Thổ cẩm bắc cầu cho thời trang Việt vươn ra thế giới

GD&TĐ - Mới đây, bộ sưu tập thời trang được thiết kế trên nền chất liệu thổ cẩm của NTK Minh Hạnh đã giành được nhiều thiện cảm của quan khách tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Geneve, Thụy Sỹ. Một lần nữa, thời trang lại đóng vai trò là đại sứ văn hóa, bắc cây cầu giao lưu thân thiện giữa Việt Nam và bạn bè thế giới.

Thông qua bộ sưu tập thổ cẩm, NTK Minh Hạnh đã giới thiêu một cách sinh động nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Thông qua bộ sưu tập thổ cẩm, NTK Minh Hạnh đã giới thiêu một cách sinh động nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Chất liệu truyền thống là thế mạnh thời trang Việt

Thời trang Việt cũng từng có nhiều hoạt động nhằm quảng bá chất liệu truyền thống đến bạn bè thế giới. Nổi bật phải kể đến Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới đã được tổ chức từ ngày 12 đến 13-6 tại Làng Lụa Hội An và Khu phố cổ Hội An.

Đây là một lễ hội đặc biệt trong khuôn khổ Hành trình Di sản Văn hóa Quảng Nam 2017, đồng thời cũng là hoạt động của Hiệp hội Tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa Châu Á tại Việt Nam.

Chương trình có sự tham gia của các quốc gia: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Brazil; các tổ chức như Hiệp hội tơ lụa Châu Á, Hiệp hội tơ lụa thế giới, Học viện Mêkông Thái Lan; cùng gần 20 làng nghề tơ lụa và cơ sở dệt lụa trong nước.

Lần đầu tiên, một chương trình về lụa với sự tham dự từ hơn 8 nước có nền dệt lụa nổi tiếng trên thế giới tề tựu tại Làng lụa và khu phố cổ Hội An.

Đây không chỉ là chương trình xúc tiến du lịch mà thông qua đó còn góp phần vực dậy nghề ươm tơ dệt lụa đã mai một tại nhiều địa phương trên cả nước. Sứ mệnh của lụa là mang những cái tên Mã Châu, Vạn Phúc, Hà Đông đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Cùng với lụa, thổ cẩm từ lâu đã từng đi chinh phục nhiều kinh đô thời trang trên thế giới. Mới đây là sự kiện "Ngày Việt Nam" tổ chức tối 19/9 tại Văn phòng dự án "Ngôi nhà Việt" ở trung tâm Paris. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem đến bộ sưu tập có tên "Hơi thở từ núi rừng Việt Nam" gồm các mẫu thiết kế áo dài và trang phục đương đại trên nền chất liệu thổ cẩm của hai dân tộc Mông và Cơ tu.

Đồng hành cùng NTK Minh Hạnh là hoa hậu Ngọc Hân cùng dàn người mẫu chuyên nghiệp và hai nghệ nhân dệt truyền thống Vàng Thị Mai và Hồ Thị Hợp với trọng trách giới thiệu với công chúng Pháp vẻ đẹp tinh tế của thời trang Việt Nam, đồng thời cũng quảng bá cho văn hóa và du lịch Việt Nam tại Pháp.

Bộ sưu tập được thiết kế từ vải thổ cẩm dệt tay thêu nổi của các dân tộc thiểu số kết hợp với vải sợi thô, lụa tơ tằm hoặc vải xuyên thấu tùy theo từng trang phục đã đem đến những cảm giác mới lạ cho khán giả có mặt tại buổi lễ về thời trang Việt giàu bản sắc.

Trao đổi về lý do đem thổ cẩm, một mặt hàng thủ công của đồng bào thiểu số đến chinh phục xứ người, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết thổ cẩm là máu thịt đối với chị, và khi đến một kinh đô thời trang như Paris, điều đầu tiên cần giới thiệu đó là vốn quý của Việt Nam mà thổ cẩm chính là gia tài và vốn quý đó.

Không chỉ giới thiệu những trang phục ấn tượng, đẹp mắt, nhà thiết kế Minh Hạnh còn đem đến trời Tây các mẫu thời trang áo dài vừa truyền thống vừa hiện đại nhằm tôn vinh chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam và nghề thủ công dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhà thiết kế mong muốn thông qua qua các sự kiện văn hóa mà đoàn tham dự tại Paris, chị hy vọng tạo được một cái nhìn mới về Việt Nam ngày hôm nay.

Áo dài và thổ cẩm là... đủ

Tiếp nối sự kiện "Ngày Việt Nam" tại Paris, Nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục giới thiệu bộ sưu tập thời trang thổ cẩm Việt Nam với quan chức ngoại giao và công chúng Thụy Sỹ. Hoạt động thời trang này nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, hoạt động diễn ra tại Palais des Nations (Cung điện các quốc gia) thuộc trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneve - Thụy Sỹ.

Có thể nói, sự thành công của thời trang Việt trong những chuyến xuất ngoại bắt nguồn từ chất liệu truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam với ý nghĩa sâu sắc từ cuộc sống trên những vùng cao. Với ngôn ngữ riêng, trang phục riêng.

Họ sinh sống bằng nghề làm ruộng, tự dệt vải từ những loại cây lanh, cây bông, cây dâu và nuôi tằm. Công cụ dệt rất thô sơ, họ tự làm ra khung dệt. Nhuộm vải từ những cây, lá, củ trong rừng. Với ý nghĩa của thổ cẩm, NTK Minh Hạnh diễn đạt chân dung của thời trang Việt Nam ngày hôm nay và tương lai bằng những khuynh hướng thời đại.

Thông qua bộ sưu tập thổ cẩm, NTK Minh Hạnh đã giới thiêu một cách sinh động nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Rất lý thú và được đánh giá cao là sắc màu thổ cẩm Việt đã trở thành thời trang hiện đại được dư luận đánh giá cao. Sau buổi biểu diễn, nhiều người muốn đặt hàng, nhiều hãng thời trang tìm liên hệ kết nối.

Khái niệm về vải thổ cẩm cũng được NTK Minh Hạnh trao đổi khá tỉ mỉ ngay tại buổi biểu diễn: "Dệt vải cũng chính là một sinh hoạt văn hóa truyền thống bám rất chắc vào cuộc sống cộng đồng, được sinh ra từ một yêu cầu cụ thể của cuộc sống. Họ biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải.

Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nền nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt.

Hoa văn ngoài biểu hiện tâm tư tình cảm thì đối với các cô gái còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh. Người giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái được mẹ tặng cho bộ váy áo, như của hồi môn.

Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tặng mẹ đẻ và mẹ chồng. Váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ... Nghệ thuật tạo hình dân gian trên trang phục phản ánh bản chất tốt bụng, hiếu khách, trung thực, thẳng thắn, bản lĩnh, vừa mạnh mẽ, vừa giàu tình cảm; phóng khoáng, vô tư chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trên vùng cao".

Trong một cuộc trò chuyện trước đây, NTK Minh Hạnh từng nói: "Nhiều người đã hỏi rằng, dường như Minh Hạnh chẳng có gì ngoài áo dài cùng thổ cẩm… Và tôi đã trả lời "Nếu được khẳng định Minh Hạnh chỉ có áo dài và thổ cẩm thôi, là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Tôi nghĩ như thế là quá đủ cho một NTK thời trang Việt Nam".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ