Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ, người dân phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyển đổi từ giống cũ với hiệu quả thấp, người dân Kon Rẫy (Kon Tum) áp dụng trồng lúa nước ST24 định hướng hữu cơ nhằm phát triển kinh tế.

Ông A Klơch hy vọng vụ lúa ST24 lần này sẽ cho thu nhập tốt, giúp gia đình ổn định cuộc sống.
Ông A Klơch hy vọng vụ lúa ST24 lần này sẽ cho thu nhập tốt, giúp gia đình ổn định cuộc sống.

Thoát khỏi đói nghèo

Hơn 20 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (thôn 4, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) trồng lúa theo lối canh tác truyền thống. Do đó, mỗi vụ chỉ cho thu hoạch khoảng 5 tạ/sào. Những năm về sau hiệu quả mang lại ngày càng giảm do cây trồng thường xuyên mắc bệnh, đất đai bạc màu. Chính vì vậy, cuộc sống gia đình bấp bênh, gặp nhiều khốn khó.

Nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người dân, vụ mùa năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” tại 2 xã Đăk Tờ Re, Đăk Tơ Lung.

Thấy mô hình mới lạ, thiết thực, gia đình bà Hậu chuyển qua trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Từ đó, cây lúa khoẻ mạnh hơn, ít sâu bệnh, màu sắc hạt lúa vàng, sáng hơn.

“Áp dụng mô hình mới vào sản xuất giúp năng suất của gia đình cao hơn so với giống cũ, đạt 6,5 tạ/sào. Với những kỹ thuật có được, vụ lúa tiếp theo tôi vẫn sẽ trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ để phát triển kinh tế gia đình”, bà Hậu cho hay.

Tương tự, ông A Klơch (thôn 4, xã Đăk Tờ Re) cho biết, khi tham gia mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” gia đình được hỗ trợ vật tư nông nghiệp cũng như hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Trong vụ mùa 2021, 8 sào đất của gia đình đều được ông trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Nhờ thực hiện tốt kỹ thuật nên diện tích lúa cho năng suất và chất lượng cao.

“Trước kia, với giống lúa cũ mỗi vụ chỉ cho thu hoạch khoảng 5 tạ/sào. Cuộc sống gia đình khốn khó chỉ trông chờ vào vài sào lúa nhưng hiệu quả thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng từ khi chuyển đổi, năng suất đạt trung bình 7 tạ/sào, hạt gạo có độ bóng, dẻo, thơm. Canh tác theo hướng này tôi thấy môi trường đồng ruộng luôn sạch sẽ, bản thân tôi cũng an tâm trong quá trình chăm sóc. Nhờ giống lúa phù hợp, áp dụng kĩ thuật vào sản xuất đời sống của gia đình cũng ổn định hơn, không phải rơi vào cảnh đói nghèo. Tôi sẽ cố gắng học hỏi nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa trong thời gian tới”, ông A Klơch nói.

Hiệu quả kinh tế cao

60 hộ dân tham gia mô hình "Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ”.

60 hộ dân tham gia mô hình "Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ”.

Mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” được thực hiện trên quy mô 15,4ha với sự tham gia của 60 hộ dân. Trong đó, có 30 hộ dân xã Đăk Tờ Re tham gia với 5,4ha và 30 hộ dân xã Đăk Tơ Lung tham gia với 10ha.

Trong quá trình tham gia mô hình, người dân được tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Theo đó, bà con được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Sau khi kết thúc, mô hình được đánh giá đạt kết quả tốt, năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha, cây trồng ít sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng hạt gạo thơm ngon. Bên cạnh đó các hộ dân vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật trồng giống lúa nước ST24 theo phương thức hữu cơ đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đào Thanh Sang - Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cho hay, khi tham gia mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ”, nhiều hộ dân trên địa bàn đã nhận ra nhiều lợi ích của phương thức canh tác này. Từ đó thay đổi nếp nghĩ cách làm, tư duy sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Sang, việc trồng lúa theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khoẻ mà còn giúp giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng và bảo vệ môi trường. Do đó, thời gian tới địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nông dân về lợi ích khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.