Điện ảnh Việt 'khát' trường quay

GD&TĐ - Từ lâu nay, câu chuyện liên quan đến trường quay thường được nhắc đến trong những kỳ cuộc hội thảo, hay những lúc trà dư tửu hậu của giới làm phim.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Để thực hiện phim truyện lịch sử “Đào, phở và piano” (Kịch bản và đạo diễn Phi Tiến Sơn, Công ty Cổ phần Phim truyện I thực hiện), một trường quay với diện tích khoảng 6.000 m2 đã được dựng lên trên nền đất mượn tạm của quân đội ở Đại Lải - Vĩnh Phúc.

Trong vòng ba tháng, bộ phận phục dựng bối cảnh đã tái hiện khu phố cổ dài 120 m, ở thời điểm lịch sử Hà Nội mùa Đông năm 1946, với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, nhà thờ, toa tàu điện, cả những chiến lũy, ụ pháo, xe tăng…

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là lần đầu tiên điện ảnh Việt có một trường quay lớn và chuyên nghiệp như vậy, tái hiện chân thực, sinh động những khoảnh khắc hào hùng bi tráng của Thủ đô với những con người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” gần 80 năm về trước.

Tuy nhiên, khi “Đào, phở và piano” đã đóng máy, thì nỗi lo về phim trường bị xóa bỏ để trả lại mặt bằng cho quân đội lại dấy lên. Đi cùng nỗi lo là niềm tiếc nuối.

Bao tâm sức, trí lực đã bỏ ra để phục dựng cả một không gian với từng ô cửa, từng viên gạch, từng chi tiết đạo cụ mang sắc màu thời gian. Nếu phải trả lại mặt bằng, tất cả sẽ biến mất. Như thể giấc mơ trong bộ phim huyền thoại.

Từ bao lâu nay, câu chuyện liên quan đến trường quay thường được nhắc đến trong những kỳ cuộc hội thảo, hay những lúc trà dư tửu hậu của giới làm phim.

Đặc biệt, mỗi khi nhắc tới dòng phim lịch sử, thì đòi hỏi đầu tiên không phải là kịch bản hay kinh phí, mà là trường quay. Không có trường quay, sao có thể thực hiện được những tác phẩm cần sự hoành tráng, chuyên nghiệp, kỹ lưỡng đến từng tiểu tiết?

Hẳn những người làm điện ảnh chưa quên dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, một đoàn làm phim lịch sử đã thuê trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc) để quay phim. Và kết cục thì bộ phim đó thất bại, bởi trang phục, đạo cụ và bối cảnh không mang màu sắc Việt Nam.

Trên thực tế, chúng ta cũng đã từng có trường quay. Ví như trường quay mà Nhà nước đầu tư cho Hãng phim Giải Phóng với kinh phí khá lớn, song trường quay này không hoạt động được, vì hãng chỉ sản xuất cầm chừng, và cũng không cho thuê được.

Một trường quay khác là trường quay Cổ Loa ở Đông Anh, Hà Nội, được xây dựng từ năm 1959. Năm 2008, nơi này được tu sửa lại. Sau khi đã phục vụ được một số nhu cầu cho dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trường quay Cổ Loa tiếp tục nằm im ắng.

Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Cục Điện ảnh đã có dự án xây dựng trường quay Cổ Loa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tất nhiên, từ dự án trên giấy đến khi hiện hữu và vận hành hiệu quả thì lại là những chặng đường khá dài ở đất nước ta.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thiếu thốn của điện ảnh Việt hôm nay, câu chuyện về trường quay vẫn là một câu chuyện cần đấy mà khá xa vời. Bởi xây dựng được trường quay đã là một bước đầu tư lớn. Để trường quay thực sự là một không gian của điện ảnh thì lại đòi hỏi một bước đi tầm vóc hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.