Trăn trở với điều đó, cô Ngà đã có phương pháp dạy học riêng, giúp các tiết học tiếng Anh trở nên sinh động, hấp dẫn và hiệu quả đối với học sinh dân tộc vùng khó.
Dạy miễn phí
Yêu thích học ngoại ngữ từ nhỏ nên tốt nghiệp THPT, cô Ngà thi vào Trường CĐ Sư phạm ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 2000, cô về dạy học tại một trường cấp II ở một xã gần biên giới (xã Cách Linh, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng). Đây thực sự là một thử thách khó khăn đối với một cô giáo trẻ mới ra trường.
Thương HS vùng cao, cô nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống của HS và người dân nơi đây. Với sự năng nổ, nhiệt tình, cô đã được chọn làm Tổng phụ trách Đội và là Bí thư Đoàn trường.
Làm công tác Đoàn, Đội cô Ngà có cơ hội được tiếp xúc với các em nhiều hơn. Trong các buổi sinh hoạt Đội, cô dạy cho các em bài hát, bài thơ bằng tiếng Anh, trò chơi ngôn ngữ đơn giản nhưng thú vị, giúp các em hứng thú học bộ môn hơn. Hàng ngày khi lên lớp, cô cố gắng truyền đạt kiến thức cho các em một cách dễ hiểu nhất với nhiều hình thức dạy học linh hoạt, sáng tạo. Tối đến, khi công việc nhà đã hoàn tất, một số em tự nguyện mang sách vở đến phòng cô để hỏi cách làm bài.
Năm 2002, cô Ngà chuyển công tác về Trường THCS thị trấn Tà Lùng - huyện Phục Hòa. Đây cũng là trường vùng biên giới, HS vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong học tập và cuộc sống. Để giúp các em tiến bộ, cô tích cực thay đổi hình thức dạy học cho phù hợp với đối tượng HS, giúp các em hứng thú học bộ môn qua các hoạt động trò chơi ngôn ngữ, các bài hát tiếng Anh. Có thời gian rỗi, cô dạy kèm miễn phí cho một số em ham thích học.
Đưa tiếng Anh đến gần học sinh
Do điều kiện gia đình, năm 2008, cô xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Hợp Giang (TP Cao Bằng). Đây là ngôi trường lớn trên địa bàn thành phố. Điều kiện giảng dạy ở đây khác hoàn toàn so với những trường cô đã từng công tác trong huyện. HS ham học, phụ huynh quan tâm đến việc học của con cái; Điều kiện giảng dạy tốt, cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ. Đây cũng là thử thách đối với cô giáo từ vùng cao biên giới.
Để nhanh chóng bắt nhịp với HS thành phố, cô Ngà dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, dự giờ đồng nghiệp để tìm ra phương pháp hay, hiệu quả, phù hợp với HS ở vùng có điều kiện. Không phụ công cô giáo, kết quả thi tiếng Anh qua mạng các cấp và kết quả học tập của các em hàng năm được nâng lên rõ rệt. Trường luôn đứng đầu về số lượng HS đạt giải cao qua các cuộc thi IOE các cấp.
Song, điều cô Ngà băn khoăn là HS vẫn còn thiếu thốn những hoạt động trải nghiệm thú vị, các hoạt động ngoại khóa để được sử dụng ngôn ngữ thường xuyên hơn. Cô đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh trong trường, hàng tháng định kỳ sinh hoạt với rất nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn giúp các em sử dụng tối đa ngôn ngữ mới thông qua các hoạt động trò chơi, bài hát...
Tâm sự về nghề giáo, cô Ngà cho biết: Chọn nghề giáo, cô như được sống với niềm đam mê học tiếng Anh của mình, có được tâm hồn trẻ trung khi hàng ngày được tiếp xúc với các bạn nhỏ. Nghề giáo không chỉ truyền thụ kiến thức, giáo dục nhân cách cho HS mà luôn thay đổi các phương pháp dạy học linh hoạt, sáng tạo. Tuy nhiên, nghề giáo luôn nhắc cô phải sống mẫu mực, làm gương cho HS, biết cách kiềm chế cảm xúc.