Thiếu thông tin về truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam

GD&TĐ - Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản còn thấp; bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị… dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn...

Thiếu thông tin về truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam

 Đó là những vấn đề trọng tâm được nêu ra tại Hội thảo “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam”, diễn ra tại Hà Nội sáng 3/7.

Tiềm năng lớn

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản ra thế giới. Đầu năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỷ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỷ USD.

Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển nông nghiệp và xuất khẩu nông sản là một trong những giải pháp cơ bản nhằm đạt được mục tiêu nêu trên. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản còn thấp; tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”, dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn vẫn là những thách thức cho Việt Nam trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa định hướng xuất khẩu giá trị cao.

Trong bối cảnh đó, Liên hiệp hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng KH-CN trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam”. Hội thảo là diễn đàn thảo luận và kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà phát triển công nghệ với các tổ chức NGOs, các hội khoa học và kỹ thuật về nông nghiệp thuộc hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, nhằm thảo luận về các giải pháp cho việc xuất khẩu nông sản và nâng cao giá trị nông sản Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Hội thảo trên, đã có những thảo luận về các vấn đề chính sách và những thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, từ góc nhìn của của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các tổ chức hội, các nhà khoa học, doanh nghiệp… trong việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ và khả năng liên kết hợp tác giữa các bên (doanh nghiệp, các tổ chức hội, các nhà khoa học, và nông dân), nhằm nâng cao giá trị và thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt. Nhiều đề xuất các biện pháp và cơ chế chính sách đã được nêu ra tập trung vào thúc đẩy xuất khẩu nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Truy xuất nguồn gốc để khẳng định uy tín nông sản

Liên hiệp hội Việt Nam - Tổ chức tập hợp đội ngũ KH-CN Việt Nam với 86 hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc, 63 liên hiệp hội địa phương và hơn 500 viện, trung tâm KH-CN trực thuộc.

Trong đó có rất nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững; tham gia tích cực trong việc phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ cho người nông dân, tư vấn, đóng góp ý kiến cho các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển vùng và ngành, trong đó trọng tâm là phát triển các ngành hàng nông lâm thủy hải sản của địa phương; nhiều trung tâm, viện nghiên cứu đã và đang triển khai các dự án thí điểm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giúp hướng dẫn trực tiếp cho người nông dân phương thức kỹ thuật canh tác mới đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế (như VietGAP, Global GAP). Tuy nhiên, thực tế việc tìm đầu ra bền vững (bao gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo TS Phạm Duy Khánh (Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Nhiều nước và khu vực đã xây dựng khung pháp lý quy định về truy xuất nguồn gốc. Chẳng hạn, EU: Quy định (EC) số 178/2002 của EU (Cao nhất: Bắt buộc, 28 quốc gia thành viên, tất cả các loại thực phẩm và TACN). Nhật Bản: Quy định truy xuất nguồn gốc bắt buộc trên 2 sản phẩm: Thịt bò (2003), gạo sản phẩm từ gạo (2011). Trung Quốc: Luật An toàn thực phẩm (2009), điều chỉnh năm 2015 (Điều 36 - 41) quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập hệ thống kiểm tra và lưu trữ toàn bộ thông tin đầu vào, đầu ra trong 2 năm…”.

TS Phạm Duy Khánh phân tích: Ưu điểm của các hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là: Quản lý và tăng cường hợp tác theo chuỗi; Thực hiện các quy định pháp lý về truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Có cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào kiểm soát truy xuất nguồn gốc; Giúp tăng niềm tin cho người tiêu dùng, thuận lợi thương mại, tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thực tế hiện nay, tại Việt Nam, hệ thống truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều hạn chế, như: Thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; Chưa có sự kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân; Không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất; Thông tin chưa minh bạch và được xác nhận; Chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc; Chưa kết nối đầy đủ với việc quản lý về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những điều đó đã làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường vào nông sản Việt.

Trong vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ khuôn khổ pháp lý, nhưng việc thực thi các quy định và đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất, xác thực nguồn gốc đáp ứng các rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính như Mỹ, EU còn nhiều hạn chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.