Những sáng tạo đánh thức văn hóa đọc

GD&TĐ - Văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. 

 Thị trường sách ảo đang “cổ vũ” cho những độc giả lười vận động.
Thị trường sách ảo đang “cổ vũ” cho những độc giả lười vận động.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đọc không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại...) đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong đó có giới trẻ.

Nhưng kèm theo đó là xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách theo phương thức truyền thống của độc giả hiện nay.

Những nỗ lực cứu sách

Không thể phủ nhận, sự phát triển của sách điện tử đã lấn át sách thật, dần dần những món quà là những quyển sách hay đã không còn được nhiều người chú ý.

Cũng với lý do công nghệ phát triển, cùng với smart-phone, hi-tech,... văn hóa đọc ngày càng có những hình hài khác nhau, dường như khoảng cách giữa người đọc và sách càng lúc càng xa.

Với mong muốn nâng cao văn hóa đọc và đem tinh hoa tri thức đến gần hơn với độc giả, nhiều công ty sách Việt Nam đã mở ra những cơ hội để sách không bị ngủ quên, những ngày đọc sách miễn phí cũng là một trong những sáng kiến hay, không chỉ giúp sách gần gũi hơn với độc giả, có những tác giả còn tham vọng, độc giả không chỉ đọc mà còn tham gia vào việc viết sách. Nói cách khác, mỗi độc giả sẽ tự hoàn thiện cuốn sách theo cách mà họ muốn.

Bên cạnh đó, xu hướng uống trà và đọc sách, thú vui tao nhã, nét văn hóa đẹp từ ngàn xưa đang dần khôi phục. Các cuốn sách hay đã được công chúng quan tâm trở lại.

Bị cuốn theo công nghệ nhưng không phải độc giả trẻ nào cũng lãng quên những cuốn sách thật, họ vẫn thích đọc sách thật hơn là đọc sách điện tử. Hiện nay tại Hà Nội, hình thức trà sách đang quay trở lại và nhanh chóng trở thành trào lưu, thói quen đẹp của giới trẻ Thủ đô.

Một sáng tạo khác nhằm đánh thức thói quen đọc truyền thống mang tên LifeBook. Đây là cuốn sách chưa từng có tại Việt Nam. Ngoài trang đầu tiên với nội dung gửi gắm thông điệp “Vì cuộc đời này là của bạn”, 300 trang còn lại được bỏ trống hoàn toàn để độc giả tự tay viết nên cuộc đời của chính mình.

Trần Quang Tùng, trưởng nhóm dự án LifeBook đồng thời là tác giả ý tưởng cho hay, khi mới bắt đầu có ý tưởng, nhiều người đã hoài nghi về khả năng hiện thức hóa của cuốn sách.

Tuy nhiên, buổi ra mắt cuốn sách không chữ kỳ lạ LifeBook đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các độc giả. Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú với dự án mới lạ này. Rõ ràng, đây là những phản ứng tích cực của bạn đọc đối với sách thật.

Thực tế, có rất nhiều yếu tố mà sách ảo không thể cạnh tranh với sách thật. Có lẽ vấn đề chính là ở người viết, trong thời đại số hóa này, họ phải tìm ra những giá trị quý của sách để tạo sức hút nơi độc giả.

Chỉ có điều, họ phải làm việc nhiều hơn trước đây, ngoài sáng tác, người viết phải không ngừng sáng tạo để giúp thị trường sách bừng tỉnh trong giai đoạn khó khăn này.

Hệ lụy của sách ảo

Ngày nay, độc giả bị lệ thuộc vào công nghệ là chuyện hiển nhiên, nhưng giới viết sách phản ứng với hiện tượng này ra sao, sự thật là phần lớn trong số họ cũng... “a dua” theo công nghệ. Họ sẵn sàng đẩy những đứa con tinh thần của mình lên các trang mạng xã hội để thăm dò bạn đọc.

Tất nhiên, họ chỉ chia sẻ theo kiểu cầm chừng, có thể là một vài đoạn hấp dẫn trong một cuốn sách sắp ra lò, hay chỉ là bản tóm tắt... Đây cũng là một cách PR sách khá hiệu quả vì có thể tiếp cận với lượng độc giả rất lớn.

Tuy nhiên, sáng kiến này cũng gặp phải nhiều rủi ro, ví dụ khi đọc xong những đoạn tóm tắt, người ta sẽ không muốn đi mua sách nữa với lý do “biết thế là vừa đủ”.

Nói cách khác, những người trong giới viết hiện nay đang “cổ vũ” cho những độc giả lười vận động. Thị trường sách đã từng trải qua nhiều giai đoạn “đóng băng” nhưng có lẽ chưa bao giờ thảm hại như thời điểm này.

Sách thật đang bị bỏ đói và “thoi thóp” trong vô vọng thì sách ảo lại càng chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của nó. Nhưng nếu bạn đọc cho rằng sự hiện hữu của sách đang trở nên thừa thãi trong đời sống số hóa thì có lẽ không đúng.

Bằng chứng là sách thật vẫn có giá trị riêng của nó mà con người không thể chối từ. Ngay cả những người trẻ hiện nay cũng đang tìm nhiều “bài thuốc đặc trị” cách để giúp sách thật thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Không thể chối bỏ sự thật, thị trường sách đã có những dấu hiệu xuống dần đều, công nghệ càng phát triển kéo theo những hệ lụy buồn đối với sách.

Không buồn sao được khi mà những cuốn sách lần lượt bị đẩy lên mạng, nếu muốn đọc, người ta chỉ cần mở máy tính, mở điện thoại và những công cụ hiện đại khác là có thể đọc thỏa thích. Trong khi đó, những cuốn sách thực sự đang bị lãng quên. Thị trường sách Việt cần nhiều sáng tạo hơn nữa nhằm đánh thức thói quen đọc truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ