Từ dự báo đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên taicảnh báo, trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Định có khả năng xuất hiện lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1 - 3m. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.
Thông tin khả quan hơn đối với tình hình lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, khi mực nước sông Cửu Long đang xuống. Tuy vậy, các dự báo cho thấy, mực nước sẽ lên lại theo triều vào ngày 4/10. Đến ngày 12/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,90m (dưới báo động 2 là 0,1m), tại Châu Đốc ở mức 3,60m (trên báo động 2 là 0,1m), mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 3 và trên báo động 3 từ 0,1 - 0,3m.
Về tình hình hồ chứa thủy điện, theo báo cáo ngày 3/10 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 170 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 15 hồ xả điều tiết qua tràn. Về hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo ngày 2/10 của Tổng cục Thủy lợi, khu vực Bắc Trung Bộ có 33/135 hồ chứa lớn và 1.185/1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước.
Vận hành xả lũ của các hồ có cửa van: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả qua phát điện 170m3/s; hồ Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) xả qua phát điện 15m3/s. Khu vực Tây Nguyên có 121 hồ chứa lớn, 1.009 hồ chứa nhỏ, trong đó: 9/121 hồ chứa lớn và 600/1.009 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Vận hành xả lũ của các hồ có cửa van: Đắk Uy (Kon Tum) xả 5,0 m3/s; Ea Soup Thượng (Đắk Lắk) xả 30m3/s; Ayun Hạ (Gia Lai) xả 60 m3/s.
Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tin mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ và lũ trên sông Cửu Long. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.