Người lưu giữ sắc màu văn hóa Chăm

GD&TĐ - Giới họa sĩ và công chúng yêu hội họa bắt đầu biết đến nữ họa sĩ người dân tộc Chăm Chế Kim Trung từ những năm đầu của thế kỷ 21. Sự xuất hiện của chị được đánh giá là một hiện tượng hội họa của cộng đồng dân tộc Chăm.

Họa sĩ Chế Kim Trung đang say mê thể hiện tác phẩm
Họa sĩ Chế Kim Trung đang say mê thể hiện tác phẩm

Năm 2005, Chế Kim Trung trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và từ đó đến nay dường như năm nào cũng có tác phẩm hội họa nhận được giải thưởng lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á. Tuy gia đình không có truyền thống hoạt động nghệ thuật nhưng Chế Kim Trung có năng khiếu hội họa trời phú. Ngay từ nhỏ, chị đã mê vẽ và vẽ tất cả những gì mà chị thích như hoa, chim, gà, mèo, trâu, bò… với những nét vẽ giản đơn được vạch bằng cành cây khô hay mảnh ngói vỡ trên đất, trên cát, trên cả tường nhà.

Niềm đam mê và khát khao được vẽ cứ thế thôi thúc chị đeo đuổi đến cùng nghệ thuật hội họa. Chính vì thế ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị đã quyết định thi vào Khoa Sử - Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm, tiếp đó theo học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM (2002).

 Tác phẩm Múa Chăm 

Năm 2013, sau hơn 10 năm sáng tác chuyên nghiệp và nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật danh giá trong nước và quốc tế, chị đã hoàn tất chương trình cao học về hội họa tại Thái Lan. Theo nhận xét của giới hội họa và giới truyền thông, những tác phẩm hội họa của Chế Kim Trung thể hiện nhiều đề tài mang giá trị truyền thống của nguồn cội văn hóa Chăm Pa. Đó là văn hóa vật thể và phi vật thể còn mãi được lưu giữ bảo tồn ở quê hương Ninh Thuận của chị như kiến trúc đền, tháp, các lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó nổi bật nhất và xuyên suốt quá trình sáng tạo trong hội họa của chị chính là nguồn cảm hứng về các lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Chính ở mảng đề tài này chị đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành hiện tượng Chăm thật riêng, thật độc đáo trong hội họa đương đại.

Tác phẩm Người Chăm ơn Bác

Tác phẩm Người Chăm ơn Bác

Tác phẩm Dàn nhạc Chăm
 Tác phẩm Dàn nhạc Chăm

Có thể nói, lễ hội dân gian Chăm là nguồn cảm hứng sáng tạo hội họa vô tận của Chế Kim Trung với nhiều cung bậc cảm xúc thẩm mỹ khác nhau. Trong những tác phẩm hội họa của chị người xem có thể nhận ra những sắc màu Chăm vừa rực rỡ, vừa trầm buồn và như thể nghe được cả những tiếng trống paranưng, tiếng kèn saranai, nhìn thấy những vũ điệu Chăm trong những ngày lễ hội. Đó là hàng loạt tác phẩm hội họa đã làm nên tên tuổi Chế Kim Trung như: Tục cưới Chăm, Lễ hội đầu năm, Lễ hội cầu mưa, Lễ hội Ka Tê, Vũ điệu Chăm

Trong đó tác phẩm Sắc màu lễ hội Ka Tê với kích thước lớn dài 6,6m, rộng 1,6m bằng chất liệu sơn dầu được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt giải A chuyên ngành Mỹ thuật của Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2003 và nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam năm 2013.

Chị cho biết, do mình là một người Chăm sống trong cộng đồng Chăm nên có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyên tâm sáng tác về cuộc sống cũng như những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhưng chị cũng nói thêm, thuận lợi là vậy, nhưng nếu không có tình yêu máu thịt và sống hết mình với nguồn cội thì cũng khó có được sự rung động và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hội họa, Chế Kim Trung còn dệt thổ cẩm, thiết kế trang phục Chăm kết hợp truyền thống với hiện đại thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hiện nay chị đang dồn tâm huyết và cả tài chính, để thực hiện ước muốn xây dựng một không gian văn hóa nghệ thuật Chăm truyền thống để quảng bá, phục vụ những du khách trong nước, quốc tế khi có dịp ghé thăm Ninh Thuận đầy nắng, đầy gió và rất nhiều lễ hội rực rỡ sắc màu Chăm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ