Thiết kế sáng tạo: Kéo cộng đồng nhập cuộc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chủ đề xuyên suốt lễ hội với tên gọi 'Dòng chảy' biểu đạt sức sáng tạo không bao giờ dừng.

Ông Chris McCreery chia sẻ về cách Belfast phát huy nguồn lực của mình tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bình Thanh .
Ông Chris McCreery chia sẻ về cách Belfast phát huy nguồn lực của mình tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bình Thanh .

“Hãy biết lắng nghe, chủ động tìm đến và kéo cộng đồng nhập cuộc để cùng thiết kế sáng tạo” - Đó là hướng đi chung mà các thành phố được UNESCO đưa vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo đang áp dụng và sẽ tích cực đẩy mạnh hơn trong tương lai.

Sức sáng tạo vô biên

Là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, tọa đàm quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội: Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” có sự tham gia của diễn giả đại diện các thành phố Hà Nội, Belfast, Derry~Londonderry và Dundee.

Họ cùng đem đến những câu chuyện thực tế từ thành phố của mình để chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thảo luận các cơ hội hợp tác tạo dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố Sáng tạo thiết kế Hà Nội” trong tương lai.

Nhìn lại chặng đường 4 năm Hà Nội được UNESCO đưa vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo và được công nhận là “Thành phố Sáng tạo” ở lĩnh vực thiết kế, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội cho biết, từ nguồn lực thể chế chính sách khá đầy đủ, thiết thực, Hà Nội luôn năng động với nhiều hoạt động, chuỗi sự kiện về thiết kế sáng tạo trong nhiều năm qua.

Khi chính thức được công nhận là “Thành phố Sáng tạo”, các hoạt động này càng được đẩy mạnh, mà điểm nhấn là thường niên tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo.

Được bắt đầu với tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo 2021” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm và chỉ dừng lại ở việc tôn vinh kết quả của Cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, quy mô và không gian của lễ hội đó ngày càng được mở rộng và thu hút sự quan tâm của công chúng.

Nếu năm 2022 được tổ chức tập trung ở quận Hoàn Kiếm, với các điểm như: Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm), Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), Nhà triển lãm (45 Tràng Tiền), không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm… thì năm nay không gian lễ hội còn mở rộng sang Gia Lâm cùng nhiều hoạt động hưởng ứng ở các quận huyện.

Nhất là, hai không gian tháp nước Hàng Đậu và nhà ga xe lửa Gia Lâm được tập trung khai thác, phát huy. Các thiết kế, trình diễn, triển lãm, hội thảo… diễn ra tại đây đem đến cho chúng sức sống mới đầy sinh động, cuốn hút.

Theo ông Hồng, chủ đề xuyên suốt lễ hội với tên gọi “Dòng chảy” là để biểu đạt sức sáng tạo của Hà Nội không bao giờ dừng. Năm 2023 lấy dòng chảy của di sản trong thành phố sáng tạo để mô phỏng về di sản Hà Nội có để các cộng đồng sáng tạo nhìn vào; đồng thời từ sự tương thích, giới thiệu, quảng bá các sự kiện, hoạt động để đến lúc nào đó từ chính di sản ấy mỗi người sẽ có những sáng tạo mới phát triển trên nền tảng di sản. Khi đó, lễ hội được mở rộng và các chủ thể tạo dựng lại không gian sáng tạo đặc sắc riêng.

“Những người làm sáng tạo cũng rất nhanh nhạy, biết cha ông có những di sản văn hóa hơn 1.000 năm thì không có lý do gì họ không có những sáng tạo trên nền tảng đó, đồng thời có những mô phỏng, tái hiện tốt hơn.

Chúng tôi mong muốn cả cộng đồng vừa làm vừa thiết kế trên không gian sáng tạo và những suy nghĩ, ý tưởng ấy được chắt chiu thành dòng chảy liên tục. Ban đầu là mở để phát triển, có thể chưa tập hợp được những sáng tạo tiêu biểu và chấp nhận nhiều ý kiến trái chiều song dần dần sẽ được sắp đặt về đúng quỹ đạo.

Giống như lúc mở phố đi bộ ở không gian xung quanh hồ Gươm, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản biện song giờ đây tự cộng đồng sắp đặt theo chỉnh thể cần thiết để phục vụ cho không gian này hoạt động ngày càng hiệu quả”, ông Hồng tâm huyết nói.

Đi cụ thể vào Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, bà Vũ Thảo - nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo của Kilomet109 và là người hướng dẫn và giám khảo cuộc thi thiết kế, cho rằng cần: “Tiến về phía trước bằng cách tạo ra một truyền thống mới” và “Thiết kế tốt luôn có khả năng tương tác với xã hội, giúp nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, kích thích năng lượng tích cực”.

Chia sẻ về không gian thiết kế mới cho Dundee 2024 của bà Poppy Jarratt. Ảnh: Bình Thanh.

Chia sẻ về không gian thiết kế mới cho Dundee 2024 của bà Poppy Jarratt. Ảnh: Bình Thanh.

Kết nối người dân từ đối thoại mở

Là quản lý phát triển văn hóa của thành phố Belfast (Thủ đô của Bắc Ai-len), chịu trách nhiệm phát triển chiến lược văn hóa (tưởng tượng về một thành phố) và lãnh đạo thành phố sáng tạo âm nhạc Belfast của UNESCO, ông Chris McCreery chia sẻ về cách Belfast phát huy nguồn lực của mình.

Theo đó, thành phố này có chiến lược rõ ràng cùng tầm nhìn tham vọng khi dành 10 triệu bảng Anh đầu tư cho văn hóa ở các nội dung như: Giải thưởng thường niên, lễ hội, các tổ chức văn hóa, học bổng sáng tạo hỗ trợ nghệ sĩ độc lập... Từ nguồn lực sẵn có - âm nhạc, nghệ sĩ được coi là trọng tâm cho sự sáng tạo thành công.

Khi đó, nghệ sĩ được đầu tư, tài trợ, phát triển chuyên môn sáng tạo, hợp tác quốc tế... Cùng với đó, Belfast thành lập Ủy ban Âm nhạc Belfast gồm 20 thành viên, trong đó có 6 nhạc sĩ tiêu biểu của các thể loại cùng các nhà giáo, nhà sáng lập, quản lý, người thực hành…

Đồng thời, ông Chris McCreer chia sẻ các chủ đề chiến lược văn hóa của năm 2024 cho mục tiêu “Tưởng tượng về thành phố”, cụ thể: Củng cố năng lực sáng tạo xuyên suốt khắp đất nước, đồng thời đưa Belfast đến gần hơn với thị trường quốc tế, như một điểm đến văn hóa sôi động.

Trong thời gian tới, một loạt chương trình được đề ra như: Công nghiệp âm nhạc, phát triển đột phá cho nghệ sĩ, giải thưởng nghiên cứu âm nhạc, thực tập công nghiệp âm nhạc…

Tháp nước Hàng Đậu (Hà Nội) mở cửa đón khách trong dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Bình Thanh.

Tháp nước Hàng Đậu (Hà Nội) mở cửa đón khách trong dịp Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Bình Thanh.

Từ việc “tôn vinh văn hóa và sáng tạo đặc sắc của thành phố trong “Năm văn hóa 2024” với các dự án, sự kiện sáng tạo và các sáng kiến của người dân, thực hiện dưới hình thức hợp tác và đồng thiết kế, trong đó thành phố cùng phối hợp với các bên trong ngành sáng tạo và cộng đồng người dân ở Belfast thực hiện”, ông lưu ý việc, người dân cần được lấy làm trung tâm cho sự phát triển, kéo họ cùng nhập cuộc thiết kế, sáng tạo.

Việc lắng nghe và coi trọng tiếng nói của người dân thông qua trao đổi âm nhạc trong những kết nối đối thoại mở cùng các lễ hội tôn vinh cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Vì thế các hoạt động, sự kiện cần được tổ chức lần ở nhiều địa điểm của nhiều địa phương, trên mọi không gian công cộng được sử dụng sáng tạo để kết nối không gian - ngoài trời, trong nhà, trên phố, dưới nước, trong không trung và cả trên mạng…; làm sao ai cũng có thể tham gia, thực hiện thoải mái, tự nhiên, trong đó luôn khuyến khích người già đến con trẻ. Ban tổ chức chủ động đến với cộng đồng như trường học, các tổ chức văn hóa, địa phương…

“Để mời người dân đến với thành phố không dễ nhưng chúng ta có thể dễ dàng đến với họ để biết được góc nhìn của họ và biết mình cần làm gì. Khi len lỏi trong cộng đồng, chúng ta cần thẳng thắn ghi nhận, lắng nghe và có sự tin tưởng vào họ và làm thực chất”, ông Chris McCreer nhấn mạnh.

Gia nhập đội ngũ thành phố sáng tạo thiết kế Dundee (Scotland) năm 2018 với vai trò điều phối mạng lưới thiết kế, bà Poppy Jarratt luôn tích cực phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Để kiến tạo những cơ hội cho các nhà thiết kế của Dundee, Poppy đã cho ra đời Dundee Design Census, thực hiện chương trình CODE Souvenir giới thiệu sản và tổ chức chương trình Tháng Thiết kế Dundee.

Bà Poppy Jarratt nhận định, từ suy thoái công nghiệp, khí hậu biến đổi, một trong những nhân tố quan trọng vực dậy sự phát triển của thành phố là văn hóa. Vốn là một thành phố luôn hướng đến thiết kế và sáng tạo.

Khi nhận danh hiệu “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO (2014), Dundee có thêm động lực sáng tạo, trưởng thành và cam kết với phát triển bền vững. Danh hiệu này như một lời công nhận cho các hoạt động thiết kế trong thành phố, đồng thời đảm bảo đối tác và các bên liên quan cùng xây dựng mối quan hệ và thực hiện các dự án tiên phong dựa trên niềm tin và trải nghiệm.

Cũng đề cao vai trò của cộng đồng, bà Poppy dẫn chứng về dự án thay đổi diện mạo phố UNION. Đây là một dự án thành phố đồng thiết kế nhằm tái phát triển một trong những con phố trung tâm.

Khi đó, một studio đồng thiết kế được xây dựng trong một cửa hàng bỏ hoang, nơi mà người dân, doanh nghiệp và du khách có thể tham gia vào quá trình thiết kế. Cửa hàng là nền tảng cho đội thiết kế gồm kiến trúc sư, nhà thiết kế không gian và chuyên gia đồng thiết kế.

“Kỷ niệm 10 năm gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo, Dundee tổ chức Tháng Thiết kế là thiết kế mở và không có giám tuyển. Địa điểm tổ chức cũng rất mở, khác với nơi truyền thống như khu công nghiệp cũ với các nhà máy không còn hoạt động sản xuất, đem lại một đời sống mới đầy sống động, hữu ích. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ kết nối giao thông để người dân dễ dàng đến với các không gian. Từ đó thúc đẩy sự đồng sáng tạo, đồng thiết kế và mỗi người có thể biến ý tưởng của mình thành hiện thực”, bà Poppy cho biết.

“Chúng tôi cùng suy nghĩ dù thời đại 4.0 có mạng xã hội, nền tảng công nghệ diễn ra mạnh mẽ nhưng rồi sẽ đến lúc tất cả cùng tĩnh lại, nghĩ lại và quan tâm hơn đến những gì nền tảng mạng xã hội không có, nhất là việc được trải nghiệm, mắt thấy tai nghe từ thực tế… Đó là công việc của thiết kế, sáng tạo và vai trò của truyền thông luôn được coi trọng vì sức mạnh lan tỏa để những người yêu thích, đam mê nghệ thuật, di sản, sáng tạo tạo ra sắp đặt mới…” - Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ