Thị trường chứng khoán ảm đạm cuối năm

GD&TĐ - Tháng cuối năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index) có pha điều chỉnh quanh mốc 1.000 điểm với thanh khoản thấp.

VN-Index giảm giá trong tháng 12/2022. Ảnh: Fireant
VN-Index giảm giá trong tháng 12/2022. Ảnh: Fireant

VN-Index quay đầu giảm

Từ ngày 5/12, VN-Index có pha giảm điểm từ mốc 1.100 điểm về đến 983 điểm (ngày 26/12) và sau đó có 2 pha tăng nhẹ quanh mốc 1.000 điểm.

VN-Index có pha điều chỉnh sau thời gian tăng trưởng và tạo đáy vào giai đoạn cuối tháng 10 - 11. Ở giai đoạn tháng 11, tâm điểm chú ý của thị trường thuộc về nhóm bất động sản khi hàng loạt cổ phiếu như CEO, DIG, L14, DXG... có pha bứt tốc với nhiều phiên giao dịch tăng hết biên độ.

Cổ phiếu CEO tăng mạnh nhất với vùng giá từ 7.000 đồng/cổ phiếu (ngày 6/11) lên gần 27.000 đồng/cổ phiếu (ngày 6/12), tức tăng gần 270%. Cổ phiếu DIG cũng tăng từ mức 9.000 đồng/cổ phiếu lên mức trên 20.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, mảng bất động sản khu công nghiệp cũng có đợt tăng trưởng vào giai đoạn tháng 11.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán cũng đóng vai trò dẫn dắt thị trường khi liên tục tăng điểm vào giai đoạn tháng 11. Các cổ phiếu CTG, TPB, STB... có mức tăng trưởng gấp 2 lần so với vùng giá tại đáy. Ngoài ra, VCB, VPB cũng tăng trưởng mạnh, đóng góp đáng kể vào xu hướng tăng trưởng chung.

Các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, bán lẻ, hóa chất... cũng tăng trưởng vào giai đoạn tháng 11, qua đó góp phần trấn an tâm lý cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của VN-Index không duy trì được lâu khi từ đầu tháng 12/2022 thị trường quay đầu giảm giá.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán giảm điểm mạnh nhất như: CEO giảm từ giá 26.000 đồng về 15.000 đồng/cổ phiếu. DIG giảm từ 20.000 đồng về 13.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu L14 từ 75.000 đồng về 36.000 đồng/cổ phiếu... Nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI, VND, MBS, FTS, VCI, SHS... cũng có diễn biến tương tự như nhóm bất động sản.

Tuy nhiên, đà giảm có dấu hiệu được hãm lại do có sự giữ chân của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Việc giá cổ phiếu nhóm ngày đi ngang trên vùng giá cao có ý nghĩa rất quan trọng khi đỡ nhịp và có thể kéo thị trường trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau khoảng 1 năm rơi vào khủng hoảng.

Ở giai đoạn từ tháng 11 đến nay, tâm điểm tiêu cực của thị trường rơi vào cổ phiếu IBC, NVL, PDR. Từ ngày 16/11 đến nay, cổ phiếu IBC của Apax Holdings có 27 phiên sàn liên tiếp. Cổ phiếu NVL, PDR cũng rơi vào thời kỳ tăm tối khi có đến hàng chục phiên giảm sản khi nhà đầu tư lo ngại về tình hình nợ nần và kinh doanh của công ty.

Tâm lý nhà đầu tư còn dao động

Chỉ số VN-Index giảm điểm trong tháng 12 trong bối cảnh đồng pha với chứng khoán thế giới. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đang trong xu thế giảm điểm ngắn hạn, từ mốc gần 34.000 điểm về 32.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số FTSE100 tại châu Âu cũng có pha điều chỉnh theo hướng giảm điểm ngắn hạn. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 cũng có pha điều chỉnh ngắn hạn từ vùng giá 28.000 điểm về 26.000 điểm.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), cho rằng, VN-Index điều chỉnh vào tháng cuối năm có thể hiểu được do nhà đầu tư thường rút tiền về và cũng là kỳ cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ lớn.

Theo ông Ngọc, sau 1 năm VN-Index rơi vào khủng hoảng, tâm lý của nhà đầu tư còn dao động là điều đương nhiên. Vì vậy, nhóm nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu ở giai đoạn nửa đầu tháng 11 có tâm lý chốt lời và quan sát thị trường.

Về tình hình chung, ông Ngọc cho rằng, thị trường đang được đỡ bởi những thông tin tích cực như trong nước đang đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, tình hình lạm phát được kỳ vọng sẽ chững lại, chất lượng tăng trưởng kinh tế chung được nâng cao.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Thái, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho rằng: Khả năng VN-Index khó giảm sâu về vùng 900 điểm. Lý do là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hạ mức tăng lãi suất 0,25 điểm so với những kỳ trước. Điều này có nghĩa là tình hình lạm phát tại Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có thể chững lại, qua đó tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu.

Với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán nhiều năm, anh Thái đánh giá: Động thái tăng lãi suất của FED có tác động mạnh mẽ đối với chứng khoán Việt Nam. Số liệu gần 100 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ năm 2022 đủ để nói lên tầm quan trọng của thị trường này đối với Việt Nam.

Theo dự báo, giai đoạn 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ và các nước EU sẽ tiếp tục ở mức cao và ổn định. Từ đó sẽ tác động đến chiều hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngành xuất nhập khẩu như thủy sản, đồ gỗ, dệt may...

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau thời gian dài áp dụng chính sách Zero Covid cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhóm ngành chăn nuôi, nông sản rộng đường vào thị trường tỷ dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.