Buồn, vui trên con đường gốm sứ

GD&TĐ - Con đường gốm sứ chạy ven đê sông Hồng đã được sách kỷ lục thế giới Guinness vinh danh và cũng từng là một trong những công trình trọng điểm chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010, từng được coi là niềm tự hào của Thủ đô. Tuy nhiên, niềm tự hào này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Con đường gốm sứ từng lung linh như thế này.
Con đường gốm sứ từng lung linh như thế này.

Chưa làm xong đã... phá xong

Có thể nói, sự “hoành tráng” của Con đường gốm sứ hẳn ai cũng đã nhìn thấy và phải công nhận, sự đa dạng của các bức tranh gốm sứ không chỉ làm đẹp cho con đường dọc đê, mà còn làm cho Thủ đô của chúng ta đẹp và ấn tượng hơn rất nhiều.

Tác phẩm này ghi lại tất cả những gì tinh hoa của Hà Nội, dòng chảy lịch sử từ thời kỳ Đông Sơn qua các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Những nét văn hóa được trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm của 54 dân tộc anh em.

Những biểu tượng của Hà Nội như cầu Long Biên, Tháp Rùa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột… hay những bức tranh của nghệ sĩ trên khắp mọi miền tổ quốc và cả của những em nhỏ đang tập vẽ, tập tô đều được tái hiện trên tác phẩm kỉ lục này.

Từ khi Con đường gốm sứ ra đời, không chỉ khách du lịch quốc tế, mà còn có rất nhiều khách trong nước từ mọi vùng miền về thăm Thủ đô cũng không mấy ai bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật gốm sứ độc đáo mà bao con người đã làm nên.

Hầu như ai cũng thấy vui, cũng xuýt xoa vì vẻ đẹp của con đường, cùng lòng ngưỡng mộ sự tài tình của những con người đã làm nên vẻ đẹp cho Thăng Long- Hà Nội hôm nay và lưu truyền cho mai sau.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nói về con đường gốm sứ : “Tôi cho đây là một ý tưởng hay, là một sáng kiến. Có thể nói cao hơn nữa thậm chí là một phát kiến...” Quả thật, con đường dài gần 4km bao quanh đê sông Hồng đã giữ lại một phần tinh hoa cho Hà Nội, để Hà Nội ngày một đẹp hơn, lắng sâu hơn, nhưng...

Có lẽ những người yêu văn hóa nghệ thuật không khỏi xót xa khi trước thềm Đại lễ 1000 năm, Con đường gốm sứ dù chưa chính thức hoàn thành nhưng đã ngổn ngang rác thải, người ta "hô biến" nó thành điểm tập kết hàng rong, quán nước, thậm chí "giải quyết nỗi buồn". Màu gốm vốn tươi sáng ngay lập tức bị hoen ố, ngả màu bẩn cùng mùi khó chịu bốc lên nồng nặc.

Bị đối xử tàn tệ, chỉ sau một thời gian “đưa vào sử dụng”, con đường gốm sứ đã nhanh chóng xuống cấp, nhiều mảnh gốm trên các bức tranh bị bong tróc, sứt mẻ. Tác nhân không ai khác lại chính là con người - những công dân lâu nay được tiếng là văn minh, lịch thiệp.

Nghệ thuật cần được tôn trọng

Nhưng người ta đã "hô biến" nó thành điểm tập kết hàng rong, quán nước, thậm chí "giải quyết nỗi buồn".
Nhưng người ta đã "hô biến" nó thành điểm tập kết hàng rong, quán nước, thậm chí "giải quyết nỗi buồn".
 

Trước tình hình nghiêm trọng này, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6223/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án sửa chữa, bảo dưỡng con đường gốm sứ ven sông Hồng.

Cụ thể, dự án có tổng giá trị 2,572 tỷ đồng, bao gồm 4 gói thầu: Toàn bộ phần xây lắp của dự án; Lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu xây lắp; Giám sát thi công gói thầu xây lắp; Bảo hiểm công trình.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao chủ đầu tư là Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về nội dung trình duyệt (bao gồm cả tính chính xác về số lượng và chất lượng) theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các quy định có liên quan của pháp luật.

Gần đây, niềm vui cũng đã trở lại với con đường gốm sứ. Cụ thể, sáng 18-9, đúng ngày quốc khánh Chile, tại Hà Nội, lễ khánh thành đoạn tranh gốm Chile do họa sĩ nổi tiếng thế giới Alejandro Mono Gonzalez thiết kế đã diễn ra. Đoạn tranh dài 10m, cao 2,3m, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Chile và suy nghĩ của họa sĩ Alejandro Gonzalez về những điều tốt đẹp mà các nước cộng sản phấn đấu vươn tới.

Bức tranh tường mang màu sắc tươi sáng, kêu gọi mọi người xích lại gần nhau, tiếp nối bức tranh khắc họa người anh hùng Simon Bolivar của Venezuela tại đường đê Âu Cơ giao với đường Xuân Diệu (gần chợ hoa Quảng An, Hà Nội).

Đoạn tranh Chile dài 10m, cao 2,3m của họa sĩ nổi tiếng thế giới Alejandro Mono Gonzalez thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Chile.
Đoạn tranh Chile dài 10m, cao 2,3m của họa sĩ nổi tiếng thế giới Alejandro Mono Gonzalez thể hiện tình hữu nghị Việt Nam – Chile.
 

Người yêu nghệ thuật biết đến họa sĩ Alejandro Mono Gonzalez bởi các tác phẩm tranh tường cỡ lớn trang trí các không gian công cộng nổi bật ở Chile và nhiều nước trên thế giới như ở Argentina, Ecuador, Peru, Cuba, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ukraine, Trung Quốc và bây giờ là Việt Nam.

Là một nghệ sĩ luôn trăn trở với những vấn đề của xã hội, vận mệnh của dân tộc, họa sĩ Alejandro Gonzalez luôn chuyển tải lên các tác phẩm tranh tường của ông những thông điệp đến mọi người về những khát vọng tươi sáng, giàu tính nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.

Trên Con đường gốm sứ của Hà Nội, họa sĩ Alejandro Mono Gonzalez sử dụng bút pháp khỏe khoắn, mạnh mẽ, tác phẩm hoành tráng này cho thấy một sự tổng hợp các biểu tượng để mô tả lịch sử của các phong trào xã hội ở Chile.

Tranh của Alejandro Gonzalez nói về tình yêu, cái chết, công việc, cuộc cách mạng, bản sắc, sự gợi cảm và sức sống, chứa đựng sức mạnh có khả năng khơi gợi lịch sử. Trong khoảng thời gian ghé thăm tại Hà Nội, họa sĩ Alejandro Gonzalez còn có các hoạt động giao lưu với các họa sĩ Thủ đô, trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ