Mối nguy khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

GD&TĐ - Theo số liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ, giá gạo bán lẻ tại Delhi đã tăng 15% trong năm nay, trong khi giá trung bình cả nước tăng 8%.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bloomberg mới đây trích nguồn tin thân cận cho biết Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải là Basmati, loại gạo phổ biến tại Nam Á. Nguyên nhân được cho là do giá gạo trong nước tăng và Ấn Độ muốn kiềm chế lạm phát, đặc biệt là trước các cuộc bầu cử sắp tới.

Người tiêu dùng Ấn Độ đang phải vật lộn với giá lương thực cao đến mức một số người sẵn sàng vượt biên sang nước ngoài để mua cà chua giá rẻ hơn. Theo số liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ, giá gạo bán lẻ tại Delhi đã tăng 15% trong năm nay, trong khi giá trung bình cả nước tăng 8%.

Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% hoạt động xuất khẩu gạo trên thế giới. Năm ngoái, nước này đã cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh khủng hoảng thiếu lương thực, dẫn đến làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn cầu. Tuy nhiên, làn sóng phản đối Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể tăng cao và mạnh mẽ hơn so với một năm về trước.

Nếu lệnh cấm được thực hiện, Ấn Độ sẽ dừng xuất khẩu khoảng 80% tổng lượng gạo trong nước. Động thái này có thể giúp hạ nhiệt giá gạo nội địa nhưng sẽ đẩy giá gạo trên toàn cầu lên mức cao mới trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.

Gạo là lương thực thiết yếu với 50% dân số thế giới. Riêng châu Á đã tiêu thụ 90% gạo trên toàn cầu. Giá gạo của khu vực này cũng tăng cao nhất 2 năm do lo ngại hiện tượng El Nino xuất hiện ảnh hưởng đến mùa màng. Do đó, giá gạo tăng cao sẽ ảnh hưởng đầu tiên, sâu rộng và trực tiếp nhất vào châu Á.

Một số quốc gia châu Á sẽ vừa thiếu nguồn cung gạo vừa phải nhập khẩu gạo với giá tăng cao do lệnh cấm của Ấn Độ là Philippines hay Indonesia. Đây là 2 nước nhập khẩu gạo Ấn Độ cao nhất châu Á, trong đó, tại Philippines, hơn 20% nhu cầu đang sử dụng gạo Ấn Độ.

Không chỉ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao, lệnh cấm của Ấn Độ sẽ gây ra tình trạng tích trữ gạo. Các quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Philippines đang ráo riết dự trữ gạo trong năm nay. Điều này có thể đẩy giá gạo trên thế giới tăng trước khi lệnh cấm được ban hành, đồng thời làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở nước ngoài.

Cần lưu ý, việc các nước tích trữ gạo có thể gây bất bình đẳng trong nhu cầu tiếp cận lương thực trên thế giới. Tại nhiều quốc gia châu Phi, gạo Ấn Độ là thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn. Trước tình trạng lạm phát, tỷ lệ đói nghèo gia tăng, Tây Phi đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực nặng nề nên việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh lương thực trong nước. Các quốc gia Tây Phi cũng không đủ khả năng dự trữ gạo và phải chấp nhận mua gạo từ một nước thứ ba với giá cao chót vót.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu, thúc đẩy các quốc gia khác làm điều tương tự để bảo vệ thị trường nội địa. Năm ngoái, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, nhiều quốc gia khác như Indoneisa cũng tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ, Malaysia cấm xuất khẩu gà...

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn có thể thu lợi từ động thái của Ấn Độ như Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới. Với sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới và lệnh cấm của Ấn Độ gây áp lực lên giá gạo, tổng giá trị xuất khẩu gạo tại các quốc gia xuất khẩu gạo khác sẽ tăng và tạo đà cho nền kinh tế phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ