Theo Chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu 2018, Việt Nam là một trong 10 nước phải chịu tác động nhiều nhất của các sự kiện thời tiết cực đoan gây tổn thất. Kể từ những năm 1970, mỗi năm Việt Nam có tới trên 500 người tử vong do thiên tai và thiệt hại chiếm trên 1,5% GDP. Dự báo, dến năm 2030, thiệt hại do thiên tai có thể lên đến 3-5% GDP.
Hiện tượng El-Nino kéo dài gây ra hạn hán và xâm nhập mặn vào năm 2015-2016, trận bão Damrey năm 2017 và lũ lụt năm 2018 đã cho thấy tác động nghiêm trọng của cả thiên tai diễn biến chậm và bất ngờ ở Việt Nam.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ về ứng phó và cứu trợ nhân đạo song các chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để hiểu rõ được thiệt hại kinh tế do thiên tai quy mô lớn gây ra.
Việc đảm bảo khả năng chống chịu của vùng ven biển trước thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra không còn là khẩu hiệu mà thực sự là nhiệm vụ của từng hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền các cấp, bà Akiko Fujii - Phó trưởng Ban giảm thiểu rủi ro tăng cường chống chịu thiên tai, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam chia sẻ.