Ngành công nghiệp nào cũng cần phải có thị trường. Thị trường ngành công nghiệp văn hóa còn là một đặc thù - không chỉ mang yếu tố kinh tế, mà còn chứa đựng các thiết chế văn hóa - lịch sử để hình thành thương hiệu quốc gia.
Thế nhưng vấn nạn xâm phạm bản quyền đã và đang triệt tiêu sáng tạo, khiến thị trường nghệ thuật mất giá trị, người tham gia mất niềm tin.
Tranh giả “vươn tầm” thế giới
Trong mắt các nhà sưu tập quốc tế, tranh của các hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương được coi là viên ngọc quý giá nhất trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Chính vì thế, các tác phẩm thời kỳ này đều rất giá trị, được các nhà sưu tập chú ý.
Và thế là tranh giả xuất hiện, bằng con đường nào đó, những bức tranh nhái ký tên các danh hoạ “Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, Trí - Vân - Lân - Cẩn, Sáng - Liên - Nghiêm - Phái”… chễm chệ nằm trong kho của các hãng đấu giá quốc tế.
Ngay trong năm 2022, loạt tranh giả ký tên danh hoạ Việt Nam đã khiến thị trường nghệ thuật điên đảo. Ví như bức tranh có tên “Nắng hè” đề tên hoạ sĩ Lê Văn Đệ được gõ búa với mức giá 43.000 Euro (tính cả phụ phí là 53.300 Euro - tức gần 1,3 tỷ đồng).
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết, bức tranh này từng xuất hiện tại một phiên đấu cách đây vài năm với giá gõ búa tới 76.000 Euro. Sau đó, nhà sưu tầm nghe phong thanh về mức độ không đáng tin của tác phẩm nên quyết định “quay vòng” tại nhà đấu giá Drouot diễn ra vào đầu tháng 7/2022 và thu được 43.000 Euro.
Dù thấp đến gần một nửa giá trị ban đầu, nhưng dù sao nhà sưu tập đã vớt vát được chút ít. Tuy nhiên, đối với uy tín của thị trường tranh Việt, đó lại là một sự mất mát không thể đong đếm.
“Biết là tranh giả, nhà sưu tập vẫn cố vớt vát khi đem tranh ra đấu - thể hiện thái độ làm ăn chộp giật và thậm chí là lừa đảo. Đáng buồn là tình trạng quay vòng kiểu này lại diễn ra ở nhiều nhà sưu tập khi mua phải tranh giả”, ông Khôi cho biết.
Trước Lê Văn Đệ, tranh của các danh hoạ Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ… cũng thường xuyên bị làm giả và xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế. Trong năm 2022, bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” của nữ hoạ sĩ Dung Đoan cũng bị làm giả và đấu tại sàn của nhà Aguttes.
Thậm chí, tranh sơn mài có tên “La Haute-Région du Tonkin” (Thượng du Bắc kỳ) của cố hoạ sĩ Hoàng Tích Chù cũng bị làm giả với những nét vẽ vụng về vào được sàn của hãng đấu giá tại Hồng Kông.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, từ năm 2019 vấn nạn tranh giả bắt đầu cơn cuồng phong trong giới hội hoạ bởi loạt tác phẩm bị phát hiện. Trong số đó, nhiều bức tranh được công khai rao bán trên mạng xã hội ở cả trong và ngoài nước.
Nhiều hãng đấu giá quốc tế phải “muối mặt”, như Sotheby’s Hong Kong từng phải rút hai tác phẩm “Lá thư” của Tô Ngọc Vân và “Hai cô gái” của Trần Văn Cẩn khỏi danh sách, nhà đấu giá Tajan (Pháp) phải thay đổi 5/6 bức tranh xuất xứ Việt Nam dự kiến đưa vào phiên đấu giá chủ đề “Nghệ thuật châu Á”…
Bức tranh giả 'Nắng hè' ký tên hoạ sĩ Lê Văn Đệ từng 2 lần được đấu tại các sàn đấu giá quốc tế. |
Xâm phạm bản quyền thành… thói quen!
Trước vấn nạn xâm phạm bản quyền, giới chuyên gia nhận định yếu huyệt là Việt Nam hay đề cao, thần thánh hóa các tác phẩm nghệ thuật mà không quy định đó là hàng hoá.
Bởi vậy, khi bản quyền tác phẩm bị xâm phạm thì không có chế tài đủ mạnh, không thể tiến hành tiêu hủy. Từ đó không xử lý được tận gốc vấn đề nên từ năm này tới năm khác, tranh vẫn bị làm giả, ảnh vẫn bị “chôm” và thậm chí cả tác phẩm văn học hay âm nhạc bị đạo trắng trợn.
Thị trường nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu, là cơ sở hạ tầng để nuôi dưỡng và thúc đẩy sáng tạo phát triển. Trong khi đó ở nước ta mới đang cố gắng để có thị trường, thì tình trạng lại bát nháo vàng thau lẫn lộn. Điều này khiến ngành công nghiệp văn hóa khó có cơ hội phát triển.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng, chỉ xét riêng lĩnh vực hội hoạ thì Việt Nam đã có trước so với nhiều quốc gia - bằng chứng là sự ra đời của trường Mỹ thuật Đông Dương. Tuy nhiên, do chiến tranh và chủ yếu là nạn tranh giả đã khiến thị trường nghệ thuật hình thành muộn.
“Tưởng chậm mà chắc, nhưng việc liên tục xâm phạm bản quyền đã khiến thị trường nghệ thuật của chúng ta “vừa mới dậy thì” đã thất bại. Người sáng tạo thì chán nản thối chí, nhà sưu tập thì mất niềm tin, công chúng thì luôn bị đặt vào tình cảnh phải nghi ngờ… Tất cả những thứ ấy tác động vào khiến việc sáng tạo bị triệt tiêu, nghệ sĩ làm việc kiểu được chăng hay chớ, thị trường toàn lừa lọc, đất nước bị mang tiếng”, ông Khôi cho hay.
Công nghiệp văn hóa được đánh giá có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực kéo dài từ các hành vi xâm phạm bản quyền đã và đang làm xói mòn niềm tin của đội ngũ người làm công tác sáng tạo cũng như doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Theo khảo sát năm 2022 của nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam rất phổ biến.
Cụ thể, 14% chủ thể sáng tạo thường xuyên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 29% đã từng bị xâm phạm.
Trong đó, âm nhạc là lĩnh vực bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất (76,9%), tiếp đến là điện ảnh (71,6%), xuất bản (50,7%). Đặc biệt, nguyên nhân của hành vi xâm phạm bản quyền 82,1% do thói quen, 66,4% do nhận thức, 64,9% do môi trường số, 61,9% do chế tài xử phạt bất cập.
Để bảo vệ thị trường nghệ thuật và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sau 10 năm thi hành Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan - ngày 16/6/2022 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và tôn trọng bản quyền sáng tạo.
Cần học hỏi các nước phát triển
“Thị trường nghệ thuật của chúng ta không lớn lên được vì hành vi xâm phạm bản quyền quá phổ biến và nhức nhối. Thị trường nào cũng vậy, làm ăn thì phải có lãi, nhưng người ta không thể bỏ ra cả triệu USD để mua tranh giả hoặc đầu tư vào một thị trường đầy tai tiếng, lừa lọc. Chúng ta cần học hỏi các nước phát triển về góc độ luật và chính sách để có một thị trường nghệ thuật nghiêm túc, uy tín”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi.