Dự án ODA "Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam" do Trường ĐH Saitama (SU) và Trường ĐH Xây dựng (NUCE) phối hợp xây dựng đề xuất đã chính thức được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật về các vấn đề toàn cầu - SATREPS.
Đây là dự án ODA duy nhất của Việt Nam trong số 8 dự án dưới hình thức SATREPS do JST và JICA đồng phối hợp hỗ trợ trong năm tài khoá 2017 của Nhật Bản.
Mục tiêu tổng quát của dự án này là thiết lập và hoàn thiện hệ thống quản lý phế thải xây dựng thân thiện với môi trường, đáp ứng chiến lược phát triển bền vững của Việt nam trong quản lý chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050, cho các thành phố lớn và đô thị ven biển.
Đồng thời, xây dựng các nguyên tắc, quy trình vận hành hiệu quả hệ thống quản lý phế thải xây dựng và các tiêu chuẩn cho việc sử dụng vật liệu tái chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển các công nghệ mới nhằm tận dụng vật liệu tái chế trong xây dựng cơ sở hạ tầng và kiểm soát ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.
Tại buổi lễ, ông Daisuke Iijima - Giám đốc điều hành Ban Môi trường Toàn cầu JICA – cho biết: các đối tác đã cùng làm việc và đi đến thống nhất mục tiêu cuối của dự án là trên 50% phế thải xây dựng ở thành phố Hà Nội được tái chế. Đây là con số thách thức vì liên quan đến phế thải xây dựng, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Được biết, dự án này kéo dài trong 5 năm, từ tháng 1/2/2018 đến ngày 31/1/2023.
Hệ thống quản lý và tái chế PTXD là một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù đã có một vài sáng kiến đã được đề xuất nhằm giải quyết vấn đề này, tuy nhiên hầu như chưa thành công vì gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc duy trì hoạt động sau khi dự án kết thúc.
Do đó một giải pháp tiếp cận toàn diện hơn nhằm giải quyết đồng thời các vấn đề kĩ thuật, xã hội, thể chế cũng như kinh tế là một giải pháp bền vững. Trong đó, chính phủ, các tổ chức tư nhân và các tổ chức phi chính phủ cần có sự phối hợp với nhau.
Đồng thời giải pháp sẽ được lựa chọn dựa trên việc nghiên cứu nghiêm túc và sâu sắc các vấn đề thực trạng: sự ô nhiễm, kỹ thuật chưa phù hợp, sự chấp thuận của xã hội và các thể chế. Giải pháp cuối cùng sẽ nhằm đề xuất một chiến lược quản lý phế thải xây dựng phù hợp và có lợi đối với các bên liên quan.
Phía Nhật Bản gồm: Đại học Saitama, Trung tâm Khoa học Môi trường tại Saitama và Viện nghiên cứu Quốc gia về Môi trường.