Nhiều mô hình giảm nghèo thiết thực cho cựu chiến binh

GD&TĐ - Cựu chiến binh được hỗ trợ vốn, kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tham gia vào tổ sản xuất... để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Cuộc sống đổi thay

Mô hình liên kết trồng dứa thôn Đăk Mơ Ham phát triển tốt, giúp người dân phát triển kinh tế.
Mô hình liên kết trồng dứa thôn Đăk Mơ Ham phát triển tốt, giúp người dân phát triển kinh tế.

Trước kia, gia đình ông A Din (thôn Đăk Mơ Ham, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) sống nhờ mấy sào mì. Thế nhưng sau vài năm chăm sóc, rẫy cằn cỗi nên mang lại thu nhập thấp.

Cuộc sống bấp bênh, gia đình lo miếng ăn từng bữa. Được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền và Hội Cựu chiến binh ông A Din tham gia mô hình liên kết trồng dứa. Mô hình với 4 thành viên là Cựu chiến binh người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia, trồng trên tổng diện tích 2,2ha.

Khi tham gia, ông Din được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để cùng góp vốn, kinh phí duy trì hoạt động. Bên cạnh đó được một Công ty hỗ trợ mua giống, phân bón cũng như hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm.

“Trong quá trình chuyển đổi cây trồng tôi được hỗ trợ, tham gia tập huấn kiến thức. Không những vậy cán bộ kĩ thuật cũng thường xuyên xuống vườn để kiểm tra, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc. Hiện nay diện tích dứa của gia đình phát triển rất tốt và sắp cho thu hoạch”, ông A Din nói.

Không chỉ ông A Din mà nhiều cựu chiến binh tại địa phương cũng được hỗ trợ, giúp đỡ về kinh nghiệm, kĩ thuật để phát triển kinh tế. Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của khối 2 (thị trấn Đăk Tô) đã giúp các cựu chiến binh thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Ban đầu từ chăn nuôi bò theo hộ gia đình, bà con chuyển sang tập hợp, gây dựng và phát triển thành một tổ liên kết nuôi bò sinh sản với 30 con. Khi tham gia mô hình thành viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, liên kết chăn nuôi và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thay đổi nhận thức, hành động

Bà con được hỗ trợ kĩ thuật, vốn... để chăn nuôi.
Bà con được hỗ trợ kĩ thuật, vốn... để chăn nuôi.

Ông A Bông – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Tô cho biết, đơn vị có 1.513 hội viên, sinh hoạt tại 65 chi hội với 1.451 hộ hội viên. Trong đó có 874 hộ DTTS, chiếm 60%.

Theo ông A Bông, toàn hội có 190 hộ gia đình hội viên nghèo, cận nghèo. Trong đó, hộ hội viên DTTS nghèo và cận nghèo chiếm 82,1%. Để giúp cuộc sống của bà con ổn định, vươn lên thoát nghèo Hội đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Để cuộc vận động có chiều sâu, sát với thực tiễn, Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh huyện thường xuyên phối hợp, trao đổi với các đơn vị liên quan tập trung vào việc xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó là phương thức chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương gắn với thực hiện cuộc vận động.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Tô cho hay, tính từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền được 40 buổi, với trên 1.000 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Cùng với đó, triển khai xây dựng 6 mô hình tổ hợp tác, liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Trong đó có 2 mô hình liên kết trồng dứa và 2 mô hình tổ hợp tác nuôi cá lồng bè, 2 mô hình tổ hợp tác nuôi bò sinh sản. Từ đó, vận động sự tham gia của 20 hộ hội viên đồng bào DTTS tham gia, trong đó có 13 hộ nghèo, cận nghèo.

“Sau một thời gian thực hiện những mô hình cơ bản đã giúp thay đổi cách thức lao động, sản xuất của bà con. Người dân dần tiếp thu những kiến thức, kĩ thuật tiên tiến để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của bà con cũng dần đổi thay”, ông A Bông nói.

Theo ông A Bông, sau 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tác động đến nhận thức và hành động của bà con. Qua đó, nhiều hộ DTTS đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia tổ liên kết… để giúp đỡ, cùng nhau phát triển, xóa đói giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ