Khó ngăn chặn vấn nạn xâm phạm bản quyền

GD&TĐ - Sau Quốc ca Việt Nam, rồi “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Sol và rất nhiều tác phẩm khác bị đánh cắp. Tưởng vấn nạn nhận vơ, xâm phạm bản quyền đã chấm dứt, nhưng không…

Ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường lại thuộc về một đơn vị khác.
Ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường lại thuộc về một đơn vị khác.

Mới đây, “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cũng bất ngờ bị “gậy bản quyền”, do ca khúc đã bị một đơn vị quen mặt nhanh tay đánh cắp.

Đánh tráo khái niệm để… ăn cắp!

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cho biết, ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” do anh là tác giả đã bị mất quyền sở hữu trên YouTube. Nhạc sĩ phát hiện ra điều này một cách tình cờ, khi đăng tải những tác phẩm của mình lên YouTube vào kênh chính thức cá nhân.

Phía YouTube có gửi cảnh báo đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, với thông tin doanh thu quảng cáo từ ca khúc này thuộc về chủ sở hữu - không phải anh mà là BH Media. Kèm theo thông tin chỉ đích danh BH Media, thì phía kênh YouTube cũng ghi rõ đơn vị này thay mặt cho Hãng phim Trẻ.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường đã ủy quyền cho luật sư gửi công văn sang bên BH Media. Tuy nhiên, phải sau 2 lần gửi công văn đi thì phía đơn vị này mới phản hồi. Người đại diện của BH Media đã liên hệ với anh, mời gặp gỡ để trao đổi sự việc.

Tác giả “Nồng nàn Hà Nội” đã thiện chí sang tận nơi để làm việc theo lời mời của BH Media. Tại cuộc gặp này, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường nói thẳng về việc phía BH Media đã hoàn toàn sai khi sử dụng ca khúc của anh - bao gồm cả quyền tác giả và quyền đối với bản ghi âm ca khúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường khẳng định: “Tất cả các khâu sản xuất ra sản phẩm này đều do tôi thực hiện. Quyền tác giả và quyền ghi âm đều thuộc về tôi. Kể cả phôi nhạc, từ đầu đến cuối tôi vẫn đang giữ”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cho biết thêm, phía BH Media hỏi anh “liệu có chứng minh được câu chuyện bản ghi âm này là của anh không?”. Nhạc sĩ đã khẳng định làm việc trên cơ sở có giấy tờ hợp pháp, vẫn lưu giữ phôi nhạc từ ngày đầu tiên sáng tác cho đến lúc thu âm thành sản phẩm.

Nhạc sĩ Cường cũng đề nghị phía BH Media trưng ra giấy tờ chứng nhận anh ủy quyền cho họ bảo hộ bản quyền ca khúc “Nồng nàn Hà Nội”. Tuy nhiên, phía BH Media không đưa ra được, mà chỉ vòng vo giải trình.

“Tôi chưa bao giờ ký kết với BH Media, hay bất kỳ đơn vị nào về việc ủy quyền khai thác ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” trên nền tảng số. Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và sẽ làm đến cùng để đưa sự việc này ra ánh sáng. Không có chuyện để ai đó đánh tráo khái niệm rồi đánh cắp quyền sở hữu - bao gồm cả quyền tác giả và quyền đối với bản ghi âm”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cho hay.

Không thể khuyên kẻ cắp hoàn lương

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cho biết, sẽ đưa sự việc xâm phạm – đánh cắp bản quyền ra ánh sáng.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường cho biết, sẽ đưa sự việc xâm phạm – đánh cắp bản quyền ra ánh sáng.
Liên quan ca khúc “Nồng nàn Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường bị “gậy bản quyền”. Ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với PV Báo GD&TĐ, phía BH Media nói “bài đó không phải của bên em, em không có quyền gì hết với bài ấy cả nên em không biết trả lời thế nào. Bên em không có dùng gì và không có bản quyền gì đối với bài đó”.

Vấn nạn xâm phạm bản quyền, đánh cắp tác phẩm nghệ thuật hay công trình khoa học không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại là vấn nạn này ngày càng gia tăng, cả về mức độ hành vi và sự táo tợn của kẻ cắp.

Ngày 26/4 tại Hà Nội, trong tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định, trình độ xâm phạm bản quyền trên mạng của Việt Nam đứng thứ nhì thì thế giới không ai dám đứng thứ nhất.

Tọa đàm cũng nhắc lại chuyện “Quốc ca Việt Nam” bị tắt tiếng khi truyền hình trực tiếp trận bóng đá giữa Việt Nam - Lào hồi cuối năm 2021. Lúc đó, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã gọi cho Giám đốc Google Đông Nam Á để hỏi lý do. Sau đó mới biết, chính đơn vị tường thuật đã làm việc đó. Họ thà tắt tiếng Quốc ca còn hơn bị đánh bản quyền.

Ông Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - cho biết, việc xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra tràn lan. Thậm chí, rất nhiều đơn vị vẫn nghĩ đến việc chi trả không cần phải cụ thể.

Khi trung tâm áp dụng công nghệ đo đếm lượt sử dụng, chỉ trong vòng 24 tiếng đã có số liệu về từng đơn vị sử dụng tác phẩm. Có đơn vị nói chỉ dùng 500 bài/năm, nhưng khi yêu cầu kỹ thuật chuyển lại thống kê thì con số là 5.800 bài.

Không chỉ đối với âm nhạc, nhiều lĩnh vực khác như điện ảnh, văn học, hội họa, điêu khắc cũng thường xuyên bị xâm phạm bản quyền, hoặc đánh cắp ý tưởng tác phẩm.

Như Báo GD&TĐ từng phản ánh về vụ việc liên quan đến cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS Vũ Thị Trang được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, tác giả bị TS Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại (Viện Văn học) tố vi phạm quyền tác giả.

Trước lùm xùm liên quan đến câu chuyện xâm phạm bản quyền. Cuối tháng 3/2022, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định tạm thời thu hồi giải thưởng Tác giả Trẻ đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của TS Vũ Thị Trang.

Thực trạng xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi, các chuyên gia tại tọa đàm “Thế hệ trẻ với bản quyền trên không gian mạng” nhất trí rằng, khi trình độ xâm phạm đạt đến mức độ cao thì công cụ pháp luật là quan trọng. Chúng ta không thể chờ hay hi vọng vào ý thức của kẻ cắp, cũng không thể khuyên kẻ cắp hoàn lương, mà phải đẩy lùi vấn nạn “nhận vơ” tác phẩm bằng các quy định cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.