Từ thủa chân đạp đất, đầu đội trời
Tôi thường mơ có một căn nhà nho nhỏ
Bây giờ tôi đã có được nó
Tôi lại mơ về thời sáng đó, chiều đây
Bây giờ qua cửa sổ, mỗi ngày
Đến thăm tôi là ngọn gió ban mai từ biển cả
Là tiếng chim chiều chiều xác xao về tổ
Là ánh trăng sao những đêm sáng trăng sao
Những người khách hiền từ chẳng bao giờ làm tôi phải đau
Những người khách biết vỗ về tôi sau những chuyến hành trình mệt mỏi
Nỗi buồn mỗi tuổi một dài ra, niềm vui mỗi ngày một ngắn lại
Tôi ngồi tạc hình tôi bên cửa sổ nhà mình
Bao nhiêu điều được mất thủa đầu xanh?
Sợi tóc trắng vô tư rụng trên bàn phím
Cám ơn “khung cửa sổ mười bốn inch” giúp tôi ngày ngày nhìn ra cuộc đời rộng lớn
Để quên đi những phiền muộn quanh mình
Bên cửa sổ thấy lòng mình nhẹ thênh
Mình như có, mình như là chẳng có
Lạ kì thay những chiều như thế
Bỗng nhìn gì cũng thấy yêu thương.
Lê Huy Mậu
Lời bình của Đặng Toán
Hẳn khá nhiều người cũng từng có lúc mơ ước oái oăm, giống nhà thơ:
“Từ thủa chân đạp đất, đầu đội trời
Tôi thường mơ có một căn nhà nho nhỏ
Bây giờ tôi đã có được nó
Tôi lại ngồi mơ về thời sáng đó, chiều đây”.
Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng có thể mơ là được, ước là thấy. Vậy nên, nhiều khi đành phải chấp nhận “nhìn ra cuộc đời” qua “ô cửa sổ mỗi ngày”.
Rất may (và cả hạnh phúc), vẫn thường xuyên có “những vị khách hiền từ” luôn đến thăm tác giả. Những ngọn gió, tiếng chim, cả ánh trăng sao nữa đã vỗ về nhà thơ để cho bao nhiêu mỏi mệt tiêu tan.
Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì có lẽ cuộc sống rồi cũng sẽ mau chóng trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán, bởi “nỗi buồn mỗi tuổi một dài ra, niềm vui mỗi ngày một ngắn lại”.
Nhưng, lại thêm một may mắn nữa đem niềm vui đến cho tác giả: Nếu qua ô cửa sổ của ngôi nhà thực thể chỉ là thiên nhiên hiền lành nhỏ hẹp. Thì với “khung cửa sổ mười bốn inch” của thời buổi công nghệ thông tin, cả thế giới bỗng hiện lên trước mắt, thỏa sức mà khám phá, đê mê.
Sức nặng của bài thơ, có lẽ dồn cả vào hai khổ cuối:
“Bao nhiêu điều được mất thủa đầu xanh?
Sợi tóc trắng vô tư rụng trên bàn phím
Cám ơn “khung cửa sổ mười bốn inch” giúp tôi ngày ngày nhìn ra cuộc sống
Để quên đi những phiền muộn quanh mình
Bên cửa sổ thấy lòng mình nhẹ tênh
Mình như có mình như là chẳng có
Lạ kì thay những chiều như thế
Bỗng nhìn gì cũng thấy yêu thương”
Phải trải qua rất nhiều “những chuyến hành trình mệt mỏi” mới có thể nhận ra “bao nhiêu điều được mất thủa đầu xanh” cũng chỉ như “sợi tóc trắng vô tư rụng trên bàn phím”. Những chữ, những hình ảnh đối lập “bao nhiêu – sợi”, “được – mất”, “đầu xanh – tóc trắng”, cho thấy những gian nan, nhọc nhằn là không thể đo đếm được.
Tôi rất ấn tượng với câu thơ này “Mình như có mình như là chẳng có”. Ngoài cách điệp từ khá thú vị câu thơ vừa thực vừa như lời tự răn mình, lại cũng như một lời cảnh báo tế nhị với những ai đang mê say trong “thế giới ảo”. Có nhiều điều ngỡ giản đơn song nhiều khi phải trầy trật suốt cả một đời mới mơ hồ cảm nhận được.
Bằng cảm xúc chân thực, câu chữ đơn giản, mộc mạc, với lối thơ tự sự nhẹ nhàng, thủ thỉ, những nghĩ suy, những chiêm nghiệm của tác giả cứ từ từ thấm vào tâm hồn người đọc. Bài thơ là cái nhìn đầy yêu thương, nhân ái trước cuộc sống vốn còn nhiều tất bật, đua chen.