Nguyễn Trí Luân - học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, dự thi tại điểm thi THCS Trần Văn Ơn, rời phòng thi trong tâm trạng phấn khởi.
Trí Luân chia sẻ: Để thi tương đối vừa sức, em làm hết tất cả. Hy vọng em sẽ được điểm cao vào đúng ngôi trường THPT mà em đặt nguyện vọng 1. Trong đó, em thấy khá thú vị với phần nghị luận ở câu 2 "Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành? Ở góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) để trả lời câu hỏi trên?"
Tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (Q.3), Nguyên Khang cho biết đề thi không khó, vừa với sức học, em làm được hơn 80%. Tuy nhiên, ở câu 3 với trích đoạn “Sang thu”, em có phần bị bất ngờ, vì không nghĩ đề sẽ ra phần này. Hiện em cố gắng giữ gìn sức khỏe và tâm trạng thoải mái để chiều nay tiếp tục thi môn Tiếng Anh và ngày mai thi môn Toán”.
Anh Nguyễn Ngọc Trí, phụ huynh một học sinh tham gia thi tuyển sinh lớp 10 lần này cho rằng đề thi Ngữ Văn ở câu 1 thiên về lý thuyết bình thường, câu 2 rất thú vị, phù hợp với sự liên tưởng, ước mơ ở lứa tuổi này. Câu 3 cả 2 đề thiên về nghị luận, học sinh phải đọc nhiều, cảm nhận được tác phẩm mới làm hay được. Tuy nhiên, cũng vừa tầm đối với học sinh học lực tầm trung.
“Tôi thấy đề 1 dễ hơn nhưng con tôi chọn đề 2, vì từ nhỏ ba mẹ đã rèn thói quen đọc sách, cũng may cháu cũng thích đọc và đặc biệt gần đây cháu học lý luận nên tự tin làm đề 2”, anh Trí chia sẻ.
Ở góc độ chuyên môn, thầy Lê Minh Kim Long, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) nhận định: “Đề thi văn năm nay sát với nội dung học tập bậc THCS, nhất là chương trình lớp 9, phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh lớp 9 hiện nay.
Các câu hỏi không yêu cầu thí sinh phải học thuộc một cách máy móc, mà đòi hỏi vận dụng thể hiên rõ tư duy, quan điểm của bài viết. Mỗi câu hỏi đều có tính phân loại, chú trọng đến kỹ năng và kiến thức của học sinh. Hy vọng rằng với đề thi môn Ngữ văn năm nay các em sẽ đạt điểm tốt.
Cô Phạm Tố Như - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết một số học sinh chia sẻ 3 câu đầu dễ, nhưng câu thứ 4 là đề mở, thiên về quá khứ và hiện tại trải nghiệm, đòi hỏi tùy cảm nhận của học sinh, giáo viên sẽ chấm theo trình bày của mình chứ không phải có câu trả lời sẵn.
Đồng thời, một số học sinh cho rằng đề không khó, tuy nhiên không nghĩ sẽ ra “Sang thu” nên không ôn kỹ, vì vậy khi đọc đề thi cũng thấy hơi bất ngờ, nhưng các em vẫn làm được”.
“Ngữ liệu đọc hiểu hay, vấn đề nêu gần gũi nhưng sâu sắc và vẫn có yếu tố bất ngờ với học sinh. Câu hỏi phần đọc hiểu vừa sức với học sinh, câu d có độ mở để học sinh trình bày được bộc lộ quan điểm cá nhân.
Đề nghị luận xã hội cũng khá gần gũi và hình thức câu hỏi quen thuộc. Học sinh cũng đã được dạy dạng nghị luận dưới dạng câu hỏi. Vấn đề về sự trưởng thành cũng gần gũi với học sinh, nhưng các em bất ngờ với vấn đề thời gian.
Nghị luận văn học với đề 1 bài Sang Thu là một đạng bài khó. Đặc biệt khổ cuối với ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc và độ tuổi của học sinh chưa trải nghiệm nhiều nên các em cảm nhận có thể sẽ chưa được sâu sắc.
Nghị luận văn học ở đề 2 là một với hình thức mới lạ nhưng lại gần gũi với cuộc sống hiện đại. Đề có độ mở cao, học sinh tự do lựa chọn 1 quyển sách hoặc 1 tác phẩm tâm đắc để trình bày vấn đề nghị luận. Tôi nghĩ sẽ có nhiều em chọn đề 2..." - cô Như cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay có 108.290 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS, trong đó 86.192 học sinh đăng ký thi tuyển sinh lớp 10, 6.484 học sinh đăng ký thi chuyên, 1.305 học sinh đăng ký thi tiếng Anh tích hợp. Ở môn thi Ngữ Văn (sáng 11/6) có 652 thí sinh vắng.