Thiết bị công nghệ khiến sức khoẻ tinh thần của thanh thiếu niên giảm sút?

GD&TĐ - Liệu việc hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên?

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên JAMA Network Open, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem việc giảm thiểu thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử để giải trí có cải thiện sức khoẻ tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên hay không.

Kết quả đã chỉ ra rằng, việc giảm thời gian sử dụng các thiết bị hiện đại giúp trẻ ít gặp khó khăn về hành vi, giảm đáng kể các vấn đề liên quan đến tương tác xã hội và các mối quan hệ xã hội (bạn bè, thầy cô,...) cũng như cải thiện tích cực hơn về mặt cảm xúc.

Tình trạng

Hiện nay, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới có tình trạng sức khoẻ tâm thần ngày càng tồi tệ. Trong một cuộc khảo sát gần đây tại Mỹ, tỷ lệ thanh thiếu niên gặp phải tình trạng trên đang chiếm tới 30% và ở châu Âu, số thanh thiếu niên gặp phải các vấn đề về tâm lý như lo lắng, mất ngủ cũng lên tới 25%.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn nhạy cảm. Tuy nhiên trong thời đại hiện nay, khi mà các thiết bị điện tử trở thành vật bất ly thân trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật số tăng vọt đã kéo theo những lo ngại về tác động tiêu cực mà các thiết bị đó gây ảnh hưởng đến tâm lý con người.

Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử và việc giảm sút về sức khoẻ tâm thần, tuy nhiên các nghiên cứu chủ yếu chỉ dựa trên sự quan sát. Cần phải tìm hiểu sâu hơn để biết rằng liệu việc giảm thời gian sử dụng thiết bị công nghệ có thể mang lại lợi ích cho sức khoẻ tinh thần của thanh thiếu niên và trẻ em hay không.

Về nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu đã phân tích thử nghiệm “Hiệu quả ngắn hạn của việc hạn chế sử dụng phương tiện truyền thông trên màn hình điện tử (SCREENS)”, một nghiên cứu chi tiết với sự tham gia của 89 gia đình ở miền Nam Đan Mạch.

Thử nghiệm này sử dụng phương pháp chia ngẫu nhiên theo cụm, trong đó các gia đình được chỉ định ngẫu nhiên để hoặc là giảm thời gian sử dụng thiết bị hoặc tiếp tục thói quen này như bình thường. Từ đó ta có thể chia làm hai nhóm:

Nhóm can thiệp: Các gia đình được yêu cầu giảm thời gian sử dụng thiết bị giải trí xuống dưới ba giờ mỗi tuần trong hai tuần và sau đó họ phải giao máy tính bảng và điện thoại thông minh của mình.

Nhóm đối chứng: Các gia đình vẫn duy trì việc sử dụng thiết bị công nghệ như thường ngày.

Để đo lường tác động của sự can thiệp này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một công cụ gọi là “Bảng câu hỏi điểm mạnh và điểm yếu” (SDQ). Bảng câu hỏi này do phụ huynh điền vào lúc bắt đầu và kết thúc nghiên cứu, đánh giá các vấn đề khác nhau về hành vi và cảm xúc ở trẻ.

Để phân tích dữ liệu, đội ngũ nghiên cứu đã sử dụng các phân tích hồi quy, điều này cho phép họ có thể áp dụng cho bất kỳ nhóm nào của nghiên cứu: gia đình hoặc cá nhân hoặc nhóm có biến số như tuổi tác. Mức độ hạn chế thời gian sử dụng thiết bị đạt ở mức cao, có nghĩa là hầu hết các gia đình đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của thí nghiệm này.

Mục đích của nghiên cứu là để xem liệu việc giảm thời gian sử dụng thiết bị có cải thiện sức khoẻ tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên hay không, đặc biệt cần quan sát kĩ những điểm tích cực và tiêu cực trong hành vi của trẻ.

Bằng việc đặt sự nghiêm túc cho thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu nhắm đến việc đưa ra một kết quả rõ ràng và đáng tin cậy về lợi ích ngắn hạn của việc giảm sử dụng phương tiện màn hình.

anh huong cua thiet bi cong nghe den tam ly cua thanh thieu nien hien nay.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Những phát hiện

Tổng cộng có 181 trẻ em và thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu, trong đó 86 em thuộc nhóm can thiệp và 95 em thuộc nhóm đối chứng. Trẻ em ở nhóm can thiệp có độ tuổi trung bình là 8,6 tuổi, song có 49% các em trong nhóm này là bé gái. Độ tuổi trung bình của nhóm đối chứng là 9,5 tuổi và bé gái chiếm tỷ lệ 60%.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự cải thiện đáng kể về sức khỏe tâm thần của nhóm trẻ giảm thời gian sử dụng thiết bị (nhóm Can thiệp).

So sánh điểm trung bình khi đo lường các vấn đề tiêu cực về hành vi và cảm xúc ở nhóm can thiệp giảm hơn 1,67 điểm so với nhóm đối chứng. Kết quả này đạt được mức độ vừa phải.

Nghiên cứu cũng cho thấy kết quả cải thiện đáng kể nhất là vấn đề về nội tâm, chẳng hạn như thay đổi những cảm xúc tích cực và các mối quan hệ bạn bè, tăng thêm 1,03 điểm ở nhóm can thiệp. Ngoài ra, điểm hành vi xã hội, cũng như các tương tác xã hội tích cực cũng tăng 0,84 điểm.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy kết quả tương tự khi họ phân tích dữ liệu sau khi bỏ qua yếu tố tuổi tác. Họ cũng phát hiện rằng những thay đổi tích cực này thể hiện rõ ràng hơn ở bé trai và ở những trẻ có điểm tiêu cực cao hơn hoặc thời gian sử dụng phương tiện màn hình nhiều hơn trước khi cuộc thí nghiệm diễn ra.

Những phát hiện này cho thấy rằng việc giảm thời gian giải trí bằng thiết bị điện tử có thể có tác động tích cực đến sức khoẻ tâm thần của trẻ, chẳng hạn như: giảm các vấn đề về cảm xúc tiêu cực, áp lực đồng trang lứa, cũng như tăng cường các tương tác xã hội tích cực.

Kết luận

Nghiên cứu cho thấy việc giảm thời gian sử dụng thiết bị trong hai tuần đã cải thiện sức khoẻ tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Cụ thể, nó làm giảm các vấn đề tiêu cực của cảm xúc, áp lực đồng trang lứa và tăng cường các tương tác xã hội tích cực.

Nghiên cứu này là một trong những thử nghiệm đầu tiên kiểm tra việc giảm thời gian sử dụng thiết bị công nghệ ở phạm vi gia đình cũng như xác nhận lại kết quả từ các nghiên cứu quan sát trước đây. Không giống như các nghiên cứu trước đây với mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần không đáng kể, lần thử nghiệm này lại cho thấy ảnh hưởng nằm ở mức độ vừa phải.

Điểm mạnh của nghiên cứu này là việc sử dụng phương pháp chia ngẫu nhiên theo cụm và trong trường hợp thực tế, hỗ trợ cho ra các kết quả chính xác. Ngoài ra, các phương pháp khách quan như: thời gian sử dụng thiết bị và số người dừng cuộc thử nghiệm ở mức thấp thấp đã làm tăng thêm độ tin cậy của kết quả.

Tuy nhiên, nghiên cứu còn có những hạn chế. Sự can thiệp ngắn hạn có thể không phản ánh những thói quen lâu dài và các kết quả do phụ huynh báo cáo có thể bị sai lệch.

Nghiên cứu trong tương lai nên khám phá những tác động lâu dài của việc giảm thời gian sử dụng màn hình, đa dạng những tác động của các phương pháp sàng lọc khác nhau và áp dụng với các nhóm đối tượng có nguy cơ về sức khoẻ tâm thần cao. Hiểu được sức ảnh hưởng của gia đình góp phần như thế nào vào những kết quả này là rất quan trọng để thiết kế các biện pháp can thiệp hiệu quả.

Theo News Medical Life Sciences

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.