Thiết bị phá sóng bị cấm vẫn bán

Thiết bị phá sóng bị cấm vẫn bán

Chỉ vài trăm nghìn là mua được

Cục Quản lý thị trường TPHCM vừa yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường giám sát trực tuyến và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm máy phá sóng trên các sàn thương mại điện tử.

Các thiết bị này có tính năng phá tất cả các loại sóng. Từ loa kéo đến sóng GPS, 3G, 4G. Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, nhiều người sử dụng máy phá sóng để vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Trên một số sàn thương mại điện tử, máy phá sóng loa kéo được rao bán với giá khoảng 500.000 đồng. Tính năng làm cho loa “tắt tiếng” trong phạm vi 4 - 5m. Trong trường hợp muốn phá sóng thiết bị ở khoảng cách xa hơn thì chỉ cần mua thêm bộ khuếch đại với giá khoảng 3 triệu đồng. Ngoài sóng Wifi, Bluetooth, loại mạch này có thể phá được cả định vị GPS, 3G, 4G…Với bộ thiết bị này, người mua có thể phá các kết nối Wifi, Bluetooth...

Khảo sát trên thị trường, ngoài phá sóng Wifi, bộ thiết bị phá sóng GPS cũng được bán công khai với giá 826.000 đồng. Thiết bị này được sử dụng cho mục đích giả hành trình, đánh lừa hộp đen, trộm cắp xe... Những thiết bị này từ lâu đã bị cấm buôn bán tại Việt Nam. Theo quy định chỉ có các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được phép kinh doanh thiết bị này.

Nhiều tác hại khó lường

Việc các thiết bị gây nhiễu, phá sóng GPS đang được bán công khai khiến người kinh doanh vận tải lo lắng. Anh Đặng Anh Quân - chủ cơ sở kinh doanh vận tải trên phố Cát Linh cho biết: “Các xe ô tô đều được gắn thiết bị định vị.

Tuy nhiên, người lái thuê có thể sử dụng thiết bị phá sóng để không theo dõi được lộ trình xe, gây thiệt hại cho chủ xe”. Anh Quân cũng cho biết thêm, việc gắn thiết bị định vị vào xe cho thuê cũng không còn tác dụng nữa bởi nếu kẻ gian cố tình lừa đảo, chiếm đoạt thì thiết bị phá sóng sẽ “hỗ trợ” rất tốt hành vi đó.

Cùng lo ngại trên, anh Quang Hùng - thành viên của diễn đàn Otofun cho biết, hiện nay rất nhiều lái xe có nhu cầu sử dụng loại thiết bị phá sóng này để đối phó. Với phạm vi hoạt động của các thiết bị phá sóng này là từ 10 – 15m, loại máy này có thể chặn ngay lập tức việc tiếp nhận các sóng GPS.

Tuy nhiên, loại thiết bị này cũng có những hạn chế nhất định. Theo anh Hùng hầu hết các thiết bị phá sóng đều không tích hợp pin và sử dụng vào nguồn điện. Chính vì vậy, việc phá sóng thiết bị giám sát ô tô sẽ mất tác dụng khi xe tắt máy.

Đại diện của Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đánh giá hoạt động buôn bán, trao đổi các thiết bị phá sóng một cách lan tràn trên các trang web có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn, an ninh thông tin và chất lượng dịch vụ của các nhà mạng viễn thông.

Hầu hết các thiết bị này được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, dưới hình thức như quà tặng, hàng xách tay và buôn bán không công khai. Do đó, việc ngăn chặn triệt để hoạt động này cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an, thông tin và truyền thông.

Dù phạm luật nhưng cứ đặt mua là có hàng

Để tìm hiểu thêm về con đường xâm nhập của thiết bị phá sóng vào Việt Nam, phóng viên Giáo dục và Thời đại đã liên hệ với một website cung cấp các thiết bị phá sóng tại Móng Cái (Quảng Ninh) có địa chỉ tại www.chomongcai.com.

Qua số điện thoại trên web, người bán hàng cho biết muốn đặt mua thiết bị thì đặt trước 50%. Số tiền còn lại sẽ thanh toán khi nhận hàng qua đường bưu điện, ship code (giao hàng trả tiền).

Người bán hàng cũng cho biết thêm phải mất khoảng 1 tuần mới có hàng. “Phải có khách đặt mua mới nhập hàng chứ không có sẵn” - chủ cửa hàng nói. Khi PV tỏ ra e ngại về việc vận chuyển, người bán cho biết, các thiết bị có nhiều mẫu mã, được nguỵ trang dưới dạng đồ dùng cá nhân nên khó nhận ra.

Luật sư Ngô Hường cho rằng, việc sử dụng thiết bị phá sóng GPS là hành vi cố ý gây nhiễu có hại. Nó cản trở và làm mất an toàn, gián đoạn hoạt động của các thiết bị ứng dụng GPS đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Vì thế, kinh doanh các thiết bị bị cấm sử dụng, lưu thông là vi phạm điểm O, khoản 1, Điều 7, Nghị định 102 hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp…

Theo LS Hường, hành vi kinh doanh các thiết bị phá sóng điện thoại di động là đã cung cấp công cụ để người sử dụng thiết bị thực hiện hành vi làm mất an toàn, làm gián đoạn hoạt động của thiết bị, hệ thống và cản trở hoạt động của hệ thống thông tin di động mặt đất đang được khai thác hợp pháp tại Việt Nam.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cũng cho biết có hiện tượng doanh nghiệp đặt thiết bị phá sóng đường truyền GPS của hộp đen. Việc này sẽ khiến công tác theo dõi vị trí xe đang chạy trên đường bị gián đoạn và không thể đưa ra số liệu về tốc độ xe chạy trên đường để có căn cứ xử phạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.