Thiếu trường quay, điện ảnh Việt khó 'lớn'

GD&TĐ - Trường quay không chỉ là đề tài nóng trong giới điện ảnh, mà còn là một câu chuyện luẩn quẩn không có hồi kết.

Phim 'Đào, phở và piano' dựng bối cảnh và phải tháo dỡ để trả lại mặt bằng. Ảnh: HPT.
Phim 'Đào, phở và piano' dựng bối cảnh và phải tháo dỡ để trả lại mặt bằng. Ảnh: HPT.

Khi phim trường xây xong lại phá

Có đủ trường quay thì chưa hẳn điện ảnh đã phát triển, nhưng điện ảnh muốn phát triển được thì buộc phải có trường quay. Thế nhưng ở nước ta, trường quay đủ tiêu chuẩn gần như bằng không, và thậm chí trở thành đề tài lãng phí – khi trường quay tạm được dựng chỉ để lấy bối cảnh cho một bộ phim, rồi sau đó lại phá đi.

Nói về trường quay tạm thời, có thể nhắc tới phim Nhà nước “Đào, phở và piano”. Đạo diễn Phi Tiến Sơn muốn tái hiện hình ảnh Hà Nội 60 ngày đêm với hậu trường “đổ nát chưa từng có”.

Trước khi chính thức bấm máy, ê-kíp đã nghiên cứu, điền dã chọn cảnh tại Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Sơn Tây (Hà Nội)... bởi đó là những nơi có nhiều dấu ấn mà trước đây Pháp từng xây dựng.

Tuy nhiên, hầu hết các địa điểm khảo sát đều đã biến đổi không còn phù hợp với bối cảnh phim. Vì thế, đoàn làm phim phải chuyển sang phục dựng bối cảnh. Trong đó, có khu phố cổ dài 120m, phần đường và vỉa hè rộng 15m, hai dãy nhà hình thành từ phác thảo, dựng sa bàn cho tới dựng bối cảnh.

Họa sĩ Vũ Việt Hưng – người phụ trách thiết kế mỹ thuật cho bộ phim cho biết, việc xây dựng bối cảnh phố cổ Hà Nội năm 1946 với tỷ lệ 1:1 đáp ứng nguyên mẫu lịch sử khiến ê-kíp mất nhiều thời gian, công sức. Nhiều vật dụng gia đình, tủ, giường, nồi đất, hoành phi câu đối, các loại xe chiến đấu, súng mô phỏng... được huy động để khán giả nhìn thấy đời sống chân thật nhất trong một bộ phim.

Sự thành công hay thất bại của bộ phim này chưa cần bàn tới, song có một sự thật rằng trường quay với tổng diện tích khoảng 6.000m2 được dựng lên trên nền đất mượn tạm của quân đội ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) với rất nhiều tốn kém, cuối cùng cũng phải san phẳng để trả lại mặt bằng.

Bao nhiêu công sức tái hiện, từng ngôi nhà, bức tường, viên gạch, ô cửa cho đến các vật dụng hậu cảnh của bộ phim trở về con số không. Điều này cho thấy sự lãng phí ghê gớm của sự tạm bợ. Nếu như đó là một trường quay, thì những gì đã dựng lên không cần phải phá đi mà sẽ trở thành nguồn tư liệu và bối cảnh tuyệt vời cho những bộ phim tiếp theo.

Trong tiêu dùng, cách để tiết kiệm tiền mua giầy chính là đầu tư một đôi giầy xịn, hơn là liên tục bỏ tiền ra mua những đôi giầy rởm. Trong điện ảnh cũng tương tự, đầu tư nền tảng cho phim trường chính là cách tiết kiệm không chỉ cho ngân sách, mà cũng là tiết kiệm cho các nhà làm phim, và thậm chí đó là đầu tư có lãi khi không thiếu các nhà làm phim cần bối cảnh có thể thuê lại.

Không có phim trường, chúng ta phải đi thuê như đã từng thuê trường quay Hoành Điếm ở Trung Quốc để phục vụ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Không có trường quay, chúng ta phải dựng tạm rồi phá đi như phim “Đào, phở và piano” cùng rất nhiều bộ phim khác.

Dù chưa có một thống kê tỉ mỉ ngân sách Nhà nước cũng như túi tiền nhà làm phim tư nhân bỏ ra, song sự lãng phí chắc chắn là không nhỏ. Nếu không có sự tính toán, đầu tư cho phim trường thì điện ảnh Việt không chỉ tạm bợ và luẩn quẩn trong câu chuyện “xây lên rồi phá đi”, mà khó có thể phát triển để cạnh tranh với thế giới.

Nhà trình tường của ông Mua Súa Páo ở Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) làm nền cho phim nhựa 'Chuyện của Pao' do đạo diễn Quang Hải thực hiện đoạt giải Cánh diều vàng năm 2006.

Nhà trình tường của ông Mua Súa Páo ở Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang) làm nền cho phim nhựa 'Chuyện của Pao' do đạo diễn Quang Hải thực hiện đoạt giải Cánh diều vàng năm 2006.

Đầu tư trường quay kết hợp du lịch

Năm 2017, giới điện ảnh từng vui mừng khi phim trường cổ trang Yên Tử (Quảng Ninh) được cho là lớn nhất Việt Nam sắp hoàn thành sẽ tái tạo lại không gian văn hóa của người Việt xưa.

Ngoài việc làm bối cảnh cho các phim cổ trang, dự án còn được kỳ vọng trở thành điểm tham quan văn hóa độc đáo, điểm du lịch lịch sử mang tính giáo dục. Tuy nhiên, cuối năm 2022 tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi đất đã giao vì dự án chậm tiến độ.

Từ đó những hi vọng về một trường quay tầm cỡ chấm hết. Đây không chỉ là đề tài bàn tán trong giới điện ảnh, mà còn là chủ đề chính của nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo. Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra vào tháng 3/2022, câu chuyện về trường quay cũng được bàn luận nhưng không có kết quả.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, nhiều người đặt câu hỏi rằng chúng ta nên xây trường quay ở đâu? Câu hỏi rất khó trả lời, bởi một tỉnh được chọn để xây dựng trung tâm điện ảnh, thì không đủ đáp ứng sự phát triển chung của điện ảnh quốc gia.

“Quan điểm của tôi với sự tính toán lâu dài và chiến lược thì phía Nam cần một tỉnh được lựa chọn để xây dựng thành trung tâm điện ảnh - như Đà Lạt là nơi phù hợp để thu hút điện ảnh lẫn du lịch. Ở phía Bắc, Ninh Bình cũng phù hợp trở thành một thành phố du lịch và điện ảnh”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cho biết thêm, việc cần hai trung tâm điện ảnh không phải chỉ để đáp ứng sự cân bằng vùng miền, mà còn cần thiết phát triển một nền điện ảnh đa dạng. Việc phát triển trường quay tại Ninh Bình sẽ hỗ trợ phát triển các vùng du lịch xung quanh như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và cả Hà Nội, tiết kiệm được kinh phí cho các đoàn làm phim di chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Hiện nay, chúng ta đang nhìn điện ảnh Việt phát triển trên bề mặt doanh thu. Song đó là sự nhầm lẫn bởi thực chất điện ảnh đang bị thâm hụt rất lớn. Đặc biệt, vì không có trường quay nên bản sắc điện ảnh Việt không rõ ràng, trong khi cái bản sắc mới là điều quan trọng để phát triển bền vững.

Nhìn sang các nước có nền điện ảnh phát triển, đặc biệt là Trung Quốc sẽ thấy quy mô phim trường không chỉ rất lớn mà sự đầu tư vô cùng bài bản. Ngoài phục vụ các phim cổ trang với cung điện các thời đại, từ thời chiến quốc, thời Tần, thời Hán cho đến thời Minh – Thanh; các phim trường cũng chú trọng thời hiện đại với các dãy phố giai đoạn dân quốc, các bến cảng, nhà hàng...

Các trường quay ngoài phục vụ làm bối cảnh cho phim, còn trở thành những điểm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo khách tham quan cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phim trường cũng không khác gì vai trò của bảo tàng khi lan tỏa và quảng bá giá trị văn hóa của đất nước.

“Hiện tại, điện ảnh Việt vẫn trong vòng luẩn quẩn, khó có thể có những tác phẩm điện ảnh lớn về mặt không gian hay các bộ phim hành động hoặc lịch sử, bởi vì sự chắp vá nhân lực và địa điểm. Trong khi đó điện ảnh là một “biên giới mềm” cần được tạo nên càng sớm càng tốt để ngăn chặn các làn sóng điện ảnh du nhập, lan sâu và ăn mòn các giá trị văn hóa Việt Nam”. Đạo diễn Lương Đình Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ