Nhiều tín hiệu phục hồi tích cực
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ 5 và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2024 - 2025, những điểm sáng nổi bật mà ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu ra là: Doanh nghiệp vẫn tiếp tục bền bỉ vượt khó, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, thanh khoản cải thiện, nguồn cung được đẩy mạnh hơn từ các dự án mới…
Đặc biệt, nền tảng chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đã được hoàn thiện và đồng bộ hơn. Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm cùng nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn với những điểm mới, có khả năng tháo gỡ các nút thắt, tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Trên cơ sở chuyển biến tích cực trong năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025 được dự báo có nhiều cơ hội phát triển.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho biết, theo đánh giá từ các chuyên gia trong lĩnh vực, hiện nay những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân, giá cả hợp lý có dấu hiệu mua bán “tăng nhiệt”.
Ngược lại, đối với những dòng sản phẩm không có sự bình ổn về giá, tăng đột biến thì không thu hút người dân. Chính áp lực đó đã tạo ra giảm giá bất động sản ở một số khu vực. Đặc biệt, thời gian qua ghi nhận dấu hiệu chững giá ở các căn hộ chung cư tại Hà Nội, có những khoảng thời gian chủ sở hữu không bán được vì vậy họ đã phải giảm giá.
“Nhiều nhà đầu tư khi tham gia vào công cuộc đẩy giá, tăng giá, phần lớn rất ít người có nhu cầu thực. Họ đầu tư mua bán chỉ để sinh lời. Vì vậy, nếu họ “ôm” hàng lâu mà không bán được, đặc biệt đối với những người có sử dụng đòn bẩy tài chính tín dụng thì chắc chắn họ phải tìm cách tháo gỡ, bán tháo. Muốn bán nhanh để trả nợ ngân hàng thì họ buộc phải giảm giá. Đó là câu chuyện thực tế đang diễn ra trên thị trường”, ông Đính nhận định.
Cũng theo ông Đính, đây là tín hiệu tích cực đẩy thị trường trở lại gần hơn với giá trị thực. Tuy chưa thực sự ổn định giống như ở giai đoạn 2018 - 2019, song thị trường hiện nay đã có nhiều cải thiện, từ nguồn cung, nhu cầu, tâm lý, niềm tin, giao dịch.
Ông Đính cho rằng, năm 2025, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ là sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Họ đã tự điều chỉnh, cân đối để các sản phẩm tiệm cận với nhu cầu của người dân thay vì phục vụ nhóm đầu tư. Nhờ đó, thị trường sẽ có những bước chuyển mình tốt hơn.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết: “Hiện, doanh nghiệp chúng tôi cũng có dự án đang triển khai bán hàng. Thông thường có quan niệm ‘tháng Giêng là tháng ăn chơi’, thường sẽ không có khách mua hàng.
Tuy nhiên, với dự án vừa mở bán của doanh nghiệp chúng tôi, tốc độ bán còn nhanh hơn so với đợt cuối năm 2024. Như vậy, tín hiệu thị trường đã cho thấy sự hồi phục. Nhìn chung, sức mua đã có sự tăng trưởng hơn trước”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều cơ hội, song việc hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng vẫn đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chính sách linh hoạt và sự đồng hành của doanh nghiệp bất động sản nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một kỷ nguyên phát triển vượt bậc.
Cần chính sách thu hút vốn đầu tư nhà ở xã hội
Hiện nay, các vấn đề xoay quanh việc mua bán nhà ở xã hội ở khu vực Hà Nội đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, Chính phủ đặt chỉ tiêu tới năm 2030, cả nước sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội. Một số tỉnh, thành đã triển khai vấn đề này khá tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh, thành chưa mặn mà với việc mua bán nhà ở xã hội.
“Chúng tôi cho rằng, muốn các dự án nhà ở xã hội phát triển, cần các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp tỉnh vào cuộc sát sao, từ vấn đề quy hoạch, quy mô dự án, đánh giá ở đâu cần làm nhà ở xã hội. Nhu cầu nhà ở xã hội từng địa phương lại khác nhau, không phải đồng loạt các dự án nhà ở xã hội đều thành công.
Chúng tôi nhận thấy rằng, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nhà ở xã hội ra hàng tới đâu là ‘cháy’ tới đó. Tuy nhiên cũng có những tỉnh, thành, việc bán nhà ở xã hội rất khó. Vì vậy, việc triển khai cần có kế hoạch, đánh giá kỹ xem ở đâu là nơi nên tập trung nhà ở xã hội, ở đâu không nên làm, tránh lãng phí.
Ngoài ra, cần có nguồn ngân sách nhất định để đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật nhằm kết nối các công trình dịch vụ xung quanh. Như vậy vùng đất làm nhà ở xã hội mới trở nên đáng giá. Trường hợp xung quanh ‘đồng không mông quạnh’, không có các dịch vụ phối hợp thì người dân sẽ không muốn mua nhà ở đó”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, nguồn vốn xây dựng nhà ở xã hội là nguồn vốn từ tư nhân, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội vì nhiều lý do như thủ tục triển khai phức tạp, tỷ suất sinh lời không đủ hấp dẫn so với các dự án nhà ở thương mại.
Theo ông Hiệp, việc đầu tư sẽ có những rủi ro, chi phí không tính trước được. Vì vậy, nếu như lợi nhuận quá thấp thì các nhà đầu tư sẽ không ưu tiên lựa chọn phương án đầu tư này. Nếu muốn thu hút vốn đầu tư tư nhân, cần có những cơ chế, chính sách hài hòa để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý.
“Tôi hy vọng những vướng mắc còn tồn đọng về thể chế sẽ được tháo gỡ để bất động sản có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.