Thiết bị gian lận trong phòng thi: Quét nhiều nhưng chưa... hết

GD&TĐ - Mùa thi năm nào lực lượng chức năng cũng tiến hành truy quét hàng loạt điểm bán thiết bị gian lận trong thi cử, nhưng do lợi nhuận nên loại tội phạm này ngày càng nhiều và hoạt động tinh vi.

Đối tượng Mạnh tại Công an quận Nam Từ Liêm
Đối tượng Mạnh tại Công an quận Nam Từ Liêm

Tràn lan thiết bị gian lận thi cử

Chưa bao giờ, cả nước lại tập trung nguồn lực để có một Kỳ thi THPT quốc gia trong sạch và công bằng như mùa thi năm 2019. Tuy nhiên, đâu đó vẫn xuất hiện những “điểm đen” có nguy cơ phá hỏng tiêu chí của kỳ thi. Không khó để tìm kiếm trên mạng một cơ sở bán các thiết bị gian lận trong thi cử, những “chợ” này hoạt động rất công khai và nhộn nhịp.

Năm nay, thị trường thiết bị gian lận khá tinh vi, từ những chiếc bút bi gắn camera siêu nhỏ, đến tai nghe hình hạt đậu, điện thoại truyền tin dưới dạng thẻ ATM… Qua mỗi năm các thiết bị này lại được nâng đời, tích hợp nhiều tính năng, dưới nhiều hình dạng, mẫu mã mới nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Nhằm tránh sự truy quét, các cơ sở này không bao giờ xuất hiện giao dịch. Mọi thông tin cửa hàng đều là địa chỉ ảo, khách hàng muốn đặt mua thì chuyển khoản sau đó hàng sẽ được chuyển qua một trung gian (xe ôm, grab, shipper - PV). Khi có dấu hiệu bị theo dõi, các cơ sở trên lập tức thay đổi thông tin cũng như khoá số điện thoại giao dịch. Với việc thay đổi hình thức hoạt động liên tục, lực lượng chức năng mặc dù đã theo dõi nhưng rất khó để tiếp cận và triệt phá các cơ sở kinh doanh này.

Không khó để tìm mua được những thiết bị này nhưng để nhận được hàng về tay lại là cả một quá trình. Thông thường, các cơ sở bán thiết bị gian lận thi cử không cung cấp số điện thoại mà chỉ quảng cáo và trao đổi thông tin qua mạng xã hội chủ yếu là Facebook. Sau màn “dạo đầu”, nếu thấy có nghi vấn thì lập tức chặn hoặc không trả lời. Khi khách hàng nhập đúng “pass” sẽ có người chủ động liên lạc lại theo số điện thoại được cung cấp để hướng dẫn cách giao dịch.

Trưa 21/6, tìm kiếm thông tin trên Google, Báo GD&TĐ liên hệ với địa chỉ Facebook “Đồng hồ thu phát” để mua tai nghe và đồng hồ nhưng nhận được câu trả lời: “Hiện nay các cửa khẩu đang làm ngặt quá nên chưa có hàng”. Facebook trên cũng hướng dẫn để lại số điện thoại và cho biết nếu có hàng sẽ liên hệ lại.

Các thiết bị gian lận trong phòng thi ngày càng tinh vi
Các thiết bị gian lận trong phòng thi ngày càng tinh vi 

Truy quét trước giờ G

Chiều 20/6, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá, bắt nhóm thanh niên chuyên buôn bán, cung cấp thiết bị gian lận thi cử trên địa địa bàn. Cầm đầu là Đặng Công Bão và Nguyễn Thế Mạnh (cùng sinh năm 1996, quê huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Khám xét nơi trọ của hai đối tượng tại ngách 57/45 đường Mễ Trì, cảnh sát phát hiện hàng trăm thiết bị camera, camera giấu kín và các thiết bị quay - rung, tai nghe siêu nhỏ phục vụ cho thi cử.

Tại cơ quan Công an, đối tượng Mạnh cho biết, năm nay bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ kết hợp với camera cúc áo đang bán rất chạy. Bộ sản phẩm gồm 1 tai nghe siêu nhỏ hình hạt đậu, camera 4G hình cúc áo chuyên dùng chụp chữ viết. Thiết bị được kết nối với điện thoại có thể cài trước ngực, nhét trong tay áo người viết. Cứ 3 - 5 giây, máy ảnh trên nút áo sẽ tự động chụp hình đề thi mà thí sinh để trước mặt để đọc.

Để bảo đảm tính bảo mật cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019, trong khu vực in sao đề thi sẽ không được sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, các loại điện thoại, trừ 1 điện thoại cố định có loa ngoài SP-phone đặt tại vòng 2 được cán bộ công an kiểm soát 24/24 giờ. Mọi cuộc liên lạc đều phải bật loa ngoài, phải ghi biên bản hoặc ghi âm. Mọi phương tiện, thiết bị, vật tư trong khu vực in sao dù bị hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly khi thi xong môn thi cuối cùng của kỳ thi. 

Máy chụp ảnh xong, truyền dữ liệu về máy của người trợ giúp ở nhà. Khi giải đề xong, người ở ngoài sẽ tắt chức năng chụp hình của máy ảnh thông qua bộ điều khiển, sau đó đọc lời giải cho thí sinh, qua chiếc tai nghe siêu nhỏ đủ cho một người nghe. Các thiết bị này nhập với giá từ 400 nghìn đến 1,6 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng bán với giá gấp 2 - 3 lần so với giá nhập.

Các thiết bị camera cúc áo, bút bi, thiết bị rung cũng rất đắt hàng trong mùa thi cử. Theo Mạnh, bình quân mỗi ngày bán được vài bộ thiết bị này. Cao điểm vào gần mùa thi, bán chạy gấp nhiều lần so với ngày thường.

Ngoài bộ thiết bị trên, Mạnh còn bán các loại thiết bị đơn giản và rẻ hơn để thi trắc nghiệm. Thiết bị này dành cho 2 thí sinh cùng trong phòng thi, đáp án của các câu hỏi sẽ được quy ước qua số lần rung của các thiết bị gắn trên người thí sinh. Cụ thể, các đáp án: A - B - C - D lần lượt tương ứng với 1 - 2 - 3 - 4 lần rung. Thiết bị này có hạn chế khi chỉ áp dụng với các thí sinh cùng mã đề nên bán với giá 1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, camera bút bi khá được ưa chuộng bởi tính cơ động, gọn nhẹ. Thiết bị này có camera quay video, chụp ảnh dữ liệu đề thi. Sau đó, người hỗ trợ gọi vào sim, thí sinh có thể nhận kết quả qua tai nghe siêu nhỏ. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Thế Mạnh khai, bình quân mỗi tháng thu lời từ 20 - 30 triệu đồng. Số tiền này, Mạnh và Bão chia nhau, đồng thời trang trải chi phí phòng trọ, các chi phí khác.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, một cán bộ của Đội CSHS Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng điều tra, đang tiến hành khám xét một số cơ sở có dấu hiệu bán các thiết bị gian lận trong phòng thi”.

Trước tình trạng các thiết bị gian lận trong phòng thi ngày càng tinh vi, Bộ GD&ĐT đã mời đại diện Cục Công nghệ cao (Bộ Công an) tham gia Ban Chỉ đạo thi.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: “Các thiết bị gian lận trong phòng thi rất tinh xảo nên cán bộ coi thi không cần phải biết hết, nhưng trong quá trình coi thi phải tập trung cao độ, sát sao từ đầu đến cuối. Như vậy, khi thí sinh có động thái bất thường, cán bộ sẽ kịp thời phát hiện và xử lý ngay”. Ông Bằng cũng yêu cầu khi phát hiện ra thí sinh gian lận thi bằng thiết bị công nghệ, cán bộ coi thi phải phối hợp ngay với lực lượng chức năng, công an các điểm thi để xử lý đúng quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ