Cảm thụ văn học:

Thơ nhàn của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập

GD&TĐ - Thơ Nguyễn Trãi thường thể hiện tâm trạng của người coi thường danh lợi, không ham hố vinh hoa phú quý mà luôn luôn đề cao nhàn tản thảnh thơi.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Phạm vi bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ đó là Thơ nhàn trong “Quốc âm thi tập”.

Để hiểu rõ về thơ nhàn của Nguyễn Trãi, trước hết bởi ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học nhiều đời. Tư tưởng Nho giáo đã được Nguyễn Trãi thấm nhuần từ khi còn rất nhỏ. Văn học trung đại Việt Nam chịu sự chi phối mạnh mẽ của Nho giáo. Vì vậy, việc tiếp cận loại hình tác giả nhà Nho là rất cần thiết trong việc tiếp cận thơ ca trung đại nói chung và thơ ca Nguyễn Trãi nói riêng.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã từng đề cập các mẫu hình nhà Nho với ba kiểu nhà Nho đặc trưng là: Nhà Nho hành đạo, nhà Nho ẩn dật và nhà Nho tài tử. Nguyễn Trãi cơ bản là nhà Nho hành đạo (gắn với chặng học hành, thi cử, đỗ đạt, làm quan). Tuy nhiên, hình bóng nhà Nho ẩn dật vẫn thấp thoáng đâu đó trong tập thơ Nôm có giá trị này, nhất là mảng thơ nhàn, kể cả những sáng tác khi làm quan cũng như những sáng tác khi Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn bởi không được tin dùng.

Quốc âm thi tập gồm 254 bài chia nhiều phần như Vô đề, Môn thời lệnh, Môn hoa mộc, Môn cầm thú… tập hợp các bài thơ chữ Nôm chủ yếu viết theo thể Thất ngôn bát cú, Thất ngôn xen lục ngôn và tứ tuyệt, được sáng tác trong khoảng thời gian khá dài. Trong tập thơ nhiều lần Nguyễn Trãi thể hiện thú nhàn nhất là các mục Thuật hứng, Tự thán, Tự thuật, Mạn thuật, Trần tình, Bảo kính cảnh giới.

Tượng đài Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT
Tượng đài Nguyễn Trãi ở Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Nhàn là sống gần gũi, hòa hợp với tự nhiên

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi vô cùng phong phú, sinh động, điều đó cũng có nghĩa nhà thơ luôn gần gũi, chan hòa với thiên nhiên. Điều đáng nói là thiên nhiên cơ bản đã vượt khỏi những công thức ước lệ, tượng trưng của thơ ca Trung đại để trở nên gần gũi, bình dị, mang vẻ mộc mạc của thôn quê. Nguyễn Trãi đưa vào thơ những mồng tơi, rau muống, rau rút, rảnh mùng, hoàng tinh, cây mận, cây đa, cây chuối, cây mía, cùng hoa hòe, hoa lựu, núc nác, mẫu đơn…

Cùng với đó là núi, mây, ao, đìa, am, vườn… tất cả nhằm tạo một không gian phóng khoáng, rộng lớn phù hợp với một tâm hồn phóng khoáng, tự tại. Những thi liệu đó gắn liền với cuộc sống của một người nhàn tản, tự cày ruộng để ăn, đào giếng để uống, chỉ nhìn hoa nở mà biết thời lịch giống như các nhà Nho ẩn dật bao đời:

Một cày một cuốc thú nhà quê,

Áng cúc lan chen vãi đậu kê.

Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng,

Chè tiên nước kín nguyệt đeo về.

Thuật hứng bài 3

Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc,

Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa.

Ngôn chí, bài 17

Trong mục Ngôn chí (21 bài) và Mạn thuật (14 bài) có tới hàng chục lần Nguyễn Trãi đề cập đến nhàn, đến thời gian rảnh rỗi không vướng bận chính sự cùng với đó là đêm thanh, ngày vắng, bóng trăng, tùng, cúc, trúc, mai, lều cỏ, con thuyền… khiến người đọc nghĩ đến cuộc sống thanh nhàn của nhà Nho ẩn dật với một phong thái ung dung, tự tại Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/ Trông thế giới phút chim bay đang thả hồn mình vào thiên nhiên để quên bao phiền muộn cuộc đời:

Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén,

Ngày vắng xem hoa bợ cây.

Ngôn chí, bài 10

Quét trúc bước qua lòng suối,

Thưởng mai về đạp bóng trăng.

Ngôn chí, bài 15

Cây rợp tán che am mát,

Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.

Ngôn chí, bài 20

Khi viết thơ nhàn, Nguyễn Trãi không thể không nhắc đến những những người nhàn dật trong sách vở xưa đã trở thành những điển cố, điển tích như Hứa Do, Sào Phủ, Nhan Uyên, Gia Cát Lượng… Có điều những điển cố, điển tích ấy được đưa vào thơ một cách khéo léo, kỹ thuật giúp câu thơ đọc lên vẫn gần gũi, dễ hiểu mà cô đọng, hàm súc cũng như thể hiện tư tưởng nhà của nhà thơ.

Chẳng hạn Nguyễn Trãi nhắc nhiều đến lều cỏ, am cỏ, ba gian lều cỏ đất Nam Dương là lấy từ Xuất sư biểu của Khổng Minh với hàm ý ta chẳng cầu danh lợi chỉ muốn như Khổng Minh được sống ở lều cỏ đất Nam Dương (Văn đạt chẳng cầu, yên mỗ phận/ Ba gian lều cỏ đất Nam Dương) trong Bảo kính cảnh giới bài 30. Nguyễn Trãi nhận muốn trở về cuộc sống thuần phác thời Hứa Do, Sào Phủ, Lâm Bô với cơm xoa, nước suối, giầy cỏ, đệm rêu, thuần phác mà thanh tao trong sự trở về với tự nhiên, mà vẫn nhàn đàm đạo Khổng, Chu:

Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào Hứa,

Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu.

Ngôn chí, bài 14

Ngày nhàn mở quyển xem Chu Dịch,

Ðêm vắng tìm mai bạn Lão Bô.

Ngôn chí, bài 14

Bìa tác phẩm “Quốc âm thi tập”. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam

Bìa tác phẩm “Quốc âm thi tập”. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam

Nhàn là không màng danh lợi

Cuộc đời sự nghiệp của Nguyễn Trãi gắn với một giai đoạn lịch sử đầy biến động khi nhà Trần (họ Ngoại của Nguyễn Trãi) bắt đầu suy yếu và chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Nhà Hồ lên nắm quyền trong thời gian ngắn nhưng cơ bản không được sự ủng hộ của nhân dân. Giặc Minh sang xâm lược và thi hành những chính sách cai trị thâm độc, tàn bạo, nhà Lê đánh thắng quân Minh và lên nắm quyền.

Nguyễn Trãi được giáo dục theo con đường của một hho sinh ngay từ nhỏ, 20 tuổi đỗ Thái học sinh, hai cha con cùng ra làm quan nhà Hồ. Khi nhà Hồ sụp đổ ông nghe theo lời cha tìm vào Lam Sơn giúp Lê Lợi khởi nghĩa và trở thành vị quân sư mưu lược. Sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi nhưng Nguyễn Trãi cũng chỉ giữ chức vụ khiêm tốn, rồi triều đình xảy ra lục đục, nhiều kẻ gian thần lộng hành, bản thân Nguyễn Trãi cũng bị chèn ép rồi không được tin dùng.

Nguyễn Trãi là người nuôi lý tưởng trí quân trạch dân, suốt đời nghĩ đến nhân dân nên làm quan là cách để thực hiện lý tưởng nhân nghĩa, để giúp cho dân chứ không hề mưu cầu danh lợi nhằm vinh thân phì gia. Trong tập thơ Nguyễn Trãi thường thể hiện tâm trạng của người coi thường danh lợi, không ham hố vinh hoa phú quý mà luôn luôn đề cao nhàn tản thảnh thơi:

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng,

Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu.

Dưới công danh đeo khổ nhục,

Trong dại dột có phong lưu.

Ngôn chí, bài 3

Phú quý chẳng tham thanh tựa nước,

Lòng nào vạy vọ hơi hơi.

Ngôn chí, bài 21

Lý tưởng của Nguyễn Trãi luôn luôn là thanh nhàn, không bị lợi danh vây bọc, chi phối (Có thân chớ phải lợi danh vây), một phút thanh nhàn còn đáng giá hơn ngàn vàng. Như vậy nhàn không chỉ là xa danh lợi, quyền quý mà còn không vướng bận triều chính, thị phi.

Có lúc Nguyễn Trãi ví mình như ông thầy chùa, không mảy may thế sự giữa khung cảnh thanh tao thoát tục (Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa thầy) hay giống các nhà Nho ẩn dật xưa vui thú nơi hang cùng suối vắng, bữa ăn đạm bạc dưa muối, áo chẳng cầu gấm là, khi thả gửi ao quan bè muống, ương nhờ đất Bụt rảnh mùng, suốt ngày hái cúc, ương lan, làm bạn với núi, chim, rùa, hạc, nguyệt, mây… xem công danh phú quý như mây nổi, như giấc chiêm bao:

Thu song vắng vẻ nhàn vô sự,

Tai chẳng còn nghe tiếng thị phi.

Thuật hứng, bài 12

Công danh đã được hợp về nhàn,

Lành dữ âu chi thế ngợi khen.

Ao cạn vớt bèo cấy muống,

Trì thanh phát cỏ ương sen.

Thuật hứng, bài 24

Thấy nguyệt tròn khi kề tháng,

Nhìn hoa nở mới hay xuân.

Cày ăn đào uống yên đòi phận,

Sự thế chăng hay đã Hán Tần.

Tự thán, bài 32

Sau khi chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi nhưng chẳng bao lâu, Nguyễn Trãi và nhiều người đã không được tin dùng, có khi bị gièm pha, đố kị, nghi ngờ dẫn đến kết cục Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn trẫm mình, Thái úy Phạm Văn Xảo bị chém, bản thân Nguyễn Trãi bị bắt giam, rồi sau đó được trả tự do, về sống đời nhàn dật ở Côn Sơn khoảng hơn mười năm.

Đến khi Lê Thái Tông lên ngôi, Nguyễn Trãi mới được bổ dụng trở lại. Khoảng thời gian ở Côn Sơn ông đã sáng tác những tác phẩm tiêu biểu như Bài ca Côn Sơn, cũng như nhiều bài trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập. Mặc dù cuộc đời có nhiều chuyện buồn nhưng Nguyễn Trãi vẫn gác lại những tâm sự riêng của mình để vui với niềm vui của dân chúng trong cảnh thái bình, điều đó cho ta thấy tấm lòng yêu thương dân của thi nhân cao cả biết nhường nào.

Trở về Côn Sơn là trở về quê cha đất tổ, là Được về ở thú điền viên, được gần gũi với nhân dân, được thảnh thơi hóng mát, ngâm thơ chứ không chán chường vì không còn được tin dùng:

Phú quý thì nhiều kẻ đến chen,

Uốn đòi thế thái tính chưa quen.

Cơm ăn miễn có, dầu xoa bạc,

Áo mặc âu chi, quản cũ đen.

Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa,

Tạc tỉnh canh điền tự tại nhàn.

Bảo kính cảnh giới, bài 13

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Bảo kính cảnh giới, bài 43

Bài Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) 43 được đưa vào chương trình Ngữ văn 10 trước đây cũng như hiện nay (Ngữ văn 10, bộ Cánh diều), có thể nói Nguyễn Trãi đã phác họa một bức tranh ngày hè vô cùng sinh động trong một hoàn cảnh lý tưởng của cuộc đời: Rồi hóng mát thuở ngày trường để làm thơ, ngắm cảnh.

Những tán hòe xanh lục bao trùm khoảng không xanh mát, màu đỏ của hoa thạch lựu phun trào bên hiên, sen ngoài ao ngát hương, tiếng ve inh ỏi. Đặc biệt, âm thanh lao xao chợ cá từ làng chài xa dội lại trong lòng khiến Nguyễn Trãi hân hoan, vui sướng và ao ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ca cảnh đời thái bình, thịnh trị. Với Nguyễn Trãi nhàn còn gắn liền với dân, mong nhân dân được giàu đủ, yên vui: Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Nhàn là diễn ngôn của Nguyễn Trãi

Như vậy, có thể khẳng định mảng thơ Nhàn là một nội dung quan trọng trong Quốc âm thi tập, tư tưởng ấy xuất hiện trở đi trở lại trong rất nhiều bài mục khác nhau. Điều đó một lần nữa giúp chúng ta có thể khẳng định nhàn là diễn ngôn quan trọng của Nguyễn Trãi như các nhà lý thuyết hiện đại đề cập.

Điều đó cũng phù hợp với quan niệm khá phổ biến chi phối Văn học thời Trung đại: Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí. Diễn ngôn đó nói lên vẻ đẹp tâm hồn của thi nhân, một con người gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, có cuộc sống đạm bạc, hài hòa với tự nhiên, coi thường danh lợi, quên những phiền muộn của cuộc đời để vui với niềm vui của nhân dân.

Vẻ đẹp tâm hồn ấy cao cả biết nhường nào, đúng như Lê Thánh Tông ca ngợi: Ức Trai tâm thường quang Khuê tảo (Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê). Tuy nhiên cũng cần lưu ý nhàn cũng chỉ là cách nói, con người ấy suốt cuộc đời nghĩ đến dân, đến nước thì thân không nhàn mà tâm lại càng không nhàn: Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Đó chính là tấm lòng của một con người lo cho nước thương cho dân như nước triều Đông đêm ngày cuồn cuộn.

Để khép lại bài viết nhỏ này, chúng tôi xin mượn lời nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương: “Nguyễn Trãi nổi bật lên như một đỉnh cao kì vĩ, một nhân cách văn hóa lỗi lạc và một thiên tài toàn diện, đổ bóng xuống toàn bộ chặng đường tiếp theo của Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ