Đốt "chân dài", "osin" cho người âm: Cuồng tín, mê muội và tham lam

GD&TĐ - Với tâm lý “trần sao âm vậy”, vào các dịp lễ, Tết… người dân Việt Nam thường có tục đốt vàng mã cho người đã khuất. Tuy nhiên, đốt vàng mã ngày càng bị biến tướng thành mê tín dị đoan.

Đốt "chân dài", "osin" cho người âm: Cuồng tín, mê muội và tham lam

Trao đổi với PV về vấn đề này, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, (Giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, đốt vàng mã là phong tục thuộc về Đạo giáo, bắt nguồn từ tục chia của cho người đã khuất từ xa xưa.

Ban đầu, người ta chia của thật như vòng tay, giáo mác, công cụ hoặc các đồ có giá trị như vàng, bạc… Sau này, người ta lo lắng tình trạng đào trộm mộ, lấy của nên những đồ vật đó trước khi táng được đập vỡ hoặc làm nhái để tiết kiệm, đó gọi là đồ minh khí.

Đốt
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)).

Từ khi có giấy, người ta làm tiền và khí cụ, phương tiện bằng giấy với mục đích tiết kiệm, mang tính biểu tượng, thể hiện sự thương nhớ và tấm lòng của người sống gửi cho người đã mất. Sau đó, dùng lửa “hóa” gửi sang thế giới bên kia.

Thầy cúng kiêm luôn làm vàng mã nên khi cúng thường muốn người ta đốt nhiều để dễ bán hàng, lâu dần thành hủ tục.

Đốt
Vàng mã tại một cơ sở sản xuất, phục vụ việc lễ bái của người dân.

Ngày nay, đốt vàng mã bị biến tướng thành mê tín dị đoan. Quanh năm, người ta đua nhau đốt ô tô, nhà lầu, xe máy, "chân dài", "người giúp việc" bằng giấy cho người âm trong các dịp lễ, Tết, giỗ chạp, Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy... vì cuồng tín, mê muội, tham lam, tranh đua tài lộc. 

“Dưới góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng hủ tục này cần phải loại bỏ. Muốn triệt để, pháp luật cũng phải cấm cả việc kinh doanh, sản xuất vàng mã.

Nhưng để người dân bỏ một công việc lâu đời, có thu nhập như vậy không phải đơn giản, mà cần có thời gian vận động, giáo dục ý thức cho họ”, ông Vĩ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu văn hóa này chia sẻ thêm, người dân thường cho rằng việc bị muộn vợ, muộn chồng là do có vong theo. Lợi dụng điều đó, các thầy cúng, thầy bói thường “vẽ” ra lễ cắt tiền duyên và hướng dẫn người dân mua vàng mã, tổ chức đám cưới giả, để kiếm tiền.

“Đây là một hình thức mê tín dị đoan, không cơ sở kiểm chứng”, ông Vỹ khẳng định.

Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế, TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết:

"Trong giáo lý nhà Phật không có tục đốt vàng mã. Gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tại nhiều nơi như khu dân cư và các cơ sở thờ tự ngoài Phật giáo…”.

Đốt
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự; Trưởng Ban Phật giáo quốc tế, TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo thượng tọa, người đi chùa lễ bái mà cầu danh lợi, lễ bái với cái tâm kiêu mạn thì gọi là tà lễ. 

"Vào chùa, vào đền, quý nhất là cái tâm. Người ta có thân lễ bái, khẩu lễ bái, ý lễ bái. Thân là phục trang, tư thế, dung nhan tử tế. Khẩu là chào thưa, tụng niệm nghiêm trang, hiền hòa.

Tâm là hướng đến lòng kính trọng đức Phật, hướng đến giáo lý và đạo đức, cầu mong cho mình và cho mọi người cuộc sống nhân ái, vị tha, hạnh phúc. Người xưa thường nói “lễ bạc tâm thành” khi đi lễ là như vậy.

Tùy tâm mà lễ bái, cúng dường, đừng đua nhau mua vàng mã chất cao như núi, lễ vật lớn. Như vậy, sẽ làm xấu chốn trang nghiêm" - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.