Thiếu niên ngộ độc do dùng thuốc lá điện tử

GD&TĐ - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi nam, nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, loạng choạng, bủn rủn tay chân…

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi bị ngộ độc tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi bị ngộ độc tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi nam, 15 tuổi, nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, loạng choạng, bủn rủn tay chân… Nguyên nhân được xác định là do sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo gia đình, trẻ từng sử dụng thuốc lá điện tử trong khoảng một năm và đã ngưng khoảng ba tháng gần đây. Tuy nhiên, do bị bạn bè rủ rê, trẻ đã tái sử dụng và ngay sau đó xuất hiện các triệu chứng bất thường như nôn, nói nhảm, kích thích. Gia đình đã nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện địa phương để sơ cứu, sau đó chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán theo dõi ngộ độc chất gây nghiện. Bệnh nhi được truyền dịch và điều trị tích cực theo phác đồ. Sau hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe trẻ đã ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, thuốc lá điện tử chứa một hàm lượng nicotine nhất định. Đây là một chất gây nghiện mạnh, dễ khiến trẻ lo âu, bồn chồn, mất kiểm soát hành vi. Đặc biệt, nicotine ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ đang phát triển, làm suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung và học tập của trẻ. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch và sức đề kháng.

Dung dịch sử dụng thường chứa nicotine pha với propylene glycol và glycerin - khi đốt nóng có thể tạo ra chất gây kích ứng phổi, thậm chí ung thư. Đáng lo ngại, nồng độ nicotine trong sản phẩm không rõ ràng, dễ dẫn đến sử dụng quá liều và ngộ độc cấp tính. Hiện nay, một số trẻ khi dùng thuốc lá điện tử còn pha thêm các hoạt chất chứa chất ma túy hoặc chất kích thích.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa tình trạng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và bản thân các em. Đối với nhà trường, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn trẻ kỹ năng từ chối và tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh giảm căng thẳng.

Học sinh cần biết nói “không” trước lời rủ rê, đồng thời chia sẻ với thầy cô, cha mẹ khi gặp tình huống khó xử. Gia đình cũng cần quan tâm, lắng nghe và theo sát con, phối hợp cùng nhà trường để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Từ đó, có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây gai toàn tơ chứa nhiều hoạt chất quý ức chế tế bào ung thư.

Tiềm năng y học lớn của cây gai toàn tơ

GD&TĐ - Cây gai toàn tơ là loài thực vật được đồng bào dân tộc Mông và Thái tại vùng Tây Bắc sử dụng trong dân gian để chữa viêm, tiêu u… có tiềm năng trở thành thuốc điều trị ung thư.

Học sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Toán

GD&TĐ - Trong Chương trình GDPT 2018, môn Toán đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực, trí tuệ, sự tưởng tượng, rèn luyện tính cẩn thận, chính xác, tác phong làm việc khoa học...

ThS Dương Nhật Linh cùng sinh viên Trường ĐH Mở TPHCM. Ảnh: L.N

Ngành công nghệ sinh học có 'kén' việc làm?

GD&TĐ - Ngành Công nghệ sinh học hứa hẹn tạo ra những đột phá trong lĩnh vực dược, nông nghiệp và môi trường, nhưng ngành này thường gắn liền với nỗi lo khó xin việc hoặc phải làm trái ngành.