Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng bắn: Chiến thắng thuộc về ai?

GD&TĐ - Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngừng các hoạt động quân sự ở Syria trong 5 ngày kể từ nửa đêm 18/10, sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Erdogan và phái đoàn Mỹ do Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu. Điều kiện chính của Ankara là rút các lực lượng người Kurd khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và giải giáp vũ khí hạng nặng. Chỉ sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ mới sẵn sàng tuyên bố chấm dứt Chiến dịch Hòa bình.

Hội đàm Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara. Ảnh: Reuters
Hội đàm Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara. Ảnh: Reuters

Bất ngờ kết quả đàm phán Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc đàm phán Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài khoảng 4 giờ. Trước đó, rất ít người tin là sẽ thành công. Các hãng tin khẳng định một bầu không khí căng thẳng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Erdogan và phái đoàn Mỹ ở Ankara. Tuy nhiên, trước khi các cuộc đàm phán hoàn tất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter của mình: “Tin tức tuyệt vời từ Thổ Nhĩ Kỳ... Cảm ơn bạn, Tổng thống Erdogan”.

Còn nhớ, vào ngày 9/10, sau khi Mỹ rút quân khỏi vùng Đông - Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” chống lại lực lượng người Kurd. Washington đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt chống lại Ankara. Đồng thời, người Kurd tăng cường đối thoại chính thức với Damascus thông qua sự trung gian của Moscow. Ngay sau đó, một phần lãnh thổ do người Kurd kiểm soát đã đặt dưới sự kiểm soát của lực lượng chính phủ Syria.

“Hôm nay, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ngừng bắn ở Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đình chỉ hoạt động “Mùa xuân Hòa bình” để bảo đảm rút “Lực lượng tự vệ” khỏi vùng an toàn trong 120 giờ” - Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố. Ông Pence cũng nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiến hành các hoạt động quân sự ở thành phố Kobani và đồng ý về việc hợp tác để tạo ra một khu vực an ninh ở biên giới với Syria.

Theo ông Pence, Hoa Kỳ đã nhận được sự bảo đảm từ người Kurd ở Syria rằng họ sẵn sàng rời khỏi lãnh thổ đã thỏa thuận.

“Họ cảm thấy biết ơn và đã chấp nhận cơ hội ngừng bắn này để vào khu vực an toàn một cách có tổ chức”, ông Pence nói. Phó Tổng thống Mỹ bổ sung rằng, quân đội Hoa Kỳ sẽ không quay trở lại khu vực. Về phần mình, ông Donald Trump hứa rằng, Hoa Kỳ sẽ “theo dõi, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ” việc rút quân của người Kurd.

Hoa Kỳ chia sẻ với những lo ngại chính đáng liên quan đến an ninh biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố chung sau cuộc đàm phán ở Ankara nêu rõ. Trong tuyên bố chung khẳng định: Hai quốc gia “thừa nhận rằng, các sự kiện diễn ra trên mặt đất, đặc biệt là ở vùng Đông - Bắc Syria, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn dựa trên lợi ích chung”. Ngoài ra, tuyên bố chung thể hiện quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Đông - Bắc Syria.

Theo kết quả cuộc hội đàm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự sẵn sàng rút lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ankara ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu: “Lệnh ngừng bắn chỉ có thể xảy ra giữa hai bên hợp pháp”. Ảnh: Gurkiye
 Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu: “Lệnh ngừng bắn chỉ có thể xảy ra giữa hai bên hợp pháp”. Ảnh: Gurkiye 

Tất cả các bên đều chiến thắng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump lưu ý, chỉ 3 ngày trước đó, “thỏa thuận là không thể”. “Cần phải hành động cứng rắn, nhưng công bằng để đạt được điều đó”. Ông Trump đã viết trên Twitter, nói rõ với cử tri của mình rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý nhượng bộ dưới áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, Ankara tin rằng, chính họ mới là người chiến thắng.

“Chúng tôi đã đạt được mong muốn”, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Chavoshuglu cho biết. Đồng thời, ông Chavoshuglu nhấn mạnh “Hoa Kỳ đã chấp nhận các điều kiện của chúng tôi”.

Bộ trưởng Mevlut Chavoshuglu khẳng định, Ankara và Washington đã đồng ý giải giáp vũ khí hạng nặng của người Kurd, phá hủy các căn cứ và công sự của họ. Đây chính là những mục tiêu của Ankara khi bắt đầu chiến dịch quân sự “Mùa xuân Hòa bình” vào ngày 9/10. Ông Cavusoglu nhấn mạnh rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ở lại Syria.

Theo ông, việc đình chỉ hoạt động chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không phải là một lệnh ngừng bắn, vì “một lệnh ngừng bắn chỉ có thể xảy ra giữa hai lực lượng hợp pháp”. Trong khi đó, Ankara xếp Lực lượng Phòng vệ quốc gia người Kurd đang chiến đấu ở Syria, cũng như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) là những kẻ khủng bố.

Về phía mình, lực lượng người Kurd cho rằng, ngừng bắn là kết quả của sự kháng cự quyết liệt của họ.

“Chúng tôi đồng ý với lệnh ngừng bắn này. Đó là kết quả của sự kháng cự của người Kurd, Ả Rập, Assyria và áp lực từ cộng đồng quốc tế” - Chỉ huy trưởng Lực lượng Dân chủ Syria, Tướng Mazlum Abdi (Kobani) khẳng định. Ông Mazlum Abdi nhấn mạnh thêm rằng, người Kurd “sẽ không chấp nhận sự chiếm đóng và thay đổi nhân khẩu trong khu vực”.

Trong khi đó, ông Cavusoglu không vòng vo quanh chủ đề bức thư giật gân của ông Trump gửi cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Văn bản của lá thư ngày 9/10 xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vào ngày hôm trước, trong đó, Tổng thống Mỹ kêu gọi ông Erdogan “hãy dừng chơi trò ngốc nghếch”.

“Chúng tôi bắt đầu chiến dịch quân sự vào ngày 9/10 và đây là câu trả lời của chúng tôi cho bức thư của Donald Trump”, ông Cavusoglu khẳng định.

Ông Cavusoglu cũng phủ nhận tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng, Ankara đã hứa với Washington về vấn đề Kobani. “Chúng tôi không hứa rằng chúng tôi sẽ không vào Kobani hay bất cứ nơi nào khác”, ông Cavusoglu khẳng định.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Nga, vì trong thời gian qua, kể từ khi bắt đầu chiến dịch của nước này ở miền Bắc Syria, một phần khu vực do người Mỹ để lại nằm dưới sự kiểm soát của Damascus với sự tham gia của quân đội Nga. Cũng theo lời ông Cavusoglu thì chủ đề này sẽ được nêu ra trong chuyến thăm của Tổng thống Erdogan tới Sochi vào ngày 22/10 - thời điểm 120 giờ ngừng bắn được Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí sẽ hết hạn.

Theo các nguồn tin từ Syria, hơn một tuần qua, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình”, ít nhất 296 người Syria thiệt mạng, trong đó có 224 thành viên Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và 72 dân thường. Ngoài ra, hơn 300.000 người dân Syria phải rời khỏi nhà cửa đi sơ tán. Phía Thổ Nhĩ Kỳ có 26 người thiệt mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ