Thị trường vàng mã: Không còn tất bật

GD&TĐ - Vào Rằm tháng Bảy hàng năm, người Việt vẫn có phong tục đốt vàng mã. Nhưng từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã, tình trạng này giảm mạnh. Vì vậy, Rằm tháng Bảy tuy đã cận kề nhưng tại các làng nghề vàng mã, việc sản xuất, buôn bán cũng chưa mấy tất bật.

Quần áo là mặt hàng bán chạy nhất vào Rằm tháng Bảy
Quần áo là mặt hàng bán chạy nhất vào Rằm tháng Bảy

Ế ẩm cả tháng

Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km về phía Nam, làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống. Chúng tôi có mặt tại đây vào cuối tháng 6 âm lịch, nhưng không nhận thấy bất cứ một dấu hiệu hối hả nào mặc dù không khó để tìm những gia đình chuyên sản xuất đồ vàng mã.

Ngay từ đầu làng, những xưởng sản xuất đồ vàng mã đặt ngổn ngang các loại hình nhân, ngựa to, ngựa bé trước lối ra vào... Vào thời điểm này, mặt hàng sản xuất chính của làng Phúc Am vẫn là các đồ phục vụ cúng tế như voi, ngựa, các vị tướng, hình nhân, mũ ông Công ông Táo... Hầu hết các mặt hàng này để phục vụ vào vụ Tết chứ không phải Rằm tháng Bảy. Vì vậy, tại ngôi làng này không diễn ra tình trạng hối hả trước ngày lễ Vu Lan.

Ô tô trở thành mặt hàng vàng mã thông dụng
Ô tô trở thành mặt hàng vàng mã thông dụng 

Vừa chăm chút lắp ghép từng mảnh giấy, ông Nguyễn Văn Phi vừa kể: “Ở làng này, các mặt hàng sản xuất chủ yếu để phục vụ Tết nên không có hàng bán vào Rằm tháng Bảy. Đối với những lễ cúng tế lớn, người ta cũng thường làm vào các tháng khác trừ tháng Bảy, nên hầu như tháng Bảy là chúng tôi ế ẩm cả tháng. Từ ngày có quy định giảm đốt vàng mã, tại cơ sở của tôi cũng bán được ít hàng hẳn đi”.

Tại một cơ sở khác, gần chục công nhân vẫn đang tất bật làm việc, hàng mã được chất thành từng đống lớn trong kho. Bà Tạ Thị Dung, chủ cơ sở này cho biết: “Cơ sở tôi chủ yếu sản xuất các ông tướng, hình nhân để phục vụ Tết và các buổi cúng tế lớn. Nhưng vào tháng Bảy, hàng bán chậm hơn hẳn, để nhiều trong kho không xuất được. Chờ đến tháng Tám âm lịch thì chắc có nhiều người đến mua hơn”.

Không còn “hái ra tiền”

Những chiếc xe máy SH phải làm qua nhiều công đoạn
Những chiếc xe máy SH phải làm qua nhiều công đoạn

Theo khảo sát của chúng tôi tại làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), tình trạng buôn bán vàng mã có vẻ tấp nập hơn. Ngay từ đầu làng, năm sáu chiếc ô tô tải lớn nhỏ tất bật chở hàng đi các tỉnh. Ở đây, các mặt hàng vàng mã cũng đa dạng hơn nhiều, chủ yếu là các đồ phục vụ cho lễ Vu Lan.

Vừa xếp hàng lên xe chuyển đến các tỉnh xong, anh Bùi Ngọc Hùng ngay lập tức quay trở lại xưởng để tiếp tục gấp, dán quần áo. Anh chia sẻ: “Từ giữa tháng Sáu, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Các mặt hàng vàng mã phục vụ ngày lễ Vu Lan ngày càng đa dạng, trên trần dùng gì thì người ta mua đốt cho các cụ cái đó. Từ tivi, tủ lạnh, xe máy, ô tô, bình nóng lạnh...”.

Cũng theo anh Hùng, từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định giảm bớt tình trạng đốt vàng mã, tình trạng buôn bán của gia đình anh cũng giảm theo.

Hàng được bán đi nhiều tỉnh trên cả nước
 Hàng được bán đi nhiều tỉnh trên cả nước
Các xưởng sản xuất vàng mã ế ẩm, bán hàng chậm mặc dù Rằm tháng Bảy từng được coi là mùa vàng trong năm. Để nhìn nhận rõ nhất, chúng tôi tiếp tục khảo sát tình trạng buôn bán tại phố Hàng Mã, Hà Nội. Tại đây, số cửa hàng bán sản phẩm vàng mã không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ vậy, các đồ phục vụ cho ngày lễ Vu Lan cũng không được bày bán la liệt. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn bày bán đèn lồng, đầu kỳ lân... phục vụ Rằm tháng Tám thay cho các mặt hàng phục vụ Rằm tháng Bảy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.