Nằm trong chuỗi sự kiện Fastival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, được tổ chức từ ngày 11-13/6/2017 tại huyện Tây Giang, với sự tham gia của 18 dân tộc thiểu số đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Cơlâu Bh’lao(74 tuổi), thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam), thành viên của đoàn xã Tr’Hy tham gia “Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” cho biết:
Cây nêu(x"nur) người Cơtu thường gọi là cột buộc trâu hiến tế mỗi khi làng tổ chức lễ hội, là vật thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến tế mừng đám cưới... thường gọi là cột buộc trâu hiến tế mỗi khi làng tổ chức lễ hội.
Cây nêu được trang trí thành 3 phần: đế, thân và ngọn. Phần đế và thân thường là 1 khúc gỗ to, phần ngọn là một ống lồ ô to để nối phần thân và ngọn, thường không trang trí họa tiết. Thông thường, cây nêu cao khoảng 5m và trang trí với họa tiết, hoa văn, màu sắc gần gũi thiên nhiên và con người và bao giờ nó cũng được dựng vào buổi sáng sớm.
Một cột x’nur dùng để cột con trâu đã được những người Cơtu lớn tuổi, am hiểu phong tục-tập quán, có kinh nghiệm, thể hiện một cách tỉ mỹ và công phu. Cột x’nur được trang trí hoa văn với 3 màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ thể hiện tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống nguồn gốc dân tộc, cầu mong cho buôn làng Cơtu luôn trường tồn...
Được biết, cách lễ hội khoảng 1 tháng, những thanh niên Cơtu khỏe mạnh, khéo léo trong làng được hội đồng già làng tuyển chọn vào rừng đi tìm cây và lồ ô để làm cây nêu. Cây nêu cũng có thể từ cây chò, mọc thẳng, không bị dây bò quấn hoặc bị kiến đục lỗ trên thân.
Cây nêu, bàn lễ và cột buộc trâu của người Cơtu là những cây tre và cây thân gỗ được những nghệ nhân dân gian Cơtu trang trí, đặt tại nơi hành lễ, trước sân nhà làng. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, bàn lễ và cột buộc trâu còn có tác dụng như một điểm đánh dấu vị trí trọng tâm cho những người tham gia lễ hội.
Theo quan niệm của người Cơtu, trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang ha ro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơtu trong điệu múa dá dá và Giương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh. Cũng ngay giữa thân cột, người Cơtu thường khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới.
Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành cái phễu ngửa lên trời, nơi chứa cái đuôi trâu hay con gà sống mà già làng ném lên trên sau khi kết thúc nghi thức hiến sinh (đâm trâu).
Người Cơtu xem đây như là một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Ngoài ra còn nhiều thứ dùng để trang trí phụ họa cho cột x"nur là 2 cây lồ ô cao vút, còn ngọn và lá ở 2 phía đối xứng, võng cong xuống gần chiếc phễu. Cùng với đó là các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.
Ông Cơlâu Bh’lao cho biết thêm: Cây nêu, bàn lễ là một biểu tượng trung tâm của các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơtu. Xét về phương diện tinh thần, đây là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh thông qua các nghi lễ cầu cúng-hiến tế. Còn về phương diện nghệ thuật, đây là một sản phẩm điêu khắc dân gian mà các nghệ nhân Cơtu đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung cũng như hình thức.
Theo truyền thống trước khi làm lễ đâm trâu, cột đâm trâu được chôn chắc chắn trước sân. Đồng bào dùng nhiều loại dây như dây thừng, dây mây lớn để cột trâu. Con trâu lượn quanh sân bởi dây cột trâu được cột quanh vòng x’nur. Theo truyền thống, trước khi làm lễ đâm trâu, con vật hiến tế này bao giờ cũng được tắm rửa sạch sẽ và ăn thật no.
Trong nghi lễ đâm trâu và cúng hồn lúa, già làng cùng đội cồng chiêng, đội múa đi vòng quanh cây nêu, ngược chiều kim đồng hồ để chơi bài tiễn biệt trâu (khóc trâu). Sau đó là lễ cúng hồn lúa. Phía trong cách cột buộc trâu bao giờ cũng được dựng một nhà cúng (ganâu) rộng khoảng 4-5m2, bao bọc bằng những tấm tuốt, tấm choàng bằng vải thổ cẩm.
Ngay giữa sàn cúng đặt 1 mâm lễ gồm: 1 con gà luộc chín, 1 đầu heo, 1 con sóc nướng, 1 ống cá liêng nướng, 1 con ếch nướng, rượu tà vạt, rượu tà đin, bánh cuốt, 2 ống cơm lam... Chủ lễ và các bậc cao niên có uy tín am hiểu phong tục-tập quán tập trung khấn cúng Thần linh. Đàn ông, phụ nữ và cả những em nhỏ Cơtu đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất.
Chủ lễ thắp 1 bó nhang, chắp hai tay trước mặt gọi hồn lúa về nhận lễ vật và lắng nghe lời thỉnh cầu của mọi người trong làng, dùng chỉ buộc vào cây lúa, lấy nước tưới lên bó lúa để hồn lúa được sạch sẽ. Sau nghi thức, chủ lễ mời mọi người, đặc biệt là những người lớn tuổi, các vị uy tín trong cộng đồng lần lượt lên cúng lúa.
Xong các nghi thức, chủ lễ cử ra một chàng trai khỏe mạnh để đâm trâu. Chủ lễ trao cho chàng trai một cây giáo, người này nhảy múa bên cây nêu, cột trâu trong tiếng hò reo phấn khích của mọi người, tiếng cồng, chiêng thúc giục.
Chàng thanh niên đâm mũi lao vào thẳng tim trâu, hai thanh niên khác chặt vào khuỷu chân trâu đến khi con trâu ngã xuống. Khi trâu chết, chủ lễ lấy máu trâu bôi lên cây nêu. Những tấm dồ, tấm tuốt đẹp nhất cũng được đắp lên mình trâu, các loại bánh, cơm lam, trái cây, chuối chín, gà, vịt, gạo... cũng được bỏ vào chỗ miệng trâu như hàm ý khi trâu chết về thế giới bên kia cũng được no đủ.
Những người tham dự lần lượt đến chỗ trâu tự lấy các loại bánh, cơm lam, chuối để ăn, máu trâu cũng được họ bôi lên trán với ước nguyện sức khỏe luôn dồi dào, gia đình hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết và thương yêu nhau, làm ăn no đủ...
Đến lượt, chủ lễ cắt lấy chót của đuôi trâu cùng với một con gà trống còn sống mang cúng thần linh để báo tin trâu ngã quỵ thành công. Cả con gà và đuôi trâu được những người già có uy tín nhất cầm và ném tung lên đúng vào chiếc phễu trên đầu cột x’nur. Dân làng reo vui, mừng cho điềm lành và thắng lợi rồi hân hoan mời khách quý cùng vui với dân làng.
Sau lễ hội, người Cơtu không phân biệt gái trai, giàu nghèo, chủ hay khách... cùng nhau quây quần uống rượu cần, thưởng thức các món ăn truyền thống mà họ tự chế biến và nhảy múa tung tung, da dá trên nền nhạc cồng chiêng, trống và các loại nhạc cụ khác.
Cuộc vui có thể kéo dài đến tận khuya, rồi họ cùng chia tay ra về để chuẩn bị một ngày mới trên nương rẫy của mình và hẹn gặp lại mùa lễ hội năm sau.
Trải qua bao thế hệ, cây nêu đã in sâu vào trong tiềm thức mỗi người Cơtu vùng núi Quảng Nam. Hình tượng cây nêu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong các thành viên trong gia đình bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cây nêu còn có tác dụng như một trung tâm cho những người tham gia lễ hội mà còn thể hiện bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của những nghệ nhân dân gian Cơtu làm nên những bức tranh nghệ thuật sinh động, miêu tả cuộc sống hằng ngày của người Cơtu.