Ở đó, cái thiếu thì nhiều, cái đủ thời ít. Song cái thiếu trăm bề tất sẽ được vượt qua khi có sự chiếu rọi của ngọn lửa tình người, ngọn lửa niềm tin giữa đêm đen cuộc sống. Để rồi, câu chuyện về năm đói thê thảm lại mang dư vị ngọt ngào tràn đầy niềm lạc quan như thế giới cổ tích xa xưa.
Cái thiếu đến khổ, đến tội
Giữa lúc “cái đói tràn về, người chết như ngả rạ” cuộc hôn nhân Tràng – thị thành ra thiếu tất mọi thứ. “Em thành vợ anh chỉ vài hào bánh đúc. Đến một lời cầu hôn nghiêm túc cũng không”. Nghĩ mà tội nghiệp, thiếu gì thì thiếu, ai đời thiếu cả lời cầu hôn nghiêm túc, thiêng liêng. Kì thực thị theo Tràng về làm vợ chỉ bằng mấy câu nói ỡm ờ đùa nhiều hơn thật. Hai bận gặp gỡ mà nên duyên vợ chồng. Tràng đâu có chủ tâm gì cho cam, gã trai xấu xí thô kệch ấy cũng chỉ tầm phơ, tầm phào sau khi hào phóng chiêu đãi cô ả đói rách bốn bát bánh đúc giữa bàn dân thiên hạ: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Câu nói của Tràng thực chất vẫn là đùa, tếu cho vui. Ai ngờ đùa mà thành thật. Cô thị theo về. Thế mới hay! Thì ra trong nạn đói phận người bèo bọt, rẻ rúng quá. Tội nghiệp biết bao nhiêu cho số kiếp đàn bà.
Cái thiếu thứ nhất mở đường cho những cái thiếu sau đầy chua xót. Lẽ thường, người con gái cưới xin phải sính lễ, cưới hỏi đủ đầy. Không to tát cũng phải đủ đầy thủ tục. Năm xưa Công chúa Mị Nương xinh đẹp phải có “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” sang trọng là thế. Cô gái nghèo trong ca dao cũng thách cả “nhà khoai lang” bình dân mà ấm bụng. Còn cô thị? Chả có gì ngoài bốn bát bánh đúc, cái thúng con con và một bữa no nê. Ấy thế mà thị vẫn theo người ta về làm vợ. Sính lễ thiếu đã đành, cả nghi lễ cũng chẳng có. Không mai mối, không cưới hỏi, không cả đón đưa dâu. Chàng nàng tự dắt díu nhau về trong nỗi thẹn thùng tội nghiệp. Người dân xóm ngụ cư thì ngạc nhiên, bất ngờ, chẳng thể tin vào mắt mình. Thậm chí có người còn mai mỉa, xót xa “giời đất này còn rước cái của nợ ấy về”.
Đúng là thiếu thốn trăm bề. Không mâm cao cỗ đầy, chẳng họ hàng thân thuộc chung vui. Niêu cháo loãng, nồi cháo cám đắng chát, bữa cơm ngày đầu về làm dâu thê thảm nhường nào. So sánh với đám cưới của cô bé Dần trong truyện “Một đám cưới” của Nam Cao, kì thực cuộc hôn nhân của Tràng - thị thiệt thòi hơn nhiều quá. Chí ít, cô Dần còn được người ta đến rước dâu, có miếng trầu, bát nước chè đãi khách, có bố và hai đứa em đưa về nhà chồng. Ngược lại, cô thị chỉ có một mình giữa buổi chiều ảm đạm. Đọc những trang viết của Kim Lân, ai ai cũng nghẹn nào, xót thương cho những cuộc đời nghèo khó, cái đói sao mà khủng khiếp đến vậy. Nó biến ngày vui của Tràng thật tội nghiệp, đáng thương. Việc Tràng lấy vợ thành một trò may rủi, cái đói khiến người ta phải đánh cược hạnh phúc của mình vào sự rủi may của số phận. Xót xa quá!
Ngẫm về những cái thiếu trong cuộc hôn nhân của Tràng, người đọc hiểu rõ hơn hoàn cảnh bi đát của người dân nghèo trong năm đói. Cái đói khiến con người ta đến khổ và đến tội. Viết về cảnh tượng ấy, ngòi bút Kim Lân chan chứa một niềm thương và cả những nỗi đau cho phận người chông chênh giữa mùa đói khổ. Sau mỗi trang văn còn ẩn chứa tiếng nói phê phán bè lũ thực dân, phát xít đã xô đẩy người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Và đặc biệt hơn, đó còn là sự nâng niu, trân trọng khát vọng hạnh phúc của những cảnh đời thương đau. Thiếu mấy, khổ mấy họ vẫn gắng gượng vươn lên, sống và hi vọng về một mái ấm gia đình.
Những cái đủ đáng trọng, đáng quý
Giữa đêm đen cuộc đời, tử thần có thể gõ cửa bất kì lúc nào, đám cưới anh Tràng vẫn đong đầy ngọn lửa yêu thương. Nói khác đi, cái đủ nhất trong đám cưới của Tràng là tình thương yêu. Có lẽ chẳng giá trị vật chất nào có thể sáng bằng yếu tố quý giá tuyệt vời này. Tình thương cao quý đó tỏa ra từ tấm lòng bà cụ Tứ, người mẹ nghèo khổ tội nghiệp. Thương con trai, thông cảm cho cảnh ngộ của con dâu, bà đã đón nhận bằng tấm chân tình: “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Chỉ cần vậy thôi cũng đủ để nói lên tình thương của người mẹ.
“Mừng lòng” chứ không phải “bằng lòng”, không chỉ ưng thuận cho hai con nên vợ nên chồng, bà cụ còn mừng vui cho hạnh phúc của đôi trẻ. Tình thương tỏa ra từ trái tim của người mẹ nhân từ sưởi ấm cho các con mình thật đáng quý, đáng trọng. Sau tình thương là nỗi lo, “biết chúng có nuôi nổi nhau không”, nhưng suy cho cùng, lo cũng vì thương. Bà cụ đã nghẹn ngào hai dòng nước mắt “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Chắc hẳn cô thị cũng cảm thấy ấm lòng đôi chút khi đám cưới nghèo thiếu dăm ba mâm nhưng được lấp đầy bằng tình thương của mẹ.
Hãy ngẫm ngợi một chút đến cảnh nghèo khổ mà đầm ấm của gia đình Tràng trong buổi sáng hôm sau. Bữa cơm ngày đói thật thảm hại, vài lưng cháo loãng, bát cám đắng chát nghẹn bứ ở cổ. Ấy vậy mà, bà mẹ thương con lại nói toàn chuyện vui, chuyện tương lai. Nhưng thú vị nhất là chuyện mua đôi gà về nuôi. “Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy có ngay một đàn gà cho mà xem...”. Đúng vậy rồi, quy luật sinh tồn muôn đời nay vẫn thế. Từ đôi gà tất sẽ có một đàn gà. Người Bình Trị Thiên xưa đã nói vậy: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Dù tuyệt vọng đến mấy, dù chỉ còn một tia hi vọng nhỏ nhoi vẫn cứ tin vào quy luật sinh tồn. Chính vì vậy, chuyện đôi gà trở thành ngọn lửa niềm tin bà cụ Tứ thắp sáng lên cho con. Tràng đã đáp lại một cách ngoan ngoãn đề nghị đó của bà cụ. Với không khí gia đình yên vui, hòa thuận, người ta có thể tin vào điều tốt đẹp ngày mai của Tràng, của người vợ nhặt đáng thương. Niềm tin ấy lại được thắp sáng bằng tấm lòng thương con thơm thảo của bà mẹ nghèo khổ già nua. Dường như, tấm lòng người mẹ ấy mang vẻ đẹp của tấm lòng người mẹ Việt lấp lánh tự bao đời.
Tấm lòng của bà cụ Tứ đáng quý, nhưng tình thương của anh Tràng mới làm nên dư vị ngọt ngào của cuộc hôn nhận kì lạ này. Gã đàn ông nghèo khổ nhưng thơm thảo một tấm lòng nhân hậu, thương người. Có lẽ vậy nên gặp cô thị đói Tràng sẵn lòng mời ăn. Vượt qua sự ích kỉ tầm thường, tấm lòng thương người của Tràng bỗng trở nên quý giá trong hoàn cảnh đói khổ tăm tối. Hơn thế nữa, cũng vì thương nên Tràng sẵn sàng tặc lưỡi: Chậc kệ! Cho thị theo về. Kì thực trong hoàn cảnh đói, nuôi thân, nuôi mẹ đã khó, đèo bồng thêm một người là chấp nhận đôi vai nặng gánh hơn. Nhưng lòng nhân hậu, thương người chiến thắng nghịch cảnh.
Đọc “Vợ nhặt” chắc hẳn không mấy ai không nhớ câu này: “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”. Dường như, tình nghĩa con người có sức mạnh ghê gớm, chiến thắng, đẩy lùi bóng tối chết chóc, đói khổ. Kim Lân đã viết những lời văn như thế về Tràng. Hơn thế, sức mạnh tình người sẽ tiếp thêm cho người nghèo khổ niềm tin vào cuộc sống. Không quá khi nói rằng, tấm lòng bao dung của bà cụ Tứ, trái tim nhân hậu của anh cu Tràng mang đến vị ngọt yêu thương biến một một cuộc hôn nhân thiếu mọi thứ mà lại rất đủ đầy.
Đọc truyện “Vợ nhặt”, người ta trân quý cái đủ của tình người. Và còn một cái đủ quý giá đó là niềm tin và khát vọng vào cuộc sống mãnh liệt. Ngọn lửa tình người sẽ thắp sáng đêm đen cuộc sống và làm bùng lên ngọn lửa niềm tin hướng đến tương lai. Ngẫm cho kĩ một chút, niềm tin, hi vọng ấy của Tràng lại được thắp sáng bởi cô thị, người phụ nữ đói rách, bề ngoài cong cớn chua ngoa mà tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp khuất lấp. Ấn tượng ban đầu về nhân vật này chắc hẳn là sự tả tơi, cái đói khiến cô ta đánh mất cả cái duyên cần có của người con gái. Hai bận gặp Tràng trên huyện, thị tỏ ra cong cớn và thiếu ý tứ quá. Ai đời nào, người ta bông đùa “muốn ăn cơm trắng mấy giò, lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Thế mà thị ra đẩy thật. Vì sao vậy? Vì đẩy để được ăn, “cơm trắng mấy giò” chứ chuyện chơi.
Hôm đó Tràng chưa kịp đáp lễ nên hôm sau gặp lại, cô ả xỉa xói ngay: “Điêu! Người thế mà điêu”. Tôi cứ mường tượng cái dáng vẻ một tay chống hông, một tay mổ cò, miệng thị chanh chua đốp chát với Tràng ở quán nước. Sau đó, cái bụng đói của thị đã thắng cái duyên của người con gái. Được mời, cô ta đánh một chập bốn bát bánh đúc, xong thở phào ngon. Đúng là vô duyên. Nhưng, cũng phải thôi, đói quá thì phải ăn, ăn xin, thậm chí có kẻ ăn cắp. Đằng này thị được mời ăn nên tội gì không ăn. Tội nghiệp phận người trong nạn đói khốn cùng. Hành động ăn bánh đúc của thị còn ẩn nói lên khát vọng sống, khi phải chọn giữa sống và chết, thị đã chọn lẽ sống. Mà sống thì phải ăn cho dù nhân cách có lệch vẹo. Tội mà thương!
Thế nhưng, ẩn sau người đàn bà với con số không tròn trịa này vẫn tiềm ẩn một khát vọng sống mãnh liệt. Và muốn sống, thị theo Tràng về làm vợ để có chốn nương thân giữa lúc đói kém. Vậy nên, chuỗi hành động đó của thị nếu đặt trong hoàn cảnh bình thường thì khó có thể chấp nhận, nhưng trong cảnh khốn cùng, ta hoàn toàn thông cảm thậm chí trân trọng. Sáng hôm sau khi đã làm vợ Tràng, thị hoàn toàn đổi khác, hiền hậu, đúng mực, biết chăm lo vun vén cho tổ ấm mới xây của mình. Người phụ nữ chanh chua đã nhường chỗ cho người vợ đảm đang. Thú thật, viết về cô thị, nhà văn đã phát hiện được những vẻ đẹp ẩn khuất sau một người phụ nữ nghèo khổ đói rách mà khao khát được sống rất mãnh liệt. Có lẽ, những phận người nghèo khổ đã nương tựa vào nhau cùng sống và hi vọng giữa bóng tối đau thương của bóng tối, sự chết chóc.
Đọc truyện “Vợ nhặt”, có lẽ nhiều người tủm tỉm cười về một đám cưới lạ, hiếm có của một chàng trai nghèo với cô gái khổ. Kim Lân viết về họ bằng tấm lòng mến thương và hơn hết là tài năng truyện ngắn bậc thầy. Cách tạo tình huống truyện nhặt vợ độc đáo, đầy éo le, buồn vui lẫn lộn; tài dẫn chuyện lôi cuốn hấp dẫn; cách dựng cảnh thú vị; nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật sắc sảo, tinh tế. Có lẽ tấm lòng và tài năng của người cầm bút đã hội tụ để tạo nên một văn phẩm thú vị, đặc sắc. Dõi theo câu chuyện về cuộc hôn nhân kì lạ của anh Tràng, người ta vỡ ra một lẽ sống đáng quý: Hôn nhân, hạnh phúc gia đình, vật chất thiếu không đáng sợ, cái đáng sợ là tình người vơi cạn, khi đó không dễ gì để gây dựng những tổ ấm gia đình đích thực. Thế nên, cốt lõi để một gia đình hạnh phúc, an vui, trong ấm ngoài êm là sự thương yêu hòa thuận. Có ngọn lửa ấy, hạnh phúc sẽ nhen lên và sáng mãi muôn nơi dù đó là thôn cùng xóm vắng hay thành thị xa hoa.