Bước đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Từ năm 1997 đến nay, 18 khóa tuyển sinh và 13 khóa tốt nghiệp luôn được khẳng định về chất lượng, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được đánh giá là một trong những chương trình bền vững và thành công nhất của giáo dục đại học nước nhà trong những năm qua.

Bước đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

Tạo ra hàng nghìn kỹ sư có thể làm việc trong môi trường quốc tế

Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao được triển khai tại 4 trường ĐH Việt Nam là: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Xây dựng, dưới sự hỗ trợ tích cực của tổ hợp 8 trường đào tạo kỹ sư hàng đầu và 1 trường đào tạo đại cương danh tiếng của Pháp.

Mục tiêu của chương trình là đào tạo đội ngũ kỹ sư, giảng viên giỏi, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; tham gia cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghiệp; góp phần đổi mới đào tạo kỹ sư trong các trường ĐH Việt Nam. Được lựa chọn đào tạo là những ngành, chuyên ngành cần thiết cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Để đảm bảo chương trình PFIEV vận hành theo mô hình đào tạo kỹ sư của Pháp, chính phủ Pháp đã tài trợ cơ sở vật chất, tài liệu; đưa trên 300 lượt giảng viên của 4 trường ĐH thành viên PFIEV Việt Nam đi bồi dưỡng, tập huấn tại Pháp; đồng thời cử 277 lượt giáo sư, chuyên gia của Pháp sang giảng dạy, lắp đặt thiết bị thí nghiệm, tham gia hướng dẫn thực hành và bảo vệ tốt nghiệp cho sinh viên; các trường đối tác Pháp đã hợp tác chặt chẽ với bốn trường Việt Nam để hoàn thiện chương trình đào tạo bảo đảm tính hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Do yêu cầu đầu vào cao; chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo được đổi mới căn bản; đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, thực hành tại các doanh nghiệp công nghiệp; chú trọng phát triển đồng bộ kiến thức, kỹ năng và thái độ; được trang bị tốt tiếng Anh và tiếng Pháp ... nên sinh viên PFIEV có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn với gần 70% sau 3 - 6 tháng tốt nghiệp và hầu như 100% sau 1 năm tốt nghiệp.

Nhiều sinh viên được tuyển chọn làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước được đánh giá cao. Đặc biệt, 3 năm gần đây, trong 49 sinh viên làm thực tập tốt nghiệp tại Pháp có 37 người được nhận ngay học bổng để học tiếp lên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài.

Ông Thibaut Skrzypek - Phòng Hợp tác quốc tế Trường Cầu đường Paris cho biết - những sinh viên thuộc chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao hầu hết được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, khi sinh viên Việt Nam sang học cao học, họ dễ dàng được vào làm việc tại các doanh nghiệp Pháp và nhận được sự hài lòng từ các doanh nghiệp này.

Sức mạnh lan tỏa

Để khẳng định chất lượng của chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã 3 lần mời Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) sang đánh giá công nhận kiểm định chất lượng đối với 16 chuyên ngành PFIEV. Đây là bước phát triển của giáo dục ĐH Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Chính phủ đào tạo nhân lực chất lượng cao phát triển KT - XH của đất nước và nâng tầm giáo dục ĐH Việt Nam lên ngang với khu vực và thế giới.

Kể từ năm 2007, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao được chuyển giao cho phía Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã thành lập Văn phòng dự án đào tạo kỹ sư chất lượng cao với nhiệm vụ phối hợp với các đối tác Pháp để điều phối hoạt động của 4 trường như tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, phối hợp chặt chẽ với Tổ hợp 9 trường Pháp để hoàn thiện chương trình đào tạo và phát triển bền vững.

Đặc biệt, đã kết nối thành công với 2 tổ chức của Pháp là Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) và Hội đồng Cấp cao đánh giá chất lượng đào tạo đại học và nghiên cứu Pháp (HCERES) để đánh giá, kiểm định chương trình và cơ sở đào tạo.

Hoạt động của Văn phòng dự án với sự quan tâm của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và sự hỗ trợ của tổ hợp 9 trường ĐH Pháp đã giúp cho chương trình PFIEV ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Có thể nói, cho đến nay, chương trình PFIEV đã tham gia vào đổi mới chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo kỹ sư ở trường ĐH kỹ thuật Việt Nam; đồng thời đang có sức lan tỏa mạnh mẽ sang các chương trình đào tạo khác, các khoa khác trong trường.

GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) - cho biết, trong tương lai, PFIEV sẽ lan tỏa trong tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường, đạt được định hướng nhà trường được vào xếp hạng trong khu vực và trên thế giới. “Trường sẽ ưu tiên một phần kinh phí để phát triển sự lan tỏa này” - GS.TS Lê Kim Hùng khẳng định.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng mong muốn trong thời gian tới, chương trình này sẽ lan tỏa và mở rộng ra một số ngành khác. Đồng thời, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mong được cùng với các đối tác từ phía Pháp cải tiến chương trình để đáp ứng yêu cầu mới khi bước vào thời đại công nghiệp 4.0.

Để phát triển bền vững và nhân rộng chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ để các trường tiếp tục nhân rộng mô hình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, phát triển ra các lĩnh vực khác. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang đào tạo nhân lực phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Thủ tướng đã có chỉ đạo.

Hiện nay, 4 trường thành viên PFIEV vẫn duy trì và phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng, văn bằng kỹ sư chất lượng cao vẫn tiếp tục được công nhận tương đương trình độ thạc sĩ ở Việt Nam, Cộng hòa Pháp và châu Âu khi học tiếp lên trình độ cao hơn.

Đặc biệt, mới đây, HCERES - Tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành viên của Hiệp hội đảm bảo chất lượng ĐH châu Âu - đã quyết định công nhận 4 trường thành viên PFIEV đạt chuẩn kiểm định, cũng là chuẩn kiểm định châu Âu trong giai đoạn 2017 - 2022. Đây là 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được tổ chức quốc tế đánh giá, công nhận kiểm định cơ sở đào tạo.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ, làm biến đổi sâu sắc các lĩnh vực đời sống xã hội, một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, việc đào tạo những kỹ sư chất lượng cao là định hướng đúng đắn để phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, hòa nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Qua 18 khóa tuyển sinh với trên 5.300 sinh viên, PFIEV đã có 13 khóa tốt nghiệp trong nước với 2.550 kỹ sư thuộc 16 chuyên ngành đào tạo và 115 kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đối tác của Pháp. Trong đó, 1.248 sinh viên được nhận bằng chất lượng cao; 1.042 sinh viên được nhận phụ lục bằng của trường đối tác Pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ