Để nợ lớn khó đòi, nhiều cán bộ VNPT-I bị kỷ luật “nhẹ tựa lông hồng“

Trụ sở Tập đoàn VNPT tại 57 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Trụ sở Tập đoàn VNPT tại 57 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội

Ngày 14/3/2017, VNPT có Báo cáo số 22 gửi Thủ tướng Chính phủ, giải trình sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện đòi 2 khoản nợ của đối tác VITC (Mỹ), EurAsia (Đức) và việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan. Đây là các khoản nợ lớn gần như không còn khả năng thu hồi, trong quá trình Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I, thành viên của VNPT) triển khai phát triển dịch vụ VoIP quốc tế với các đối tác nước ngoài.

Tại văn bản gửi Thủ tướng, VNPT cho rằng: Thời điểm năm 2001 - 2002, việc phát triển VoIP quốc tế là loại hình dịch vụ rất mới, dịch vụ thử nghiệm nên vừa triển khai vừa học hỏi kinh nghiệm, kiến thức về dịch vụ VoIP cũng như việc nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn đối tác của cá nhận được giao nhiệm vụ còn hạn chế, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các công việc để tiến tới ký kết và thực hiện hợp đồng.

VNPT thừa nhận: “Khi đối tác chậm thanh toán, Ban triển khai dự án đã không thực hiện việc chấm dứt hợp đồng là chưa thực hiện đúng quy định nêu trong hợp đồng. Hành vi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng nợ đọng.

Nếu thận trọng và tuân thủ quy định là chấm dứt hợp đồng khi đối tác vi phạm điều khoản kể từ ngày chậm thanh toán tháng thứ 3, tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực thì doanh thu của VNPT-I là gần 1 triệu USD và không để nợ đọng xảy ra. Ngoài ra, VNPT-I không thẩm định tư cách pháp lý, năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của đối tác trước khi ký hợp đồng”.

Do việc để nợ đọng khó đòi số lượng lớn, VNPT-I đã kỷ luật các cá nhân có liên quan. Cụ thể: Đối với ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VNPT-I đồng thời là Trưởng Ban triển khai dự án là đối tượng thuộc VNPT xem xét, xử lý kỷ luật. Theo đó, VNPT xác định ông Khánh phải chịu trách nhiệm chính trong ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng. Hình thức kỷ luật với ông Khánh là “cách chức” nhưng lại để ở mức “cảnh cáo” do ông này đã đóng góp cho ngành 30 năm.

Hội đồng kỷ luật VNPT-I tiến hành kỷ luật và cách chức Trưởng phòng kinh doanh, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn. Tương tự, cách chức, chuyển công việc có mức lương thấp hơn đối với ông Lê Quang Hà, thành viên Ban triển khai dự án, Trưởng phòng kỹ thuật. Đối với bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, thành viên Ban dự án với vi phạm không chấp hành nhiệm vụ được giao để hoàn tất hồ sơ khởi kiện quốc tế về VoIP nên đã bị xử lý sa thải.

Sau khi tiến hành kỷ luật các cán bộ, nhân viên, VNPT đã tổ chức thực hiện kiểm điểm và xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chưa có những chỉ đạo đúng đắn và kịp thời về việc xác định năng lực của đối tác cũng như để hạn chế nợ cước viễn thông quốc tế.

Khả năng VNPT-I thất thoát số tiền nợ cước viễn thông quốc tế do bị  2 đối tác là VITC (Mỹ) và EurAsia (Đức) chiếm đoạt là điều đã xảy ra. Nhưng với nội dung báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để giải trình sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong bản Báo cáo số 22 VNPT-I đã xin “tự xử” những người gây ra thiệt hại tài sản nhà nước bằng những hình phạt “nhẹ tựa lông hồng”. Còn số tiền hàng triệu USD bị đối tác nước ngoài chiếm dụng suốt nhiều năm qua chẳng có ai chịu trách nhiệm. Đây là điều mà dư luận đang đòi hỏi cơ quan chức năng phải làm rõ và thu hồi về cho nhà nước.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.