Thiếu quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19: Dịch có thể bùng phát vì lơ là, mất cảnh giác

GD&TĐ - Nhiều cơ sở kinh doanh, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19… khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm phòng chống dịch.
Lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm phòng chống dịch.

Ngày nào lực lượng chức năng cũng… nhắc nhở!

Thực hiện yêu cầu về phòng chống dịch, Hà Nội quy định phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng. Người dân không đi ra ngoài nếu không cần thiết…

Các nhà hàng ăn uống, các quán cà phê thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi. Nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ. Tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc. Đây là biện pháp thiết thực, nếu thực hiện sẽ đạt hiệu quả trong việc ngăn những nơi này biến thành “ổ dịch” bất đắc dĩ.

Những ngày qua, trên nhiều tuyến phố trung tâm của Hà Nội, nhiều hàng quán ăn uống, phê khách hàng vẫn ra vào bình thường. Một số cửa hàng đã để sẵn nước rửa tay, đo thân nhiệt. Tuy nhiên, không ít cơ sở kinh doanh bao gồm cả khách và người bán hàng không đeo khẩu trang, không tuân thủ giãn cách và thiếu dung dịch sát khuẩn…

Chị Vy - một chủ cửa hàng bún chả tại khu vực phố Phương Mai (TP Hà Nội) chia sẻ: “Ngày nào, tổ dân phố với mấy anh công an phường cũng nhắc nhở bà con buôn bán phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Cái này là chủ trương chung nên ai cũng chấp hành. Chỉ có điều, trời nóng nực nên đeo khẩu trang nhiều hơi bí bách, chỉ mong dịch nhanh qua để làm ăn bình thường”.

Cũng tại chợ tạm Phương Mai, nhiều chủ cơ sở kinh doanh không đeo khẩu trang. Không thực hiện giãn cách với các khách hàng.

“Mình có ý thức phòng dịch thì phải tự đeo khẩu trang. Còn chủ hàng bún chả không đeo khẩu trang khi bán hàng là vi phạm, đã có cơ quan Nhà nước xử lý. Nhắc nhiều sợ bị “mất lòng…”, một khách hàng chia sẻ về chủ quán bún chả tại chợ tạm Phương Mai.

“Nói chung là mọi người đều có ý thức đeo khẩu trang, có người đeo 2, 3 cái cho an toàn. Nhưng mà nhiều người vô ý thức lắm. Nhắc đeo khẩu trang thì còn khó chịu. Cá biệt, có người cảm cúm, hắt xì, ho liên tục. Nhắc đeo khẩu trang vào thì còn nói “bà sợ chết à?”- một tiểu thương bán đồ khô ở chợ Kim Liên (quận Đống Đa) nói.

Tại phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), nhiều hàng quán không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Một số quán ăn không kê bàn ghế bảo đảm giãn cách. Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm cùng các phường liên tục kiểm tra xử lý vi phạm.

Liên quan đến hành vi không đeo khẩu trang, từ 1/8 đến nay, quận Hoàn Kiếm thực hiện triệt để, tạm dẫn đầu thành phố về xử phạt. Tính đến sáng 23/8, Công an quận này đã xử phạt hơn 300 trường hợp không đeo khẩu trang với tổng tiền hơn 60 triệu đồng. Chỉ tính riêng ngày 25/8, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử phạt 26 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Chủ quán không đeo khẩu trang khi bán hàng.
Chủ quán không đeo khẩu trang khi bán hàng.

Tuyên truyền, hướng dẫn cài khẩu trang điện tử

Anh Thiên Minh - Chủ nhà hàng Thăng Long Quán (268 Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, mỗi khi khách hàng đến quán, mọi người đều được tiến hành đo thân nhiệt. Chuẩn bị nước rửa tay khô cho khách để bảo đảm an toàn cho những người xung quanh.

“Từ người lao động, khách đến phải sát khuẩn tay, đeo khẩu trang (trừ khi ăn) và giữ khoảng cách theo quy định. Nhà hàng bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch đối với khách hàng, giãn cách theo quy định. Nhà hàng bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và bảo đảm luôn có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay…”, anh Minh chia sẻ.

Ghi nhận tại hai chợ lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Xuyên – Hà Nội, hàng ngày nơi đây có hơn 1.500 lượt người ra vào giao lưu mua bán, với gần 300 gian hàng thiết yếu. Trong chợ, các tiểu thương kinh doanh đã ý thức việc chấp hành việc đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19. Việc đeo khẩu trang đã được người dân và các tiểu thương chấp hành tốt và đồng tình ủng hộ.

Chị Hoàng Thị Hường (thị trấn Phú Minh) cho biết: “Trước tình hình của dịch, tôi luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là đến chợ. Vì ở chợ là nơi tập trung đông người. Khi vào chợ luôn có chốt để kiểm tra đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Theo tôi, việc lập chốt và kiểm soát người ra vào chợ sẽ bảo đảm an toàn cho cả người mua lẫn bán”.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) cho biết, lượng người đến mua bán tại chợ rất đông. Bởi vậy, các đoàn thể đi tuyên truyền quanh khu vực và yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tham gia vào chợ.

“Việc triển khai các đoàn tuyên truyền ở chợ được bà con ủng hộ.  Các đoàn khi đi tuyên truyền cũng hướng dẫn bà con cài ứng dụng Bluezon (khẩu trang điện tử), phát khẩu trang miễn phí cho nhân dân…”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, phòng chống dịch bệnh bên cạnh sự chủ động của các ngành chức năng, việc tự giác chấp hành, ý thức người dân là rất quan trọng trong lúc này. Tất cả cần phải có tinh thần chung là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...