Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết vừa kiểm tra một số trại chăn nuôi trên địa bàn và phát hiện bốn trại sử dụng thuốc tạo nạc, báo Tuổi trẻ đưa tin .
Trước đó, đoàn liên ngành gồm Chi cục Thú y Đồng Nai phối hợp phòng kinh tế các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc và UBND các xã trực thuộc bốn huyện trên đã kiểm tra một số trang trại nông hộ được chọn trên địa bàn.
Bước đầu, qua kiểm tra lấy mẫu một số trang trại ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), đoàn liên ngành lấy tám mẫu đem xét nghiệm tại Phân viện Thú y Nam bộ. Kết quả, có 4/8 mẫu dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta-agonist, một loại thuốc tạo nạc.
Bốn hộ vi phạm gồm: hộ ông Trịnh Hữu Nghị, hộ ông Nguyễn Thành An (cùng ngụ KP 4, thị trấn Vĩnh An), hộ ông Nguyễn Khoa Hồ và hộ bà Bùi Thị Sáu (cùng ngụ KP 6, thị trấn Vĩnh An).
Tổng đàn heo của bốn hộ trên khoảng 300-400 con lợn thịt. Chi cục Thú y Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi hộ 15 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với trang trại, lập biên bản tạm giữ đàn lợn có mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm, buộc các hộ phải ngừng ngay việc sử dụng thuốc tạo nạc trong chăn nuôi.
Đồng thời, đoàn liên ngành sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm sau 10 ngày, các hộ chỉ được xuất bán khi kết quả xét nghiệm âm tính.
|
Một trại lợn có mẫu xét nghiệm dương tính với chất tạo nạc. |
Ăn thịt siêu nạc bị loạn nhịp tim, run cơ, rối loạn tiêu hóa...
Ông Trần Minh Thành - phó phòng thanh tra Chi cục Thú y Đồng Nai, trưởng đoàn liên ngành - cho biết chất tạo nạc có tác dụng làm lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc.
Khi lợn được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, nếu không bán nhanh heo sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi lợn gần đến ngày xuất chuồng.
"Các chuyên gia đã cảnh báo người tiêu dùng ăn phải thịt lợn có tồn dư chất cấm thuộc nhóm beta-agonist sẽ bị ngộ độc, về lâu dài tồn dư các chất này trong thịt heo có thể gây biến chứng ung thư , ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng, thậm chí gây chết người.
Hiện chi cục đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu được lấy tại ba huyện Long Thành, Trảng Bom và Xuân Lộc để có phương pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật " - ông Thành cho biết thêm.
Trao đổi trên báo Thanh Niên, bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, nói: “Tôi đã trực tiếp nghe những người nuôi lợn cho biết, để chiều lòng các thương lái, để heo nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, họ thường dùng các chất clenbuterol và salbutamol.
Hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho lợn nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. Những chất này không khó mua, thậm chí có người đem đến bán tận nhà”.
Bác sĩ Ký cho biết, nếu người tiêu dùng ăn thịt lợn có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.
Với thuốc salbutamol (dùng ở người), các chuyên gia khuyến cáo phải thận trọng khi dùng cho người đang có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và phụ nữ đang mang thai. “Gần 10 năm trước, người ta đã cảnh báo về việc tồn dư hai chất clenbuterol và salbutamol trong thịt của gia súc, gia cầm sẽ ảnh hưởng xấu cho người dùng. Do vậy, Mỹ, các nước châu u và VN cũng đã cấm dùng các chất thuộc nhóm beta agonist trong thức ăn chăn nuôi”, bác sĩ Ký nói.
|
Các chuyên gia đã cảnh báo người tiêu dùng ăn phải thịt lợn có tồn dư chất cấm thuộc nhóm beta-agonist sẽ bị ngộ độc, về lâu dài tồn dư các chất này trong thịt heo có thể gây biến chứng ung thư. |
Phân biệt thịt lợn chứa chất tạo nạc bằng mắt thường
Để tránh mua phải thịt lợn có chứa chất tạo nạc clenbuterol, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý, đối với lợn nuôi bằng hóa chất tạo nạc thì da sẽ mỏng hẳn, khi lợn còn sống da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong.
Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc.
Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra thì chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Bên cạnh các loại thịt lợn có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống lợn cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt lợn từ giống siêu nạc với thịt lợn được nuôi bằng chất tạo nạc.
Tuy nhiên, khi mua người tiêu dùng quan sát để chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.