Trao “cần câu cơm” cho người dân biên giới
Xã Hướng Lập thuộc khu vực biên giới, nằm ở phía Bắc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), có đa số đồng bào Vân Kiều sinh sống. Do điều kiện khắc nghiệt, chủ yếu rừng núi nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, người dân đã tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Cùng với đó, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi... đã đem lại sự đổi thay trong đời sống người dân.
Bộ đội biên phòng Hướng Lập hỗ trợ cây, con giống giúp người dân thoát nghèo. |
Đóng quân ở vùng biên giới, Đồn Biên phòng Hướng Lập đã tích cực kết nối, hỗ trợ người dân 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt thay đổi phương thức sản xuất, hỗ trợ cây con giống, các công trình nhà ở, công trình phúc lợi. Từ đó, giúp đồng bào Pa Cô – Vân Kiều yên tâm sinh sống, chung tay bảo vệ biên giới.
Sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình trồng cà gai leo, loại cây dược liệu đã bén rễ trên vùng đất biên giới. Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết, mô hình trồng cà gai leo hiện đã có 15 hộ tham gia. Cứ 3 tháng người dân sẽ thu hoạch một lần, mỗi lần thu hoạch mang lại từ 9-10 triệu đồng.
Anh Hồ Văn Rô (trú ở thôn Tà Puồng, xã Hướng Việt) là một trong những hộ đầu tiên trồng cà gai leo nhờ sự hỗ trợ giống cây trồng, kỹ thuật chăm bón, thông qua sự kết nối giữa Đồn Biên phòng Hướng Lập với doanh nghiệp tại địa phương.
Anh Rô chia sẻ: “Loại cây này cho năng suất cao, 3 tháng là thu hoạch. Giá bán ổn định nên gia đình yên tâm và muốn mở rộng mô hình”.
Để người dân vùng biên giới thoát nghèo bền vững, cần sự quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển. |
Ba năm trước, gia đình anh Hồ Văn Giỏi (thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt) được Đồn Biên phòng Hướng Lập kết nối trao tặng một cặp dê giống, với tổng trị giá 25 triệu đồng. Qua thời gian dài chăm sóc, có thời điểm dê phát triển thành đàn hơn 10 con.
Anh Giỏi cho hay, hiện nay đàn dê của gia đình còn 8 con. Ngoài một số con bị bệnh, ốm chết thì gia đình cũng xuất bán được 4 con dê thịt, với giá từ 2-3 triệu đồng/con.
Ngoài ra, gia đình anh còn được Bộ đội hỗ trợ ngan giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế nên mỗi năm gia đình anh có nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng từ vật nuôi và một số cây trồng khác.
“Từ khi có mô hình du lịch cộng đồng đã tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên. Hiện tổ phát triển du lịch cộng đồng có 22 thành viên tham gia. Mỗi tháng người dân có khoản thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người, nhờ phục vụ ẩm thực, thuê sạp ngồi, bán vật nuôi... ", anh Giỏi nói.
Nỗ lực giúp bà con thoát nghèo
Trung tá Hồ Lê Luận – Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) cho biết: Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, lãnh thổ của quốc gia thì công tác giúp dân xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm.
Với định hướng trao sinh kế và cùng bà con chăm sóc, phát triển kinh tế bền vững, từ nhiều năm nay, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng lập đã thực hiện nhiều chương trình trao cây, con giống và hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, nhiều đàn gia súc, gia cầm được phát triển, bà con biết cách chăm sóc, khai thác hiệu quả hơn.
Nhà ở dân sinh được Đồn Biên phòng Hướng Lập kết nối tặng người dân. |
“Sau khi tặng các cây giống, con giống giúp bà con chăn nuôi, chăm sóc hiệu quả hơn thì chúng tôi cử cán bộ địa bàn, đặc biệt là cán bộ vận động quần chúng về hướng dẫn trực tiếp bà con cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi sao cho phát triển ổn định”, Trung tá Hồ Lê Luận cho hay.
Cùng với giúp người dân phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng Hướng Lập còn triển khai các công trình an sinh xã hội như mô hình ánh sáng vùng biên, trao nhà tình nghĩa, đầu tư xây dựng trạm quân dân y kết hợp để khám chữa bệnh cho người dân.
Bộ mặt bản làng thay đổi nhờ sự hỗ trợ của lực lượng biên phòng. |
Bà Hồ Thị Ven – Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của Trung ương, địa phương đầu tư cho các xã miền núi, thì sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Hướng Lập, Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 về cây con giống, xây dựng các mô hình trồng cỏ voi, trồng cà gai leo đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế cho bà con vùng biên giới.
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng còn hỗ trợ xây dựng nhà dân sinh, xóa nhà tạm bợ, dột nát, các công trình phúc lợi... giúp thay đổi bộ mặt khu dân cư văn minh, sạch đẹp.
Tuy nhiên, do điều kiện xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, diện tích nông nghiệp ít nên gặp khó khăn trong sản xuất. Tỉ lệ hộ nghèo so với nhiều năm trước đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, hiện nay vẫn chiếm gần 70%.
“Để người dân địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững, cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa của Nhà nước, Chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi. Cùng với đó, cần sự chung tay hỗ trợ của các đơn vị, ngành về vốn, kỹ thuật và nguồn hỗ trợ khác”, bà Hồ Thị Ven cho hay.
Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài nhằm đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả chương trình giảm nghèo.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi cũng được triển khai hiệu quả, hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Qua đó, hằng năm tỉ lệ hộ nghèo giảm, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.