Mở đường cho chuyên ngành mới
GS Hoàng Tụysinh năm 1927, tại làng Xuân Đài, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình giàu truyền thống Nho học và yêu nước. Năm 15 tuổi, ông phải nghỉ học một năm vì ốm nặng. Ông không thể theo học trường công mà phải học ở một trường tư thục, chủ yếu là phải tự học. Nhờ thế, ông đã học xong trước chương trình và thi tốt nghiệp sớm một năm.
Sau khi nhận được bằng Tú tài phần I, việc học của ông lại bị gián đoạn vào những tháng đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945. Trở lại Huế tháng 2/1946, chỉ trong vòng 3 tháng, ông đã tự học và đỗ đầu trong kì thi lấy bằng Tú tài phần II. Ngay từ thời đó và cho đến tận bây giờ, ý chí và khả năng tự học phi thường của ông vẫn làm người ta phải ngạc nhiên.
GS Hoàng Tụy cùng với GS Lê Văn Thiêm là một trong hai người có công đặt nền móng xây dựng và phát triển nền toán học Việt Nam.
Năm 1951, đang dạy tại Trường Trung học Lê Khiết tại Liên khu 5, được tin Tiến sĩ Toán học Lê Văn Thiêm đã rời Thụy Sĩ trở về Việt Bắc dạy tại Trường Khoa học Cơ bản, Hoàng Tụy liền xin phép cơ quan ra Tuyên Quang thụ học Tiến sĩ Thiêm. Suốt nửa năm trời ròng rã cuốc bộ, ông ra đến Tuyên Quang thì Tiến sĩ Lê Văn Thiêm đã sang Trung Quốc cùng Ban giám hiệu trường.
Không quản ngại đường xa, Hoàng Tụy tiếp tục sang biên giới Việt - Trung tới Khu học xá Trung ương bên Nam Ninh (Trung Quốc) tầm sư học đạo. Đầu năm 1955, ông được Bộ Giáo dục giao phụ trách chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông để thống nhất hệ phổ thông 9 năm ở vùng tự do với hệ 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ 10 năm. Sau đó, ông phụ trách tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa tất cả môn học của giáo dục phổ thông.
Năm 1964, Hoàng Tụy tạo được tiếng vang trong làng Toán học khi ông trình bày tại Phân viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Novosibirsk, cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội.
Công trình đưa ra một lát cắt độc đáo, về sau, được giới toán học thế giới gọi là “lát cắt Tụy” (Tuys cut). Đó là một kết quả kinh điển và được công bố trên tạp chí Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Từ đây, Hoàng Tụy được coi là nhà toán học khai sơn phá thạch mở đường cho một chuyên ngành Toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”, là người mở ra trường phái Toán học Hà Nội.
Truyền ngọn lửa tình yêu toán học
Trong mắt các nhà toán học Việt Nam, GS Hoàng Tụy không chỉ là người thầy, người truyền cảm hứng, người tạo điều kiện cho toán học Việt Nam phát triển. Những ai đã từng được may mắn nghe các bài giảng của GS Hoàng Tụy đều không thể nào quên ngọn lửa của tình yêu toán học mà ông luôn biết cách truyền cho họ với một niềm say mê lớn.
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học trong một bài viết mới đây nhớ lại: “Vào năm 1966, khi Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên, các bài giảng của thầy Tụy bao giờ cũng là các bài giảng lôi cuốn sinh viên nhất. Có hôm, khi giảng về lí thuyết tập hợp và những nghịch lí của nó, thầy Tụy say sưa đến nỗi quên nghỉ giải lao, và chúng tôi cũng chỉ nhận ra cái đói (triền miên của thời sinh viên sơ tán) sau bài giảng kéo dài hai tiếng của thầy! Các bài giảng của thầy Tụy thành công có lẽ không chỉ vì cách trình bày bao giờ cũng rõ ràng, sâu sắc, biến mọi điều phức tạp thành dễ hiểu, mà chính là vì lòng say mê toán học đã truyền sang cho học sinh. Thầy Tụy nghiêm khắc với chính mình, và cũng dạy cho lớp trẻ biết nghiêm khắc với bản thân họ”.
Không chỉ nổi tiếng là một nhà toán học, Giáo sư Hoàng Tụy còn được biết đến là một người trăn trở cả đời cho giáo dục Việt Nam. Trong suốt mấy chục năm, theo chiều dài lịch sử, Giáo sư Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của khoa học, giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.
Giáo sư Hoàng Tụy - cây đại thụ ngành Toán học đã ra đi nhưng những cống hiến của ông cho Toán học và ngành Giáo dục nước nhà sẽ còn mãi mãi…
GS Hoàng Tụy đã có trên 100 công trình đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học; là tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980 - 1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế.
Với nhiều thành tựu xuất sắc, GS Hoàng Tụy được trao các danh hiệu như Tiến sĩ danh dự Trường ĐH Linkoping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011).