như Thái Lan và Việt Nam đều đang thực hiện các biện pháp để tận dụng thời cơ xuất khẩu để thay thế nguồn cung của Ấn Độ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn nêu ra lo ngại về lạm phát trên thị trường lương thực thế giới sẽ diễn ra trầm trọng hơn.

Kinh tế trưởng của IMF là ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định động thái của Ấn Độ sẽ có những tác động tiêu cực đối với thế giới tương tự như việc đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen của Nga.

Giá ngũ cốc toàn cầu vốn được dự đoán cao nhất trong 11 năm có thể tăng 10 - 15% trong năm nay và quyết định của Ấn Độ có thể gây ra thêm căng thẳng cho tình hình giá cả lương thực.

Hàng loạt quốc gia vốn là thị trường nhập khẩu gạo trắng chính của Ấn Độ đang lập tức phải tìm nguồn cung thay thế. Trong số này, Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) cho biết, nước này đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Ấn Độ để xin miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng.

Những diễn biến này càng cho thấy tầm quan trọng của an ninh lương thực và giá trị của sự chủ động nguồn cung của các nước sản xuất mặt hàng này trong bối cảnh có nhiều biến động về thời tiết và địa chính trị hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...
Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: