Thoát ly văn mẫu: Truyền lửa đam mê sáng tạo cho học trò

GD&TĐ - Để giờ học Ngữ văn thêm cuốn hút, cô giáo xứ Thanh đã "thổi hồn" vào môn học thông qua những trò chơi đặc sắc, đồng thời, thúc đẩy phong trào đọc sách, báo để rèn luyện kỹ năng đọc, viết.

Cô giáo Cao Thị Hằng trong giờ dạy học Ngữ văn tại lớp 7B, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa).
Cô giáo Cao Thị Hằng trong giờ dạy học Ngữ văn tại lớp 7B, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa).

"Thổi hồn" vào môn học

“Lạm dụng văn mẫu sẽ làm thui chột sự sáng tạo của học sinh”. Đây là quan điểm của cô Cao Thị Hằng, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa).

Bởi vậy, khi chuyển công tác về trường năm 2018, cô Hằng luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để kích thích sự say mê, yêu thích môn Ngữ văn của học trò.

Một trong những phương pháp được nữ giáo viên áp dụng là lồng ghép trò chơi vào bài giảng như: Ngôi sao may mắn,giải ô chữ, đuổi hình bắt chữ, ai nhanh hơn hay trò chơi tiếp sức,…

“Khi áp dụng trò chơi vào bài giảng đã mang lại hiệu ứng tích cực. Các con rất hứng thú và bày tỏ sự yêu thích với môn học. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp các con dễ dàng khắc sâu kiến thức, củng cố luyện tập và mở rộng kiến thức. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn”, cô Hằng chia sẻ.

Bên cạnh công tác chuyên môn, cô Hằng còn được Ban giám hiệu giao phụ trách một số hoạt động của nhà trường như: Viết thư  UPU, Đại sử văn hóa đọc,… Những hoạt động này trở thành cầu nối để nữ giáo viên có dịp gần gũi với học trò nhiều hơn.

“Tôi nghĩ rằng, nghề nào cũng cần sự tận tâm, tận tụy. Với nghề dạy học, được tiếp xúc, gần gũi với học trò giúp tôi phát hiện ra những tố chất, sở trường của các em. Từ đó, thổi hồn và truyền cảm hứng để các em phát triển và hoàn thiện những kỹ năng của mình”, cô Hằng bộc bạch.

Ngoài công tác chuyên môn, cô Cao Thị Hằng còn phụ trách các hoạt động văn hóa đọc, viết thư UPU của nhà trường.
Ngoài công tác chuyên môn, cô Cao Thị Hằng còn phụ trách các hoạt động văn hóa đọc, viết thư UPU của nhà trường.

Đặc biệt, cô Hằng luôn tận dụng thời gian sinh hoạt đầu giờ mỗi ngày để cho học sinh tham gia đọc báo Đội. Cách làm này tưởng chừng đơn giản, dễ gây nhàm chán song lại gián tiếp giúp HS rèn luyện kỹ năng đọc, trau dồi thêm vốn từ. Qua đó giúp cải thiện và nâng cao kỹ năng viết cho các em.

Nhiều em được cô Hằng dìu dắt tham gia các hoạt động văn hóa đọc, viết thư quốc tế UPU đã bước đầu gặt hái được thành công. Cụ thể, em Cao Vân Phương (lớp 7B, Trường THCS Điện Biên) đã xuất sắc đoạt giải Nhì tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Thanh Hóa, năm học 2021 – 2022.

Vân Phương còn giành giải Khuyến khích viết thư UPU cấp tỉnh năm học 2020 – 2021.

Ngoài Vân Phương, một học sinh cũ của cô Hằng cũng từng xuất sắc đoạt giải “Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu” năm 2021 đó là em Đỗ Vy Lam. Theo cô Hằng, Vy Lam là học sinh hội tụ nhiều kỹ năng như đọc, nói và giao tiếp tốt. Tuy nhiên, vừa qua em đã xin chuyển về trường gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại, học tập.

Cô Hằng cũng cho biết, một trong những động lực cho đội ngũ giáo viê nhà trường đó là học sinh rất chăm ngoan, lễ phép, có tinh thần tự học và sáng tạo. Khi các em có sự đam mê, giáo viên càng có “đất” để truyền cảm hứng, đồng thời giúp học trò phát huy sở trường của mình.

Tạo hứng thú từ hoạt động ngoại khóa

Áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp là một trong cách làm của cô Hà Thị Lệ, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Bởi, học sinh nơi đây chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số và các em cũng gần như không sử dụng văn mẫu.

Theo cô Lệ, một số em thậm chí còn gặp khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt. Vì vậy, việc đầu tiên của giáo viê là cần giúp các em sử dụng Tiếng Việt thành thạo và hiểu được nội dung bài giảng.

“Ngoài giảng bài theo hình thức nghe, đọc, hiểu,… chúng tôi cũng sử dụng bài giảng powerpoint để tăng sự sinh động, lối cuốn. Đặc biệt, chúng tôi cũng tổ chức các buổi ngoại khóa cho các em thăm quan những địa danh, di tích gắn liền với một số tác phẩm văn học.

Chẳng hạn, như địa danh Tây Tiến hùng vĩ, thơ mộng (thuộc huyện Mường Lát) gắn liền với bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Khi được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm, các em có sự tự hào nhất định về văn hóa, thắng cảnh của quê hương”, cô Lệ nói.

Cô Hằng và em Cao Vân Phương (lớp 7B, Trường THCS Điện Biên) trong buổi tuyên dương giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc dịp 20/11/2021.
Cô Hằng và em Cao Vân Phương (lớp 7B, Trường THCS Điện Biên) trong buổi tuyên dương giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc dịp 20/11/2021.

Cô giáo người dân tộc Thái bày tỏ, thời gian tới sẽ dự định tổ chức chuyển thể một số tác phẩm văn học thành loại hình sân khấu đóng vai nhân vậtvào các dịp lễ lớn như: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kỷ niệm ngày thành lập Đoàn THCS Hồ Chí Minh 26/3,…

“Là giáo viên mới vào ngành, nên kinh nghiệm giảng dạy chưa phong phú. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu môn Ngữ văn, tôi hy vọng với những dự định sắp tới của mình sẽ mang đến giờ học lôi cuốn, học sinh tiếp thu bài hiệu quả”, cô Lệ bộc bạch.

"Đối với bộ môn Ngữ văn, cô Hằng thường lồng ghép các trò chơi hay những câu hỏi để tăng sự hấp dẫn, giúp chúng em có tinh thần học bài hơn. Trước đây, em cũng rất ít đọc sách nhưng từ khi tham gia các cuộc thi như: Viết thư UPU, Đại sứ văn hóa đọc,... em cảm thấy tự tin khi nói chuyện trước đám đông. Đồng thời, trau dồi thêm về vốn từ, giúp mang lại hiệu quả khi học môn Ngữ văn. Văn mẫu vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại. Nếu chỉ xem văn mẫu là tài liệu tham khảo thì không sao. Tuy nhiên, việc lạm dụng văn mẫu sẽ khiến cho bài văn trở kém phong phú và đa dạng”, em Cao Vân Phương (lớp 7B, Trường THCS Điện Biên) cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.