Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Đẩy mạnh dạy nghề, giải quyết việc làm giúp người dân thoát nghèo

GD&TĐ - Thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Lập Thạch đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể đến các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm được đặc biệt chú trọng, giúp người nghèo thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Huyện Lập Thạch chú trọng công tác đào tạo nghề cho người nghèo và các đối tượng chính sách
Huyện Lập Thạch chú trọng công tác đào tạo nghề cho người nghèo và các đối tượng chính sách

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 9104/KH-UBND ngày 15/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Lập Thạch đã triển khai có hiệu quả hàng loạt các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể là: Chính sách tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chính sách hỗ trợ y tế; hỗ trợ về giáo dục; chính sách hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ về thiết bị lọc nước; trợ giúp pháp lý…

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, công tác dạy nghề, giải việc làm được UBND huyện Lập Thạch cụ thể hóa trong các Chương trình, Kế hoạch hàng năm. UBND huyện Lập Thạch cũng thành lập Ban chỉ đạo giải quyết việc làm. Hàng năm đều có báo cáo đánh giá cụ thể, từ đó xác định những việc đã làm được và những tồn tại nhằm triển khai hiệu quả hơn trong năm tiếp theo.

Đối với công tác dạy nghề, Ban chỉ đạo giải quyết việc làm huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn và triển khai các kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới các xã, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyển sinh đào tạo, liên kết mở các  lớp Trung cấp nghề, dạy nghề Sơ cấp ngắn hạn cho lao động nông thôn.

Năm học 2018-2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX huyện liên kết với các trường đào tạo hệ Trung cấp nghề như: trường CĐ Công nghiệp Phúc Yên, CĐ nghề cơ khí nông nghiệp, CĐ nghề Việt Xô, CĐ nghề Vĩnh Phúc, ĐH Kiến trúc mở được 33 lớp Trung cấp nghề với 793  học viên, các nghề đào tạo như: điện công nghiệp, hàn, may công nghiệp, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô,  điện tử , điện lạnh, May và thiết kế thời trang, quản lý bán hàng siêu thị...

Năm học 2019-2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX huyện liên kết với các trường đào tạo hệ Trung cấp nghề như: trường CĐ Công nghiệp Phúc Yên, CĐ nghề cơ khí nông nghiệp, CĐ nghề Vĩnh Phúc mở được 12 lớp Trung cấp nghề với 420  học viên, các nghề đào tạo như: công nghệ ô tô, điện tử , điện lạnh, nghiệp vụ lễ tân...

Đối với công tác giải quyết việc làm, năm 2018, huyện Lập Thạch đã giải quyết việc làm lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng năm 2018  là 1.829/1.950 lao động; Giải quyết việc làm lĩnh vực nông nghiệp nông thôn năm 2018 là 323/150  lao động  (đạt 215,3% kế hoạch năm 2018); Giải quyết việc làm thuộc các ngành nghề th­ương mại, dịch vụđược 1.167/750 lao động (đạt 155,6% kế hoạch năm 2018).

Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người lao động tự tạo việc làm, đi làm việc ngoài tỉnh. Năm 2018, trên địa bàn huyện có khoảng 5.415 lao động hoạt động trong các lĩnh vực khác và lao động tự do, chiếm 7,16% tổng số người trong độ tuổi lao động của huyện, tăng 0,37% so với cùng kỳ.

Năm 2019, công tác giải quyết việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đến 30/9/2019 là 1.366/1.250 lao động, đạt 109,28%; ước cả năm 2019 giải quyết việc làm cho 1.773 lao động,  đạt 141,8% kế hoạch năm 2019. Giải quyết việc làm lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đến 30/9/2019 là 226/200  lao động, đạt 113%; ước cả năm 2019 giải quyết việc làm cho 286 lao động,  đạt 143% kế hoạch năm 2019. Giải quyết việc làm thuộc các ngành nghề thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực khác đến 30/9/2019 là 875/800 lao động, đạt 110,6%; ước cả năm 2019 giải quyết việc làm cho 1.108 lao động, đạt 138,5%  kế hoạch năm 2019. Năm 2019, huyện có  5.283  lao động hoạt động lao động tự do, lao động  đi làm việc ngoài tỉnh và lao động thiếu việc làm, chiếm 6,85% tổng số người trong độ tuổi lao động của huyện.

Bên cạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, thì công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng được huyện Lập Thạch chú trong quan tâm. Trong đó, nhiều đối tượng chính sách, hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn. Cụ thể, năm 2018, Số lao động được hỗ trợ kinh phí đi XKLĐ theo Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh năm 2018 là 74 người với tổng số tiền là  782.600.000đ. Cho vay xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách là 09 đối tượng với số tiền là 450 triệu đồng. Năm 2019, số lao động được hỗ trợ kinh phí đi XKLĐ theo Nghị quyết 207 của HĐND tỉnh trong 9 tháng đầu năm là 143 người với tổng số tiền 1.604,8 triệu đồng; Cho vay XKLĐ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 06 hộ với tổng số tiền là 420 triệu đồng.

Có thể khẳng định, thời gian qua, các chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Lập Thạch đã được triển khai có hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện giai đoạn 2016-2020 và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2020, huyện Lập Thạch đặt mục tiêu, đào tạo hệ Sơ cấp nghề cho 300 học viên. Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về nghề nghiệp, việc làm cho lao động nông thôn từ 20 - 25 lớp với 1.200 - 1.500 người/năm. Phấn đấu giải quyết được 2.200-2.500 lao động, trong đó, giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động khoảng 220-250 lao động. Về công tác giảm nghèo, tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với ng¬ười nghèo, hộ nghèo, các chương trình, dự án về công tác giảm nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ